DNNN đang thụt lùi

(ĐTTCO) - Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, sẽ được Chính phủ trình Quốc hội kỳ họp tháng 6 tới. 
Hiện cả nước có 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; các DNNN đang sở hữu khối tài sản 3.053.547 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước đạt 1.398.183 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư kinh doanh của các DNNN cả ở trong và ngoài nước vẫn rất thấp, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động yếu kém, rơi vào tình trạng thua lỗ nhiều năm.
Vốn chủ sở hữu tăng nhưng tổng nợ cũng tăng
Trong số 583 DNNN, có 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty nhà nước, 17 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình mẹ - con, 492 DN độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương. Các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực, tập trung kinh doanh vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng an ninh.
Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 DNNN, chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và 3 tập đoàn kinh tế: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel).
 Tính đến 31-12-2016, Bộ Quốc phòng đang quản lý 88 DN, thuộc loại hình Công ty TNHH MTV, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Trong đó có 1 tập đoàn, 19 tổng công ty, 6 công ty theo hình thức mẹ - con, với tổng số vốn chủ sở hữu 173.493 tỷ đồng. Theo đề án cơ cấu đến năm 2020, Bộ Quốc phòng chỉ giữ lại 17 DN 100% vốn nhà nước, và 12 công ty cổ phần vốn góp nhà nước trên 51% thực sự cần thiết cho nhiệm vụ quốc phòng.
Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu tại các DNNN là 1.398.183 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 3.053.547 tỷ đồng, tổng doanh thu 1.515.821 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 139.658 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách 251.845 tỷ đồng. Trong số 91 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con nêu trên, có 4 tập đoàn, tổng công ty theo báo cáo hợp nhất có lỗ phát sinh trong năm 2016.
Còn theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2016, có 17 tập đoàn, tổng công ty và 88 DN có lỗ lũy kế. Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận sau 5 năm (2011-2016), quy mô tổng tài sản của các DNNN tăng 45,8%, tổng vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN tăng 92,2%, từ 727.277 tỷ đồng tăng lên 1.398.183 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số nợ phải trả của các DNNN cũng tăng 26%, tương đương mức 1.628.649 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế hàng chục ngàn tỷ đồng
Đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN, Bộ Tài chính cho rằng theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ước đạt 1.334.472 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2011. Lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạt 122.773 tỷ đồng, giảm 9% so năm 2011.
Riêng trong năm 2016, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 4 DN như sau: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 335 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông toàn cầu Gtel lỗ 949,8 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ 13,7 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Duyên Hải lỗ 6,3 tỷ đồng.
DNNN đang thụt lùi ảnh 1 Tổng công ty Hàng hải có số lỗ lũy kế đến 5.040 tỷ đồng. 
Tính chung, lỗ lũy kế của 17 tập đoàn, tổng công ty Đến cuối năm 2016 lên tới 12.504 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam lỗ 5.040 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông toàn cầu Gtel lỗ 3.905 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất lỗ 1.348 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ 976 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ 641,6 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn lỗ 111 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê lỗ 93,8 tỷ đồng, Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp lỗ 61,3 tỷ đồng, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn lỗ 40,9 tỷ đồng…
Số lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty phần lớn do các công ty con, công ty liên kết hoạt động không hiệu quả, một số tập đoàn, tổng công ty phải lấy lãi công ty mẹ bù đắp lỗ lũy kế cho công ty con.
Theo quy định của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2016, các DNNN phải thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được 9.835 tỷ đồng vốn, trong đó thoái vốn khỏi bất động sản 3.169 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm 441 tỷ đồng, lĩnh vực chứng khoán 358 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính 3.092 tỷ đồng, lĩnh vực ngân hàng 2.777 tỷ đồng. Giá trị thu về sau thoái vốn đạt 11.086 tỷ đồng.
Nhưng giá trị vốn nhà nước các tập đoàn, tổng công ty phải tiếp tục thoái khỏi lĩnh vực ngoài ngành sau năm 2016 như: Lĩnh vực bất động sản 10.728 tỷ đồng, tài chính ngân hàng 14.558 tỷ đồng, bảo hiểm 1.099 tỷ đồng, chứng khoán 689 tỷ đồng, quỹ đầu tư 82 tỷ đồng. 

Đầu tư ra nước ngoài 7 tỷ USD, thu về được 1,5 tỷ USD
Về đầu tư ra nước ngoài, có 18 tập đoàn, tổng công ty đang đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, trồng cao su, khai khoáng…
Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty khoảng 12,608 tỷ USD, trong đó PVN đăng ký đầu tư ra nước ngoài 6,687 tỷ USD, Viettel khoảng 2,13 tỷ USD, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư 1,412 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện đến cuối năm 2016 của các tập đoàn, tổng công ty khoảng 7,074 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ có 4/18 tập đoàn, tổng công ty phát sinh số tiền thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài khoảng 1,585 tỷ USD, bằng 22% vốn thực hiện. Những số liệu này cho thấy hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DNNN thời gian qua còn thấp, có 25,5 dự án báo lỗ trong năm 2016, khoảng 29% dự án báo lỗ lũy kế đến hết 2016, và có tới 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu, lợi nhuận.
Lợi nhuận được chia cho phía Việt Nam không đáng kể, năm 2016 các tập đoàn, tổng công ty được chia 145 triệu USD. Lũy kế đến cuối năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty đã giải ngân các dự án trên 7 tỷ USD, nhưng còn 5,5 tỷ USD chưa được thu hồi. Nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài đang tiềm ẩn rủi ro pháp lý tại nước sở tại và rủi ro thị trường ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư.

Các tin khác