Đưa vào tầm ngắm kinh tế ngầm, bất hợp pháp

(ĐTTCO) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, với mục tiêu phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế. Song theo nhiều ý kiến, việc thống kê khu vực kinh tế ngầm không đơn giản khi Việt Nam vẫn là một nền kinh tế tiền mặt, và rất nhiều lĩnh vực kinh tế ngầm hoạt động bất hợp pháp. 

Đưa vào tầm ngắm kinh tế ngầm, bất hợp pháp
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn thống kê được khu vực kinh tế ngầm, trước mắt cần hoàn thiện thể chế để từng bước quản lý khu vực này.
Không dễ thống kê 
Việc thống kê khu vực kinh tế ngầm sẽ được tiến hành thử nghiệm trong năm 2019, sau đó sẽ tiến hành đo lường chính thức hàng năm, cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt, việc khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát sẽ tiến hành theo 5 nhóm hoạt động của 3 khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ.
 Hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế chưa quan sát gồm nhiều nội dung, có những nội dung phải hoàn thiện thể chế, tăng chế tài để giảm thiểu quy mô kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp. Chẳng hạn như tình trạng buôn lậu phải có giải pháp để giảm thiểu, hay cá nhân, tổ chức đăng ký ở ngành này, làm ở ngành khác, hoặc không đăng ký thì phải bổ sung quy định pháp lý để giảm tình trạng này. 
Ông Nguyễn Bích Lâm 
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói, việc thống kê kinh tế chưa quan sát giúp Chính phủ tính toán đầy đủ phạm vi, quy mô GDP của nền kinh tế, nhưng việc thống kê đầy đủ này không đơn giản, gồm 5 nhóm: kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức, tự sản tự tiêu hộ gia đình, và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong thu thập dữ liệu thống kê.
Cũng theo ông Lâm, chỉ có kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp chưa được Tổng cục Thống kê tính toán vào quy mô GDP hàng năm, 3 nhóm còn lại đã được thống kê những năm qua. 
Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang tính toán quy mô khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp và sẽ công bố quy mô kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp đang chiếm bao nhiêu % GDP trong thời gian tới. Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định: “Việc các trường đại học tính toán ra quy mô kinh tế ngầm chiếm khoảng 25-30% GDP là nghiên cứu riêng của họ, đó là số liệu để tham khảo”.

Khó với nền kinh tế tiền mặt
Giải thích về quy mô kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp còn lớn, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Viet Analytics, cho rằng đa phần hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp hiện không thống kê được, nguyên nhân chính do nền kinh tế sử dụng tiền mặt nhiều. Hơn nữa, hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp gồm cả hoạt động buôn lậu, kinh doanh phi pháp, mại dâm, xã hội đen…
Muốn thống kê được trước hết phải hợp pháp hóa hoạt động đó, việc hợp pháp hóa các hoạt động kinh tế ngầm cũng sẽ làm giảm quy mô khu vực này, và số còn lại không thống kê được. Nhiều nước cũng chỉ ước tính quy mô khu vực kinh tế ngầm chứ không thống kê chính xác, vì ngay cả DN có đăng ký đôi khi vẫn kinh doanh ngoài sổ sách.
Ông Tuấn nhấn mạnh, việc lập đề án thống kê kinh tế không quan sát, hướng tới thu hẹp khu vực này đang đi đúng hướng, nhưng cần giải pháp mạnh mẽ hơn, thúc đẩy việc giao dịch, mua bán không dùng tiền mặt, hợp pháp hóa một số hoạt động kinh tế ngầm và cải thiện công tác thống kê.
1 trong 6 giải pháp của đề án thống kê kinh tế chưa quan sát cũng nhấn mạnh đến thu hẹp phạm vi, quy mô khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp thông qua việc ban hành văn bản pháp lý quy định đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp ngân sách nhà nước, quy định sử dụng lao động, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, quy định xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hoạt động kinh tế ngầm, chưa quan sát.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, việc thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế không quan sát sẽ hình thành dữ liệu đầy đủ về hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp, hoạt động kinh doanh không đăng ký như bán hàng trên Facebook, đặt phòng trên mạng… Qua đó, sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng hơn, hạn chế bất cập cùng một hoạt động kinh doanh nhưng có người nộp thuế, người không, tăng nguồn thu ngân sách, giúp Nhà nước hoạch định chính sách phát triển kinh tế tốt hơn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 4 khó khăn trong xác định quy mô kinh tế ngầm: hoạt động kinh tế ngầm phức tạp và che giấu; hoạt động kinh tế bất hợp pháp bị pháp luật cấm, vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến nền kinh tế; sự phối hợp giữa bộ với địa phương trong nhận dạng, thực hiện thống kê; hệ thống pháp luật chưa đầy đủ khó nhận diện hoạt động kinh tế ngầm, bất hợp pháp.
 * Lộ trình thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát:
- Năm 2019, xây dựng hệ thống chỉ tiêu đầu vào, đo lường thử nghiệm quy mô.
- Năm 2020, chính thức đo lường, cập nhật quy mô kinh tế ngầm, bất hợp pháp vào GDP.
- Từ năm 2019-2025, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan với khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp.
- Từ năm 2020-2025, chuyển dần khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp-chưa quan sát sang khu vực kinh tế được quan sát.
* Các hoạt động kinh tế ngầm gồm (nghiên cứu của Đại học Fulbright):
- Kinh tế ngầm phi pháp như buôn lậu, trốn thuế, tín dụng đen, cá cược; mại dâm xã hội đen; lập công ty ma để buôn bán hóa đơn chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
- Kinh tế ngầm hợp lệ, chưa hợp pháp như buôn bán ngầm, buôn bán không xuất hóa đơn, chứng từ; kê khai doanh thu thấp hơn thực tế, điều chỉnh giá mua và bán thấp hơn thực tế, bán hàng không qua máy tính tiền, mua bán trên mạng; dự trữ tiền, vàng, đá quý trong dân; kiều hối từ nước ngoài về theo đường tự chuyển.

Các tin khác