Doanh nghiệp trả lương thấp, người lao động buộc phải làm thêm giờ

(ĐTTCO)-Nhiều doanh nghiệp chỉ trả nhỉnh hơn lương tối thiểu để lách luật. Do đó, để có thêm thu nhập, công nhân phải làm thêm giờ.
Doanh nghiệp trả lương thấp, người lao động buộc phải làm thêm giờ

Mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) đã tiến hành khảo sát lương và đời sống lao động năm 2018 tại các địa phương trên cả nước. 

Cuộc khảo sát thực hiện ở 25 tỉnh, thành và công đoàn ngành có đông công nhân làm việc, đại diện cho 4 vùng lương, như: Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Bình Dương...Công đoàn ngành xây dựng, công đoàn Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.

Cuộc khảo sát đã thu về hơn 3000 mẫu phiếu khảo sát tại hơn 150 doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình khác nhau.

Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay, chỉ 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm là khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (TLĐLĐ VN) cho biết: “Đây là khoản tiền người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. So với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%, nhưng người lao động có dư dật và tích luỹ chỉ ở mức 17,4 %. Số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%".

Về mức lương của người lao động hàng tháng, kết quả khảo sát cũng cho thấy, khi làm đủ giờ công, ngày công, người lao động sẽ nhận được trung bình là hơn 4,6 triệu đồng.

Theo thống kê từ các doanh nghiệp khảo sát, tiền lương cơ bản trung bình của người lao động sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng (Vùng I là 4,76 triệu; vùng II là 4,57 triệu đồng; vùng III là 4,14 triệu đồng; vùng IV là 3,32 triệu đồng); lao động gián tiếp, văn phòng là 6,52 triệu đồng/tháng; cán bộ quản lý người Việt Nam là 9,5 triệu đồng. Lao động và quản lý người nước ngoài là 30,3 triệu đồng/tháng.

Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân người lao động, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ).
Cụ thể, có tới có 44,0% người lao động được hỏi cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình là 28,5 giờ (cao nhất là 50 giờ), với số tiền nhận được trung bình 832.000/người/tháng.

Theo ông Thọ, thực tế người lao động bị buộc phải làm thêm giờ chứ không thích thú gì, bởi mức lương còn thấp. Khoản tiền làm thêm đóng góp phần đáng kể trong tổng thu nhập của người lao động. Đặc biệt vào những dịp lễ, tết, nhu cầu làm thêm giờ của lao động càng cao.

"Nhiều doanh nghiệp chỉ trả nhỉnh hơn lương tối thiểu vùng để lách luật. Do đó để có thêm thu nhập, các công nhân đã phải làm thêm giờ. Số giờ làm thêm quá nhiều khiến họ không còn thời gian để chăm lo cho bản thân và gia đình. Đó là lý do Tổng LĐLĐ đề xuất phải tăng mức lương tối thiểu để người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu. Do đó mức tăng lương tối thiểu vùng mà Tổng LĐLD đề xuất 8% là có căn cứ về cả pháp lý và thực tiễn", ông Thọ lý giải. 

Cũng theo ông Vũ Quang Thọ, khối doanh nghiệp FDI trả lương thấp nhất với hơn 4,2 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ bản thấp hoặc ít các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống là một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn xảy ra. 

Theo số liệu của TLĐ, tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6 %; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.

Các tin khác