Du lịch An Giang chuyển mình

(ĐTTCO) - An Giang có các thế núi – dáng sông cùng quần thể danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An Cổ tự, Chùa Hang, Thiên Cấm Sơn, Anh Vũ Sơn, Đồi Tức Dụp, Búng Bình Thiên… 
Quần thể danh lam thắng cản đã tạo lập cho An Giang một “vị trí” của thương hiệu vùng đất dồi dào tiềm năng du lịch tín ngưỡng và du lịch về nguồn. 
Hàng năm, nơi đây chào đón khoảng 6 triệu lượt du khách đến chiêm bái, thưởng lãm, mang lại nguồn doanh thu lớn cho kinh tế tỉnh nhà. Tham gia lĩnh vực này có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng nhau khai thác. Nhưng đóng vai trò đầu tàu và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường du lịch – lữ hành khu vực miền Nam là CTCP Du lịch An Giang. 
Bề dày thương hiệu và “cú nhảy” ngoạn mục
Được thành lập từ năm 1978, tiền thân của CTCP Du lịch An Giang là Công ty Du lịch miền Núi, ra đời trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh và An Giang lúc bấy giờ cũng là tỉnh nghèo thuần nông nỗ lực tái thiết toàn diện. Từ những ngày đầu tiên ấy, CTCP Du lịch An Giang đã đảm trách sứ mệnh tìm kiếm và khai thác du lịch theo kiểu “bao cấp”. Buổi sơ khai tập tành làm nghề đã giúp những cán bộ tiên phong ngày nào càng hiểu và đúc kết kinh nghiệm nhiều hơn về một lĩnh vực kinh doanh rất mới. 
Gần 40 năm không ngừng nỗ lực, CTCP Du lịch An Giang đã gầy dựng cho mình thương hiệu “mạnh” và “uy tín” trên thị trường du lịch -  lữ hành và chuỗi nhà hàng, khách sạn cao cấp. Khách sạn An Hải Sơn – Kiên Giang, Trung tâm dịch vụ Du lịch, Khu du lịch Đồi Tức Dụp – Tri Tôn, Khách sạn Bến Đá Núi Sam, cụm nhà hàng khách sạn Long Xuyên – Cửu Long và khách sạn Đông Xuyên, cùng chi nhánh đại diện tại TPHCM là khối tài sản mà công ty đã tạo lập trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Không chỉ vậy, trong gần 4 thập niên qua, CTCP Du lịch An Giang cũng năng động nắm bắt thêm ngành xuất khẩu lương thực với chuỗi 6 nhà máy xay xát, lau bóng gạo cung ứng cho thị trường ngũ cốc thế giới. 
Du lịch An Giang chuyển mình ảnh 1 Lượng du khách đến tham quan Khu du lịch Tức Dụp tăng mạnh trong các dịp lễ, tết. 
“Cơ đồ” của CTCP Du lịch An Giang còn có cả đội ngũ cán bộ công nhân viên yêu nghề, nhiệt huyết, giỏi chuyên môn đã đồng tâm hiệp lực khai thác và liên tục mở rộng thị trường để mang về cho An Giang những thành tích ấn tượng trên “mặt trận” xuất khẩu lương thực và du lịch. 
Xuyên qua từng giai đoạn chuyển mình phát triển kinh tế của đất nước từ thời bao cấp đến mở cửa và tiến vào hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, CTCP Du lịch An Giang đã hoàn thành sứ mệnh của một doanh nghiệp Nhà nước. Đánh dấu 38 năm hình thành và phát triển, CTCP Du lịch An Giang đã thực hiện “cú nhảy” ngoạn mục là thành viên thứ 16 của Tập đoàn Sao Mai.  
Khi được “ông lớn” tiếp sức 
Về với Sao Mai Group, CTCP Du lịch An Giang ngay lập tức đã được hoạch định rõ ràng thành 2 đơn vị độc lập: CTCP Du lịch và Công ty Xuất khẩu lương thực - thực phẩm. Theo đó, Sao Mai thực hiện một chiến lược tổng thể để ổn định và tạo bệ phóng cho doanh nghiệp. Tái cấu trúc, sắp xếp nguồn nhân lực hợp lý, trưng dụng lại toàn bộ đội ngũ cán bộ công nhân viên, ban hành nhiều chính sách đãi ngộ, phân bổ công việc theo năng lực – chuyên môn, nâng cao tay nghề, chuyên nghiệp hóa phong cách phục vụ… là những bước đi đầu tiên trong hành trình mới của CTCP Du lịch An Giang. Song song đó, vừa khoanh vùng thị trường du lịch để củng cố vừa khai thác thêm thị trường mới để tăng doanh thu. 
Du lịch An Giang chuyển mình ảnh 2 Tập đoàn Sao Mai đầu tư xây dựng phòng khánh tiết Vip tại Khách sạn Đông Xuyên. 
Về cơ sở vật chất, Sao Mai thực hiện quy hoạch tổng thể các Khách sạn An Hải Sơn, Khu du lịch Tức Dụp; nâng cấp và mở rộng Khách sạn Bến Đá Núi Sam, đại trùng tu toàn bộ cụm khách sạn Long Xuyên – Cửu Long, đặc biệt là khách sạn Đông Xuyên – đơn vị chủ lực của CTCP Du lịch An Giang. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn đang triển khai dự án Khu du lịch quốc tế Sao Mai với quy mô trên 22 ha, vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Khách sạn chuẩn 5 sao 200 phòng, quần thể nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí đẳng cấp, trung tâm hội nghị, tiệc cưới sức chứa 1.500 người và resort nổi bố trí chuỗi Bungalow. 
Đi kèm với dự án này là các công trình: Suối nước nóng, khu café lake, hồ bơi. Công trình được phác thảo theo phong cách văn minh - hiện đại của châu Âu, do các chuyên gia hàng đầu của Mỹ trực tiếp thực hiện.
Theo đó, tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều khởi sắc, doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Công suất phòng của chuỗi Khách sạn Bến đá Núi Sam, Khách sạn An Hải Sơn, cụm khách sạn - nhà hàng Long Xuyên – Cửu Long, Đông Xuyên đều đạt trên 70% vào ngày thường và 100% vào các kỳ lễ, Tết. Riêng Khu du lịch khu Tức Dụp trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua đón khoảng 10.000 lượt khách tham quan, tăng 15% so với năm 2016. 
Kế hoạch táo bạo cùng những động thái tích cực từ Sao Mai Group đã thổi luồng sinh khí mới cho du lịch An Giang, cũng như mang lại những điểm sáng mới cho ngành công nghiệp không khói. Phấn đấu năm 2030, An Giang sẽ là Trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các tin khác