Dồn sức cho xuất khẩu

(ĐTTCO)-Khoảng trống thị trường từ việc Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp (DN) Việt.
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty APT Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty APT Ảnh: CAO THĂNG
Chính vì vậy, nhiều cơ quan chức năng đang nỗ lực cải thiện các rào cản xuất khẩu, hỗ trợ tối đa năng lực xuất khẩu cho DN nội, không chỉ hướng tới thị trường Mỹ mà còn ở nhiều thị trường khác. 
Giảm thủ tục
Trước hết, các cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ mạnh cho những mặt hàng được xác định là chủ lực xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo phân tích của Bộ Công thương, từ năm 2017 đến nay, có 10 ngành hàng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao tại thị trường Mỹ là dệt may, da giày, máy vi tính - sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, thủy sản, túi xách, hạt điều, phương tiện vận tải và phụ tùng.
Trong đó, dẫn đầu là ngành hàng dệt may với tỷ trọng đạt gần 30% tổng xuất khẩu. Kế đến là giày dép chiếm trên 13%, điện thoại và các linh kiện chiếm gần 9%. Còn các ngành hàng khác chiếm khoảng 7% - 8%. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 9,2%. 
Do vậy, nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của các ngành hàng này nói riêng và các ngành hàng xuất khẩu tại thị trường khác nói chung đã và đang được ngành chức năng triển khai quyết liệt. Đại diện Bộ Công thương cho biết, bộ đã giảm lượng hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan bằng cách công bố cụ thể danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra; mặt khác, xóa bỏ rất nhiều mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan.
Hiện nay, trong phạm vi quản lý của Bộ Công thương chỉ còn 2 loại sản phẩm phải kiểm tra trước thông quan là tiền chất thuốc nổ và thực phẩm, bởi đây là các sản phẩm bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. 
Không dừng lại đó, Bộ Công thương đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm xuất nhập khẩu. Theo đó, các lô hàng cùng loại, cùng xuất xứ, nếu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm qua 5 lần kiểm tra liên tiếp sẽ được áp dụng phương thức chỉ kiểm tra hồ sơ, không lấy mẫu sản phẩm.
Riêng với công tác kiểm tra chuyên ngành - một trong những khâu gây nhiều phiền hà và lãng phí thời gian nhiều nhất cho DN, bộ đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác này. Hiện đã có 11 đơn vị được bộ chỉ định đủ điều kiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Và với việc gia tăng số đơn vị có năng lực kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, thời gian thông quan hàng hóa cho DN sẽ được giảm đáng kể. 
Khảo sát gần đây của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ đã ghi nhận, những rào cản xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được cải thiện. Cụ thể, thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu đã giảm xuống còn 70 giờ. Cơ chế hải quan một cửa quốc gia có kết nối Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với các bộ cơ bản hoàn thành và vận hành hiệu quả.
Hệ thống hải quan điện tử cũng đã được hoàn thiện và vận hành khá thông suốt. Hình thức quản lý theo phương thức rủi ro trên cơ sở phân loại DN, phân loại người khai hải quan kết hợp công khai tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN đã được thực hiện đồng bộ tại nhiều cửa khẩu hải quan. 
Tăng thông tin cho DN
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, không thể phủ nhận những nỗ lực dỡ bỏ rào cản xuất nhập khẩu của các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã tạo những điều kiện tốt làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho DN. Điển hình nhất là việc tháo bỏ quy định kiểm tra chuyên ngành về fomaldehyt, amin thơm hay bỏ kiểm tra chuyên ngành vải mẫu… đã giúp DN tiếp nhận nhiều hơn đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những bất cập cần phải nhanh chóng cải thiện hơn. Cụ thể, hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN. Do đó, các quyết định phân luồng, phân loại DN được ưu tiên thông quan hàng hóa có kiểm tra hoặc không chưa đảm bảo chính xác, làm cho DN phân vân về tính khách quan của quyết định.
Nhiều DN khác cho biết thêm, những thủ tục quy định về xác định, tham vấn xác định giá trị tính thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn là yếu tố gây nhiều phiền hà, bức xúc trong cộng đồng DN… 
Ở góc độ khác, bà Lý Thị Tú Duyên, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho rằng xuất khẩu vào thị trường Mỹ rất khó. Những năm gần đây, Mỹ liên tục ban hành nhiều rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế hàng xuất khẩu từ các nước vào thị trường nội địa. Đơn cử, với sự thay đổi của Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm, hơn 800 DN Việt đột nhiên bị ngưng xuất hàng qua Mỹ.
Kế đến, đối với ngành gỗ thì bị hạn chế xuất khẩu do bị áp quy định phải chứng minh nguồn gốc không phải gỗ khai thác tự nhiên. Ngành thủy hải sản thì bị kiện và có nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc phải tuân thủ các điều kiện ngặt nghèo trong hoạt động đánh bắt…
Do vậy, cùng với việc tháo gỡ rào cản trong nước, hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, thì công tác dự báo thị trường cũng rất quan trọng. Các cơ quan chức năng cần phải cập nhật kịp thời những biến động thị trường Mỹ nói riêng và thị trường xuất khẩu khác nói chung cho DN. Thậm chí, phải có dự báo thị trường để DN trong nước chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, xuất khẩu.
Ghi nhận ý kiến của các DN, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết bộ đang chỉ đạo tham tán thương mại tại các nước nắm bắt chặt hơn diễn biến thị trường, từ đó cập nhật kịp thời cho các DN xuất khẩu trong nước.
Mặt khác, để giảm thiểu những rủi ro cho hoạt động xuất khẩu của DN nội, đa dạng hóa cửa ngõ vào thị trường ngoại, Bộ Công thương đang triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020”.
Theo đó, Bộ Công thương đã và đang đẩy mạnh kết nối DN Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài, phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài, gồm Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản), Auchan (Pháp)…, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam tham gia các mạng phân phối.
Với đề án này, DN có thể lựa chọn xuất khẩu ngay trong nước thông qua hệ thống phân phối ngoại. Giải pháp này vừa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vừa tránh được nguy cơ bị trả hàng do không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng hoặc các thủ tục hải quan liên quan.
Ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội phân phối các nhà bán lẻ tại Mỹ (FDRA), nhấn mạnh các cơ quan chức năng Việt Nam cần phải thường xuyên làm việc với cơ quan chức năng của Mỹ để đàm phán giảm các mức thuế mà Chính phủ Mỹ đang áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện những ngành hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đang bị áp mức thuế 17% - 22%. Tuy không bằng mức thuế Chính phủ Mỹ áp đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, nhưng đây là mức thuế khá cao so với một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia...
Nếu không sớm có những giải pháp đàm phán hiệu quả thì với chính quyền Mỹ hiện tại, DN Việt Nam sẽ có nguy cơ phải tiếp tục chịu thiệt thòi, thậm chí còn có khả năng bị tăng thuế trong thời gian tới.

Các tin khác