FPT rút dần khỏi lĩnh vực thương mại

(ĐTTCO) - Chưa đầy 2 tháng, Tập đoàn FPT liên tục thoái vốn lớn ở mảng bán lẻ và phân phối thiết bị số, sản phẩm công nghệ. 
FPT rút dần khỏi lĩnh vực thương mại
Đây là 2 lĩnh vực vốn được xem là thế mạnh truyền thống và đem lại doanh thu rất lớn hàng năm cho FPT. Phải chăng lãnh đạo FPT đang có một toan tính khác về đường hướng phát triển của tập đoàn công nghệ được xem là hàng đầu ở Việt Nam hiện nay?
Ngày 12-9, Tập đoàn FPT đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (có trụ sở tại Đài Loan, Trung Quốc), có doanh thu 33 tỷ USD, lớn thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử.
Theo đó, Synnex sẽ sở hữu 47% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading). Trong thương vụ FPT Trading được định giá trên 80 triệu USD này, FPT nhận được 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.
Tại lễ ký kết, ông Evans Tu, Tổng giám đốc của Synnex, cho biết đây là cách tốt nhất để Synnex gia nhập thị trường tiêu dùng sản phẩm công nghệ, viễn thông, linh kiện điện tử rất hấp dẫn là Việt Nam. FPT Trading công ty phân phối số 1 Việt Nam trong lĩnh vực này và luôn khẳng định được sự hiệu quả trong việc xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống phân phối trong hơn 20 năm qua. 
Trước đó, đầu tháng 8 vừa qua, FPT đã thông qua việc bán 30% vốn của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail). 2 nhà đầu tư tổ chức mua số cổ phần lớn nhất lần này là VinaCapital và Dragon Capital. Theo một thông báo riêng do VinaCapital đăng trên tờ Deal Street Asia, quỹ này đã dành tổng cộng 11 triệu USD để mua lại cổ phần từ FPT Retail.
Các bên không tiết lộ mỗi cổ phần của FPT Retail giá bao nhiêu, tuy nhiên nhiều thông tin cho biết phải trên 90.000 đồng/cổ phần. Tiếp theo, FPT dự kiến sẽ chào bán 10% cổ phần FPT Retail cho các nhà đầu tư cá nhân, thực hiện thông qua IPO và niêm yết cổ phiếu của công ty này tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM muộn nhất vào tháng 4-2018.
Trao đổi với báo chí về việc liên tiếp bán cổ phiếu tại 2 công ty con nói trên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho biết: “Nếu hỏi vì sao FPT bán cổ phiếu tại 2 công ty này? Câu trả lời là 2 công ty này vẫn đang phát triển rất tốt. Nhưng thị trường đang muốn có hình ảnh của FPT tập trung vào công nghệ chứ không phải kết hợp giữa thương mại và công nghệ. Vì vậy, nhóm công ty liên quan nhiều đến thương mại chúng tôi sẽ không sở hữu cổ phiếu đa số nữa. Mục tiêu của FPT sẽ sở hữu cổ phiếu ở những công ty này dưới 50%”.
Ông Bình cũng khẳng định, số tiền FPT thu được sau khi bán cổ phần tại 2 công ty này sẽ được FPT đầu tư vào lĩnh vực phần mềm. Đây là chiến lược FPT sẽ tập trung vào phát triển. FPT đang có kế hoạch sẽ mua lại một số công ty phần mềm ở châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản để tập trung phát triển lĩnh vực này. 
Tập đoàn FPT cũng cho biết, sau khi thoái vốn thành công tại 2 công ty phân phối và bán lẻ và không hợp nhất vào báo cáo tài chính, 2 khối công nghệ và viễn thông sẽ trở thành những động cơ tăng trưởng chính với tỷ trọng đóng góp 95% vào tổng doanh thu của FPT. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận toàn tập đoàn cũng sẽ được cải thiện đáng kể, từ mức 7,4% lên mức 14,6%.

Các tin khác