DN điện máy: Xoay xở tồn tại

Sức mua của người tiêu dùng giảm khiến thị trường điện máy trở nên trầm lắng, hàng tồn kho khá nhiều. Để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm, nhiều DN đã phải cắt giảm chi phí, chuyển sang phân khúc thị trường bình dân, cắt giảm nhân công, triển khai các đợt khuyến mãi, giảm giá tặng quà...

Sức mua của người tiêu dùng giảm khiến thị trường điện máy trở nên trầm lắng, hàng tồn kho khá nhiều. Để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm, nhiều DN đã phải cắt giảm chi phí, chuyển sang phân khúc thị trường bình dân, cắt giảm nhân công, triển khai các đợt khuyến mãi, giảm giá tặng quà...

Tung “chiêu” vẫn ế

Ông Trần Thạch Quang, Giám đốc kinh doanh CTCP quạt Việt Nam (Asia) cho rằng, năm 2012 sẽ là một năm cực kỳ khó khăn, thậm chí khó hơn năm 2011.

Ở thị trường điện máy, sức mua đã và đang bị ảnh hưởng khi người dân tiết kiệm chi tiêu, giảm mua sắm thiết bị gia đình. Bên cạnh đó, DN điện máy Việt Nam phải chia sẻ thị phần với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như, Panasonic, Toshiba, Sony… hay hàng chất lượng của Trung Quốc đang có kế hoạch “đánh mạnh” vào thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Bảo Châu, Phó Giám đốc CTCP Điện máy R.E.E chia sẻ, mối lo lớn nhất là sụt giảm sức mua và sự đi xuống về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, nhất là tầng lớp trung lưu - đối tượng có sức mua khá ổn định trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Sức mua giảm nên không chỉ các DN sản xuất mà cả các DN kinh doanh điện máy cũng “sống dở, chết dở”. Để kéo khách hàng quay lại mua sắm, các DN kinh doanh, siêu thị điện máy lần lượt tung ra một loạt các chương trình giảm giá, khuyến mãi.

Đơn cử như tivi, tủ lạnh, laptop được giảm giá lên tới 50%, có quà tặng đi kèm, ưu đãi đổi trả hàng trong 10 ngày sử dụng, đơn hàng được vận chuyển miễn phí và hỗ trợ lắp đặt. Dù có khuyến mãi lớn, ưu đãi nhiều nhưng khách hàng vẫn vắng bóng, khiến lượng hàng tồn kho ngày một tăng.

Cần chiến lược dài hơi

Thực tế này đã buộc Asia chọn cách đầu tư cho hệ thống cửa hàng bán lẻ trên cả nước, tập trung ở các tỉnh, thành phố trước đây chưa chú trọng và đi sâu về các vùng nông thôn, mở cửa hàng ở các thị tứ, thị trấn để thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng tại đây.

Theo ông Quang, đây là kênh bán hàng gần với người tiêu dùng nhất, giúp tiết kiệm chi phí bán hàng để có giá bán tốt nhất cho người mua. “Năm nay, đà giảm giá thuê mặt bằng như hiện nay là cơ hội cho mình phát triển hệ thống, tất nhiên là phải biết lựa chọn những địa điểm phù hợp”, ông Quang nhận định.

Còn theo ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội các DN điện tử Việt Nam (VEIA), các DN điện máy không còn được ưu đãi nên việc kinh doanh sẽ không dễ dàng. Ngoài ra do khâu bán lẻ giảm sút nên chắc chắn, lượng hàng tồn kho của các DN sản xuất vẫn còn rất cao, nhất là ở khu vực sản xuất công nghiệp.

Theo VEIA, các DN điện máy trong nước cần phải có định hướng cụ thể như xác định mặt hàng chiến lược của DN mình, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm để thu hút khách hàng.

Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn điện máy gia dụng Kangaroo cho hay, 2012 tiếp tục là năm thị trường điện máy có sự đào thải theo hướng mạnh sống, yếu chết. Các DN không có chiến lược dài hơi, quay vòng đồng vốn thì nguy cơ phá sản sẽ lộ rõ.

Tuy nhiên, theo ông Phương, chính trong thời điểm hiện nay, thị trường chững lại là đòn bẩy để DN phát triển. Việc tìm địa điểm, mở rộng quy mô thành chuỗi siêu thị không quá khó khăn. Nắm được tình hình nên DN đã tìm hướng đi để đối phó với tình huống khó. Các phương thức như cắt giảm mọi chi phí không cần thiết được đưa ra để tiến tới giảm trực tiếp vào giá thành, ông Phương cho biết.

Mặc cho các chiêu “kích cầu” của giới kinh doanh, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sức mua các mặt hàng này vẫn khó có thể tăng do người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu vì nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá.

“Sức mua chỉ có thể nhìn thấy tăng nhẹ khi thời tiết chuyển sang mùa Hè vì việc kinh doanh điện máy phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết”- ông Phú nhận định.

Các tin khác