Doanh nghiệp cần thay đổi cấu trúc thể chế

(ĐTTCO)- Tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, được Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15-3 ở Hà Nội, những thách thức đối với khu vực kinh tế tư nhân đã được các diễn giả phân tích, mổ xẻ từ nhiều phương diện. 
Doanh nghiệp cần thay đổi cấu trúc thể chế
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, dư địa tăng trưởng dựa vào chiều rộng đang dần bị thu hẹp. Khu vực kinh tế tư nhân mặc dù được coi là một khu vực kinh tế quan trọng nhưng đóng góp thực của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ rõ thực lực của nền kinh tế cải thiện chậm, hiện tại rất yếu. Đóng góp GDP chủ yếu vẫn là thành phần kinh tế nhà nước (28%) và kinh tế hộ gia đình (32%), nhưng đây lại là hai lực lượng “có vấn đề” nhất về năng lực.
Khu vực hộ gia đình là lực lượng nhỏ bé, manh mún, trong khi kinh tế Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn, nợ xấu nhiều, tiêu phí nhiều tài nguyên và nguồn lực quốc gia. Cả hai thành phần này đều có sức cạnh tranh yếu, khó trở thành trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công. 
“Kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 30%. Dù được coi là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, song thành phần này chỉ tăng thêm được… 0,8 điểm phần trăm tỷ phần trong GDP trong 6 năm qua”, TS Trần Đình Thiên lo ngại.
Số doanh nghiệp “nhỏ và siêu nhỏ” vẫn chiếm 95%-96% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp “vừa” chỉ chiếm khoảng 1,7% tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu quan trọng. Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm doanh nghiệp vừa chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn. 
Trong khi đó, số doanh nghiệp lớn - chiếm khoảng 2% tổng số doanh nghiệp - chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản và đang phải đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, bởi lớn lên nhờ đầu cơ là chính. Theo TS Trần Đình Thiên, tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao.
Chỉ khu vực FDI là tương đối “ăn nên làm ra”, đóng góp khoảng 20% GDP với tốc độ gia tăng mang tính áp đảo. Bên cạnh năng lực vượt trội của khối này, một nguyên nhân quan trọng khác là họ biết dựa vào thế mạnh của mình để tận dụng triệt để những lợi thế và ưu đãi mà Việt Nam dành cho đầu tư nước ngoài, bao gồm cả lợi thế tự nhiên (tài nguyên, lao động dồi dào với tiền lương thấp, vị trí địa lý, quy mô và sức tăng trưởng của thị trường) và ưu đãi chính sách (tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương).
Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và quy định đặc thù. TS Trần Đình Thiên phân tích và nêu khái quát: “Đây là một cơ cấu kinh tế có vấn đề nghiêm trọng”. 
Các ý kiến tại diễn đàn đều nhìn nhận, để kinh tế tư nhân bứt phá, “đổi mới theo cách thay cũ” là không đủ, mà phải căn cứ vào các cam kết hội nhập cao nhất để thay đổi cấu trúc thể chế và phát triển năng lực cho Nhà nước và doanh nghiệp. Đơn cử là việc xây dựng hệ thống thể chế và phát triển công nghệ phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn hệ thống trong điều kiện chuyển nhanh sang thời đại kỹ thuật số…

Các tin khác