Doanh nghiệp tăng, chất lượng giảm

(ĐTTCO) - Năm 2016 có 110.000 DN được thành lập mới, 5 tháng đầu năm nay có thêm 50.500 DN thành lập mới, đến hết tháng 5-2017 cả nước có khoảng 612.000 DN đang hoạt động. 
Đây là những con số tích cực, nhưng đằng sau đó vẫn còn rất nhiều vấn đề  đặt ra.
Phía sau những con số kỷ lục

PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT), cho biết khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang gia tăng mạnh mẽ và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung.
Tuy nhiên, trong 17 lĩnh vực hoạt động theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số DN hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí có số lượng không nhiều nhưng lại có tổng số vốn đăng ký lớn nhất; tiếp đó là các lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch; kinh doanh bất động sản; tài chính ngân hàng; bán buôn bán lẻ.
Số DN đăng ký mới cũng như lượng vốn đăng ký vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến; nông, lâm, thủy sản; xây dựng lại chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Thực tế này cho thấy xu hướng các DN đổ vốn vào lĩnh vực dịch vụ dễ kiếm lời, chưa mặn mà đổ vốn vào công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo nền tảng bền vững cho phát triển. Dù số DN phục hồi trong 5 tháng đầu năm nay lên tới 13.458, nhưng ở chiều ngược lại số DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể lên tới 19.264 DN, số DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn ước tính khoảng 12.884 DN. Điều này phản ánh sức khỏe DN và thực trạng rào cản môi trường kinh doanh còn quá lớn, khiến DN không thể trụ vững trên thị trường.  Quy mô DN cũng là vấn đề đáng bàn, hầu hết DN hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, nếu xét theo quy mô lao động 97,7% DN có quy mô nhỏ và vừa, còn xét theo quy mô vốn đăng ký thành lập DN có quy mô vốn nhỏ và vừa (dưới 200 tỷ đồng) chiếm tới 94,8% tổng số DN đang hoạt động. Xét riêng khu vực DNTN trong nước có tới 98,6% quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, số DN quy mô vừa chỉ chiếm khoảng 1,6%.
Doanh nghiệp tăng, chất lượng giảm ảnh 1 DN thành lập tăng mạnh nhưng chủ yếu DN nhỏ, siêu nhỏ và loại hình dịch vụ dễ kiếm lời. 
 PGS.TS Hồ Sỹ Hùng cho biết trong 3 khu vực DNNN, DNTN và DN FDI, khu vực DNTN có quy mô sản xuất kinh doanh và quy mô lao động thấp nhất, khoảng 24-25 tỷ đồng/DN, số lao động dao động từ 18-20 lao động/DN.
Chính quy mô vốn hạn chế đang là một trở ngại lớn khiến DNTN không tận dụng được hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, thường một DNTN nhỏ chỉ có tài sản cố định duy trì ở mức 7-8 tỷ đồng và không có cải thiện đáng kể nào về quy mô trong giai đoạn 2011-2015. Điều này cho thấy khó khăn rất lớn của khu vực DNTN là không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư vào tài sản cố định như máy móc, công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

7 rào cản khiến DN chậm lớn

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DNTN trong nước đang đối mặt với 7 rào cản môi trường kinh doanh. Đó là rào cản trong tìm kiếm khách hàng, thị trường; tiếp cận vốn; lao động và chất lượng lao động; thủ tục hành chính phức tạp; khó tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức quá lớn; và rủi ro mô trường pháp lý không an toàn.
Theo ông Tuấn, hầu hết các DN đều gặp khó khăn về tìm kiến khách hàng, khó khăn tìm kiếm nguồn vốn và đất đai, bởi số DNTN tham gia chuỗi giá trị cung ứng rất khiêm tốn do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Dù các DN FDI xuất hiện tại Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng họ thường nhập khẩu đầu vào từ nước thứ 3 chứ không phải từ DN trong nước. Mặt khác, khi tiếp cận vốn DN trong nước thường vay ngắn hạn từ 6-24 tháng, tức ít vay vốn dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất. 

Về thủ tục hành chính, dù Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách nhưng nhiều DN cho biết thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính ngày càng tăng, đặc biệt nhóm về thuế, phí, đất đai và bảo hiểm. Hơn nữa, hoạt động thanh tra, kiểm tra quá nhiều cũng là một khó khăn cho DN, theo khảo sát của VCCI, chỉ 25% DN không bị thanh tra, kiểm tra, 24% DN bị 1 lần/năm, còn lại các DN thường bị thanh tra, kiểm tra từ 3-4 lần/năm, điển hình có DN bị thanh tra 10 lần/năm. Và thường DN càng lớn bị thanh tra càng nhiều, đây cũng là một lý do khiến DN không muốn lớn, chậm lớn. 

Phần lớn các DN được VCCI khảo sát cho biết họ phải trả chi phí không chính thức trong kinh doanh. Chia theo lĩnh vực khảo sát, 62% DN siêu nhỏ phải chi trả chi phí không chính thức, tỷ lệ này với DN nhỏ là 66%, DN vừa là 66%, DN lớn là 65%. Có khoảng 90% DN phải chi trả các khoản chi phí không chính thức trên 10% doanh thu, và hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN còn khá phổ biến.
Môi trường pháp lý không an toàn cho hoạt động kinh doanh DN, chỉ 36% DN sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp, cho thấy sự sụt giảm lòng tin DN. Tỷ lệ này chỉ bằng một nửa những năm trước đây, khi khoảng 60% DN sử dụng tòa án để giải quyết.

Các tin khác