Doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm: “Lúa già” là bán

(ĐTTCO)-Gần đây, các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Nhật Bản đang ráo riết săn tìm, thâu tóm các thương hiệu Việt. Các cuộc mua bán, sáp nhập diễn ra dồn dập.
Doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm: “Lúa già” là bán
LTS: Thời gian gần đây rộ lên tình trạng doanh nghiệp Việt Nam với những thương hiệu đã được người tiêu dùng tin cậy và quen thuộc đua nhau “bán mình” cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt gần đây, các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Nhật Bản đang ráo riết săn tìm, thâu tóm các thương hiệu Việt. Các cuộc mua bán, sáp nhập diễn ra dồn dập.
Các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (gọi tắt là M&A) của Việt Nam cho các “đại gia” nước ngoài đang bùng nổ ở nước ta những năm gần đây, nhưng thực tế đây chính là tình trạng các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đang dần thâu tóm các doanh nghiệp lớn của Việt Nam để độc chiếm thương mại.

Những thương hiệu lui vào dĩ vãng

Trường hợp điển hình về câu chuyện thương hiệu Việt bị thâu tóm được nhiều người đề cập là thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan của Việt Nam rất quen thuộc, với thị phần lên tới 70% vào những năm 1993 - 1994, nhưng sau đó đã bán cho Colgate Palmolive (một công ty đa quốc gia của Mỹ chuyên về sản xuất, phân phối và cung cấp các sản phẩm như xà phòng, chất tẩy rửa và các sản phẩm vệ sinh răng miệng) với giá 3 triệu USD.

Cùng với Dạ Lan là thương hiệu kem đánh răng P/S vốn cũng hoàn toàn thuần Việt, nhưng hiện nay đã bị thâu tóm (thông qua chiêu bài liên doanh rồi thua lỗ) bởi Unilever - một tập đoàn hàng tiêu dùng đa nhãn hiệu của Anh và Hà Lan, bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 1995.

Tình trạng thương hiệu Việt bị thâu tóm, đành phải “cầm lòng bán mình” tưởng đã lùi xa nhưng vài năm gần đây có xu hướng bùng nổ dữ dội. Trước đây, tình trạng thâu tóm, chuyển nhượng chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực đồ uống, thực phẩm nhưng hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, lại đang diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực, sản phẩm hàng hóa - dịch vụ…

Những cái tên mà người tiêu dùng Việt Nam đã rất quen thuộc như nước giải khát Tribeco, Diana, Kinh Đô, Phở 24, xi-măng Holcim… trên thực tế đã thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, thương hiệu nước giải khát Tribeco của Việt Nam đã bị Uni-President (của Đài Loan) thâu tóm.

Ngay cả “Phở 24” (đã có tiếng ở nhiều quốc gia) của thương gia Lý Quý Trung cũng đã đem bán cho Công ty Việt Thái Quốc Tế (sở hữu thương hiệu Highlands Coffee tại Việt Nam) vào tháng 11-2011 với giá 20 triệu USD, sau đó công ty này bán lại 50% cổ phần của Phở 24 cho thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng của Philippines.

Cách đây 5 năm, Chủ tịch Tập đoàn SCG (Thái Lan) từng tuyên bố sẽ chi 5 - 6 tỷ USD cho hoạt động M&A tại Việt Nam đến năm 2020. Cách đây hơn một năm, SCG đã rót vốn mua cổ phần tại 7 doanh nghiệp nhựa hàng đầu của Việt Nam. Mới đây, Công ty Nawaplastic Industries thuộc Tập đoàn SCG (Thái Lan) tiếp tục mua thêm cổ phiếu mới được công bố của một thương hiệu Việt lâu năm là Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vào tháng 4-2018, và sở hữu hơn 41 triệu cổ phiếu, tương đương 50,12% vốn tại nhựa Bình Minh.

Cũng là một “đại gia” đến từ Thái Lan, thương vụ mua bán - sáp nhập đình đám nhất trong năm 2018 đối với doanh nghiệp Việt Nam là việc Tập đoàn bia của Thái Lan (ThaiBev) đã thâu tóm một doanh nghiệp nội địa lớn nhất Việt Nam trong ngành bia rượu và đang chiếm 40% thị phần bia trong nước là Sabeco. Để thực hiện được tham vọng này, cuối năm ngoái, Công ty Vietnam Beverage (dưới quyền điều hành của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBev) đã bỏ ra gần 5 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco và hiện đang nắm 53,59% vốn điều lệ của Sabeco.

Trong lĩnh vực thị trường bán lẻ, các đại gia của Thái Lan cũng đang lộ rõ tham vọng thâu tóm thị trường Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Central Group, một tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Chirathivat. Cách đây 2 năm, tập đoàn này đã mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD và cũng mua luôn 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim của Việt Nam. Đến nay, Central Group đã thiết lập tại Việt Nam 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử và 13 siêu thị.

Lâu nay, chúng ta thường nói tới chuyện nhiều doanh nghiệp bán “lúa non”, nhưng đang có tình trạng nhiều thương hiệu Việt bắt đầu lớn mạnh, được người tiêu dùng tin cậy là bắt đầu chuyển nhượng lại cho các “đại gia” nước ngoài (thông qua chủ động sáp nhập hoặc bị thâu tóm), giống như chỉ đợi “lúa già là bán”. Trong khi để xây dựng được một thương hiệu là rất lâu và rất khó khăn.

Bán vì gặp khó

GS Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, cho rằng nếu một nền kinh tế không có các thương hiệu lớn, thiếu vắng các doanh nghiệp nội đủ tầm cỡ sẽ rất khó để cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo ông Thọ, các doanh nghiệp phải có lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc thì kinh tế mới phát triển.

Số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 2 năm 2016 - 2017, giá trị chuyển nhượng doanh nghiệp - thương hiệu ở Việt Nam đã lên tới hơn 16 tỷ USD.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý trung ương, các thương vụ mua bán, sáp nhập ở nước ta tăng thời gian qua không phải là do người Việt Nam không muốn kinh doanh nữa mà do người nước ngoài muốn vào Việt Nam để kinh doanh; việc mua lại một thương hiệu sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí ban đầu và tận dụng, khai thác ngay các lợi thế của thị trường sẵn có.

Còn bà Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng nguyên nhân là do cạnh tranh quá gay gắt và các doanh nghiệp Việt Nam không đủ tiềm lực để cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài khi hội nhập kinh tế và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gia tăng. Bà Hạnh cho rằng nếu doanh nghiệp có điều kiện phát triển, chưa chắc họ đã bán.

Mổ xẻ nguyên nhân thực sự, PGS-TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng sở dĩ các doanh nghiệp Việt phải “bán mình” vì đang gặp hàng loạt khó khăn về môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, chính sách ưu đãi, có quá nhiều khoản thuế, phí, trong khi thủ tục lại chưa thuận lợi đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, mặc dù vừa qua chúng ta đã nhấn mạnh về tạo điều kiện, môi trường, cải cách thủ tục hành chính, bớt phiền hà cho doanh nghiệp… để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, TS Nguyễn Văn Nam cũng khẳng định, một khi đã bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thì lợi nhuận, phúc lợi không còn nằm ở Việt Nam nữa mà đang chảy ra nước ngoài. Trong khi doanh nghiệp FDI được ưu đãi tối đa, miễn giảm rất nhiều thì theo ông Nam, ở trong nước, doanh nghiệp tư nhân không được ưu đãi, doanh nghiệp Nhà nước thì để xảy ra tham nhũng, tốc độ cổ phần hóa rất chậm chạp nên không cạnh tranh lại với doanh nghiệp FDI. Khu vực kinh tế trong nước đang suy yếu. Nếu một nền kinh tế có quá nhiều tập đoàn FDI chi phối thì không ổn, chúng ta không thể sống bằng vốn kinh doanh của nước ngoài.

Thực tế, chúng ta khuyến khích đầu tư nước ngoài nhưng vừa qua các cơ quan chức năng đã báo cáo số liệu rằng vốn đầu tư nước ngoài lớn như thế, xuất khẩu chiếm 71% giá trị xuất khẩu chung, nhưng nộp ngân sách thì doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng góp 20%, còn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn đóng góp 45%. Vì vậy, nếu các nhà hoạch định chính sách không xem xét lại, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp trong nước thì dần dần nền kinh tế sẽ kiệt quệ. 

Các tin khác