Doanh nghiệp - nông dân liên kết phát triển nông nghiệp

(ĐTTCO) - Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra với chủ đề “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, đã kết thúc thành công tốt đẹp. Trong đó, nhiều vấn đề quan trọng đã được thảo luận, nêu rõ việc phát huy vai trò kết nối giữa nông dân và DN để phát triển nền nông nghiệp (NN) Việt Nam.

Xây dựng nền NN thịnh vượng
Phát biểu tại phiên khai mạc ngày 12-12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá về những kết quả đạt được của Hội Nông dân Việt Nam khóa VI, cũng như những hạn chế, bất cập và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết, Đảng và Nhà nước đã xác định NN, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã định hướng “Xây dựng NN theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”. 
 Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Đại hội đặt 14 chỉ tiêu thi đua, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu 100% hội nông dân cấp xã chủ trì, tư vấn, hỗ trợ xây dựng được ít nhất 1 tổ hợp tác hoặc 1 hợp tác xã để liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có hiệu quả theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao thu nhập của nông dân và kết nối thị trường thành công. 
Ông Thào Xuân Sùng, 
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã gợi mở một số vấn đề để Đại hội xem xét, thảo luận, quyết định. Trong đó có yêu cầu mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân.
Hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện, vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho NN, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền NN thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. 
Trong nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Nông dân Việt Nam đã kết nạp được gần 2,2 triệu hội viên, nâng tổng số hội viên cả nước lên hơn 10,2 triệu hội viên. Yêu cầu xây dựng nền NN theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu, đã được hội tích cực tổ chức thực hiện.
Các cấp hội đã xây dựng được 993 chi hội nghề nghiệp, 7.026 tổ hội nghề nghiệp, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, DN trong nước và quốc tế tổ chức 130.000 lớp tập huấn, hội thảo về khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tin học, truy cập mạng internet... cho gần 10 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng, chuyển giao thành công hơn 14.000 mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. 
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thường trực trung ương Hội
 chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu, doanh nghiệp dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023. Ảnh: V.DŨNG
 

Tăng cường liên kết nông dân và DN
Trong xu hướng cùng nông dân phát triển NN, những năm gần đây các tập đoàn như NN Vạn Thịnh Phát, Vingroup, Masan, Sunny World… đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ USD, góp phần giúp ngành NN đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục, đánh dấu bằng mốc 36,37 tỷ USD trong năm 2017.
Lĩnh vực hợp tác giữa NN với nông dân ngày càng đa dạng phong phú. Với VinEco, mô hình hợp tác với nông dân là hướng dẫn sản xuất, thu mua sản phẩm để phân phối trong hệ thống siêu thị Vinmart. Dự kiến tổng sản lượng thu mua rau quả từ dự án này khoảng 1.200 tấn/tháng (30-50 tấn/ngày); thu mua trái cây sẽ đạt 1.500 tấn/tháng  (50 tấn/ngày) đảm bảo nhu cầu tiêu thụ và phân phối của Vingroup. 
Ở quy mô rộng lớn hơn, việc mở rộng thị trường cho nông sản của nông dân được tiếp cận ở tầm quốc gia và khu vực. Từ thực tế việc xuất khẩu nông sản sang thị trường chủ lực hiện nay là Trung Quốc đang tiềm ẩn rủi ro, hạn chế từ việc xuất khẩu tiểu ngạch, tháng 11-2018, phối hợp với VCCI, Sunny World đã xây dựng Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam Hub tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Đây là cầu nối hỗ trợ nông dân, DN NN Việt Nam chính thức, chính ngạch chào bán trực tiếp nông sản đến các tập đoàn, DN phân phối hàng đầu của Trung Quốc. Tương tự các hoạt động xúc tiến giới thiệu nông sản Việt Nam đến các thị trường Hàn Quốc, châu Âu cũng đang được Sunny World triển khai thực hiện.
Thông qua kênh giao thương này, thông tin thị trường nông sản trở nên chính thức, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chủ động lập kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất và đảm bảo giá bán sản phẩm, khắc phục hạn chế của việc xuất khẩu tiểu ngạch trước đây.
Việc hợp tác DN – nông dân được nâng cao hơn nữa khi mới đây, ngày 11-12-2018 ngay trước thềm Đại hội VII Hội nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký 2 thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn NN Vạn Thịnh Phát và Sunny World, trong việc hỗ trợ đào tạo hội viên Hội Nông dân về mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như kỹ năng xúc tiến, kinh doanh của cán bộ Hội, hội viên Hội Nông dân khi tham gia vào thị trường cung ứng nông sản toàn cầu, đặc biệt tận dụng lợi thế theo các Hiệp định CPTPP, EU-Việt Nam trong thời gian tới. 
Ngoài ra, với hơn 49.000 DN (chiếm 8% DN cả nước) đầu tư vào hoạt động sản xuất, hỗ trợ NN, việc cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính cho hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ thuế, cơ chế ưu đãi, chính là tạo động lực cho việc hỗ trợ nông dân, NN phát triển. Trong nhóm hoạt động này có thể nói, Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Các tin khác