Gia hạn khai thác đá bất chấp phản đối?

(ĐTTCO)-Sở TN-MT tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận, quá trình khai thác lâu năm đã gặp sự phản ứng của các hộ dân sinh sống trong khu vực. Trong đó có cả sự phản ứng rất quyết liệt khi liên tục gia hạn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác. 
Hiện trường khai thác ở một cụm mỏ đá Dĩ An
Hiện trường khai thác ở một cụm mỏ đá Dĩ An
Sau nhiều lần nộp hồ sơ, bổ sung thủ tục xin gia hạn, các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp  (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã được HĐND tỉnh Bình Dương biểu quyết thông qua, cho phép khai thác tới độ sâu dưới 150m, thời gian đến hết 31-12-2019, mặc dù trước đó nhiều hộ dân trong khu vực đã lên tiếng phản đối quyết liệt, yêu cầu chủ đầu tư phải ngưng khai thác, thực hiện các giải pháp đóng cửa mỏ. 
Như Báo SGGP đã phản ánh, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp (bao gồm mỏ Tân Đông Hiệp và mỏ đá Núi Nhỏ) được khai thác từ năm 1996, đã qua 3 lần gia hạn khai thác với tổng diện tích được cấp phép là 447.923,3m2, trong đó lần gia hạn thứ 3 có thời gian từ năm 2015 đến hết năm 2017 với độ sâu khai thác tối đa dưới 120m.
Quá trình khai thác hàng chục năm của nhiều doanh nghiệp đã để lại những hệ lụy nặng nề về môi trường và cuộc sống của các hộ dân trong khu vực. Khói bụi từ xay, nghiền đá; tiếng ồn khủng khiếp từ nổ mìn thường xuyên để phá đá; việc vận chuyển đá của các xe tải trọng lớn đã gây hư hại nghiêm trọng đường sá, là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông khi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông chết người. 
Bà Nguyễn Thị Phú (67 tuổi) cho biết, đã ở cạnh mỏ này hơn 20 năm và chứng kiến nhiều sự cố kinh hãi, trong đó có những vụ nghiêm trọng làm chết người. Điển hình là vụ tai nạn làm 1 tài xế thiệt mạng vào đầu năm 2016 do xe tải rơi từ trên đường dẫn xuống mỏ sâu và các vụ tai nạn không thể nhớ hết được vì xảy ra thường xuyên. Không chỉ tai nạn vì rớt xe hay xe lao vào các thành taluy được xây dựng trong lòng mỏ đá, mà việc sử dụng điện để phục vụ việc khai thác đá dưới mỏ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro chết người.
Đại diện đơn vị khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp thừa nhận có tình trạng mất an toàn sử dụng điện tại đây. Đã có trường hợp xảy ra chết người như tại Công ty Khai thác đá Trung Thành vào năm 2016, hay 2 vụ khác cũng gây thương vong cho người lao động tại công trường do thiết bị vận hành đột ngột dừng khiến người làm không kịp trở tay. 
Hiện tại, xung quanh khu mỏ Tân Đông Hiệp có một số công trình cấp quốc gia như: tuyến đường sắt Bắc - Nam cách phía Bắc khu mỏ khoảng 150m và tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nằm liền kế phía Nam, hệ thống đường cấp nước sinh hoạt Dĩ An - Thủ Đức nằm ở phía Đông Nam mỏ và xung quanh là khu dân cư Tân Đông Hiệp, gần chùa Châu Thới.
Việc khai thác xuống sâu đến dưới 150m với hệ thống hào vận chuyển thô sơ và số thiết bị, máy móc hoạt động tại mỏ khá lớn, cùng với hiện trạng các bờ moong chưa đảm bảo đúng như thiết kế khai thác, đồng thời trong cấu trúc đá phần trên có nhiều khe nứt, mặt trượt có thể xảy ra sạt lở bờ moong hoặc sập mỏ bất cứ lúc nào.
Sở TN-MT tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận, quá trình khai thác lâu năm đã gặp sự phản ứng của các hộ dân sinh sống trong khu vực. Trong đó có cả sự phản ứng rất quyết liệt khi liên tục gia hạn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác. Để giải tỏa lo lắng của dư luận về mức độ ảnh hưởng, các yếu tố đảm bảo an toàn khi khai thác sâu thêm, hiện Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đang thực hiện hàng loạt giải pháp như: đánh giá tác động môi trường, tiếp tục lấy ý kiến phản biện cùng ý kiến của các cơ quan trung ương. 
Theo ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh Bình Dương, khi gia hạn khai thác, các doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, giảm thiểu tiếng ồn và bụi, đồng thời thường xuyên lấy ý kiến người dân để đánh giá mức độ hài lòng để có những điều chỉnh cần thiết.

Các tin khác