Dự thảo Nghị định 86: Áp đặt, duy ý chí

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch thành viên Công ty Luật BASICO, cho rằng dự thảo Nghị định để sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, do Bộ GTVT trình lên Chính phủ mới đây là chưa khoa học, đó là “bước lùi” và “trói” các DN vận tải.

PHÓNG VIÊN: - Ý kiến của ông như thế nào về Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP?
LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Trước tiên tôi thất vọng với dự thảo Nghị định 86 mà Bộ GTVT vừa trình lên Chính phủ. Thất vọng vì dự thảo nghị định này không phải là lần đầu tiên trình, mà là lần thứ 5 rồi, cuối cùng vẫn không phản ánh đúng nhu cầu thực tế, vẫn đầy “sạn” là “bước lùi” lớn, tiếp tục cản trở DN.
Về khách quan, lẽ ra Nghị định 86 phải sửa từ lâu rồi, ngay khi Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi) đã có hiệu lực, nhưng Bộ GTVT khi đó vẫn loay hoay. Trong dự thảo của Nghị định 86 trình lên Chính phủ lần này, Bộ GTVT dự kiến cắt bỏ 12 điều kiện kinh doanh và bổ sung 85 điều kiện kinh doanh, trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GTVT. Xét về mặt lý luận Bộ GTVT đưa ra là không sai, nhưng không sát thực tế. 
Tôi lấy thí dụ quan điểm của Bộ GTVT đưa ra như thế này: Về đối tượng phạm vi điều chỉnh của Nghị định, Bộ GTVT cho rằng dù là taxi Grab, Uber hay taxi truyền thống đều là taxi, nên điều kiện kinh doanh đều như nhau, quan điểm này không ổn. Dù đều là taxi, song taxi công nghệ có những đặc thù riêng, đó là mô hình riêng nên cần phải có những điều kiện quy định quản lý riêng, không thể đánh đồng.
Ở đây, Bộ GTVT chưa nhận thức được đầy đủ về loại hình taxi công nghệ, chưa xác định được rõ ràng đâu là lĩnh vực kinh doanh, đâu là lĩnh vực kinh tế chia sẻ, do đó dự thảo nghị định còn mang tính áp đặt, duy ý chí.
Dự thảo Nghị định 86: Áp đặt, duy ý chí ảnh 1 Cần công bằng cho loại hình taxi công nghệ, vì đó là xu thế của thời đại 4.0. 
- Như vậy cần tách bạch trong quản lý giữa 2 loại hình vận tải truyền thống và công nghệ?
- Ở đây có 3 loại hình vận tải hành khách cần phân định rõ. Thứ nhất là taxi truyền thống, ví dụ như taxi Mai Linh vẫn hoạt động lâu nay. Loại này quản lý như trước đây vẫn ổn, không cần phải sửa chữa điều kiện trong dự thảo nghị định làm gì. 
Thứ hai là taxi hợp tác, nghĩa là có sự kết hợp giữa taxi truyền thống với công nghệ, loại này cần có quy định về điều kiện kinh doanh, tuy nhiên cấp phép và quản lý như thế nào đó là do nhà nước. 
Thứ ba là vận tải áp dụng công nghệ như Uber, Grab, đây mới là loại hình thực sự cần quan tâm để có quy định sao cho phù hợp. Tôi cho rằng đây là loại hình vận tải cần phải khuyến khích phát triển. Việt Nam là nước có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, nên khuyến khích loại hình vận tải áp dụng công nghệ như Uber, Grab phát triển, vì đó là kinh tế chia sẻ, vừa tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, vừa hạn chế được ách tắc giao thông bởi lưu lượng phương tiện giao thông quá nhiều.
- Kinh nghiệm của các nước khác trong việc quản lý loại hình vận tải công nghệ như thế nào, thưa ông?
- Trong quản lý mỗi nước có mỗi kiểu khác nhau, bởi xuất phát từ luật, tư duy về giao thông cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông mỗi nước đều có sự khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung ở các nước phát triển, đối với các loại hình vận tải có nhiều ưu điểm đều được ưu tiên phát triển vì nó đem lại nhiều lợi ích kinh tế bền vững như vừa giải được bài toán về môi trường, bài toán về chống ùn tắc giao thông đô thị, hay bài toán về tạo ra nhiều việc làm và có thêm thu nhập cho người lao động.
Tôi vừa có chuyến thăm Nga và trở về Việt Nam gần đây, tôi lấy dẫn chứng về quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải ở Nga, hiện nay họ vẫn ưu tiên nhiều loại hình vận tải cùng tồn tại và phát triển, mỗi loại hình có một cách quản lý riêng. Hiện nay nước Nga có 380km đường tàu điện ngầm, thuộc vào loại nhất thế giới, thế nhưng họ vẫn duy trì xe buýt, tàu điện giống như ta ngày trước, chưa kể bên cạnh việc người dân có rất nhiều ô tô, các loại hình kinh doanh vận tải khác như xe khách, taxi vẫn phát triển mà không bị “trói” như ở ta.
Khi khoa học công nghệ đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống thì ở phương diện nhà quản lý cũng cần có cái nhìn đa chiều, vì nếu không nhìn đúng bản chất vấn đề không bao giờ quản lý được. Thay vì hạn chế Uber, Grab thì nên bắt buộc taxi truyền thống phải có thay đổi công nghệ. Nếu nói đến bài toán tối ưu hóa, theo nghiên cứu rộng rãi tỷ lệ lấp đầy Uber, Grab là hơn 75%, còn taxi truyền thống được 25%. Như vậy, 3 chiếc taxi truyền thống mới có hiệu suất bằng 1 Uber, Grab. 
Nền kinh tế chia sẻ đòi hỏi cách thức quản lý, khai thác nguồn lực mới để tận dụng tối đa trong khi chúng ta quản lý cơ học về mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, đây là rào cản cần sửa đổi để tự do sáng tạo, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới. Xu hướng chung là nền kinh tế chia sẻ, nhưng hiện nay ở Việt Nam còn nhiều điều kiện kinh doanh không đáng có, cản trở tư duy đổi mới sáng tạo. 
- Dù đã 5 lần “trình, rút”, song hiện nay có ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định 86 vẫn nên rút và hoãn lại để sửa chữa các điều khoản quy định sao cho hoàn thiện hơn. Quan điểm của ông như thế nào?
- Theo tôi Chính phủ chưa nên thông qua Nghị định 86 (sửa đổi) lần này. Nếu như thông qua, thì dự thảo Nghị định cần phải sửa chữa lại sao cho có tính đột phá và phù hợp với thực tế, còn nếu không thì nên hoãn.
Tôi cho rằng nên theo đúng quy trình, tức là đợi luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ban hành, rồi căn cứ vào đó ban hành nghị định sau. Điểm mấu chốt ở đây là vào thời điểm Luật Giao thông đường bộ 2008 ra đời, loại hình vận tải này vẫn chưa xuất hiện, nên không có quy định nào về Uber, Grab trong văn bản luật.
Do đó, sự xuất hiện của taxi công nghệ trong vài năm trở lại đây đã khiến cho nhà quản lý lúng túng. Chính từ sự lúng túng này đã dẫn đến việc Bộ GTVT xây dựng dự thảo Nghị định 86 (sửa đổi) có phần vội vã, và điều này tạo nên những sự cạnh tranh không công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Do đó, dự thảo Nghị định 86 nên hoãn lại để chờ luật, bởi dù sao cũng đã chậm rồi.
- Xin cảm ơn ông.
 Việc giải quyết ách tắc giao thông đô thị phải dựa trên các giải pháp phát triển hạ tầng, phát triển phương tiện giao thông công cộng, loại hình vận tải áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, phải nhìn tổng thể vấn đề trong khuynh hướng chung của sự phát triển khoa học - công nghệ, nhằm khuyến khích sự phát triển thay vì ngăn cản, tránh hiện tượng Việt Nam bị tách rời khỏi thế giới. Do đó, một số quy định trong dự thảo Nghị định 86 về cơ bản là sai hướng và thiếu cơ sở khoa học.
 PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): 
 Theo tôi, Chính phủ nên hoãn thông qua dự thảo Nghị định 86 lần này, vì các điều khoản trong nghị định đang tồn tại nhiều mâu thuẫn. Hiện Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về việc chuẩn bị điều kiện cho việc áp dụng công nghệ 4.0 vào Việt Nam, nội dung cơ bản của công nghệ 4.0 là kết nối, chia sẻ thông tin. Vì vậy Bộ GTVT không nghiên cứu, lựa chọn chính sách cẩn trọng, có thể sẽ không thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, gây tác động xấu đến nền kinh tế về mặt thu nhập, việc làm, phúc lợi của người tiêu dùng. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thì Uber và Grab không phải là loại hình taxi mà thuộc nhóm xe hợp đồng, đây là hạn chế trong luật rất cần phải bổ sung. 
Thông qua phần mềm công nghệ, trước khi bước lên xe, khách hàng đã biết lộ trình và phí phải trả và khi đó hợp đồng cũng đã được ký kết xong. Bản chất Uber và Grab không phải là taxi dù, ngày càng thay thế chức năng của xe taxi tại các đô thị. Do đó, nếu như nhà quản lý và người tham gia soạn thảo chính sách không phân biệt rõ ràng, sẽ dẫn đến nhầm lẫn và có những chính sách thiếu phù hợp đối với loại hình này. Trên thực tế, hiện nay nhiều người vẫn có suy nghĩ Uber, Grab giống như taxi và đây là một hãng taxi, nếu phát triển quá nhanh cần có điều tiết, nên có khuynh hướng đưa ra giới hạn với Uber, Grab, thậm chí có địa phương có chính sách cấm loại hình này. Đây là quan điểm sai lầm.
Hiện nay cũng có người cho rằng khi xuất hiện Uber, Grab lượng xe sẽ nhiều hơn, gây ách tắc giao thông, điều này không đúng. Trên thực tế, khi nhiều người chọn đi xe Uber, Grab và từ bỏ phương tiện khác như xe máy, có ô tô riêng, taxi truyền thống thì đây cũng là giải pháp hiệu quả để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn, nên việc hạn chế Uber với mục đích làm giảm ùn tắc giao thông là không hợp lý. Hơn nữa, việc kiểm tra, kiểm soát thuế của xe hợp đồng điện tử như Uber hay Grap rất dễ dàng vì rất minh bạch. Trong khi đó, taxi truyền thống nộp thuế theo kỳ hạn, có khi còn chậm hoặc nợ.
Lưu Thủy (ghi)

Các tin khác