Điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư

(ĐTTCO) - Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về chính sách và thực trạng ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

Siết phần ưu đãi
Theo VCCI, giai đoạn trước khi có Luật Đầu tư 2005, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam có sự phân biệt giữa nhà đầu tư (NĐT) trong nước và NĐTNN. Đối tượng được ưu đãi đầu tư là các dự án xác định theo 2 tiêu chí chính gồm lĩnh vực và địa bàn đầu tư. Một số lĩnh vực được ưu đãi đầu tư chủ yếu như công nghiệp nặng, hạ tầng, lâm nghiệp, DN xuất khẩu, DN sử dụng nhiều lao động…
Về địa bàn do có sự phân cấp về địa phương nên xuất hiện hiện tượng tranh nhau “xé rào” trong ưu đãi đầu tư, tạo nên “cuộc đua xuống đáy” giữa các địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội khác.
 Nên đưa ra nguyên tắc: các quy định về ưu đãi đầu tư chỉ có hiệu lực tối đa 5 năm kể từ khi ban hành (tức chỉ áp dụng cho dự án được cấp phép đầu tư hoặc bắt đầu nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư trong thời hạn đó). Sau 5 năm, biện pháp ưu đãi đầu tư phải được gia hạn, hoặc sẽ tự động hết hiệu lực, không áp dụng cho các dự án mới.
Kiến nghị của VCCI
Từ khi Luật Đầu tư 2005 được ban hành đến nay, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đã có sự thống nhất, không còn phân biệt đối xử giữa NĐT trong nước và nước ngoài. Nhiều tiêu chí để xác định đối tượng được ưu đãi thuế cũng được điều chỉnh, bãi bỏ, như không còn ưu đãi thuế đối với hàng xuất khẩu hoặc với hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Đối tượng ưu đãi thuế dựa trên 2 tiêu chí chính: theo địa bàn (khó khăn, đặc biệt khó khăn) và theo lĩnh vực. Sự cải thiện trên cho thấy các chính sách ưu đãi về thuế TNDN trong thu hút đầu tư của Việt Nam rất hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Cùng với giá công nhân và năng lượng thấp, thời gian qua Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến tháng 6, tổng vốn đăng ký đạt 331,2 tỷ USD và vốn giải ngân lũy kế khoảng 180,7 tỷ USD.
Các dự án FDI có giá trị cao có thể kể đến như Samsung (20 tỷ USD vào nhà máy sản xuất điện thoại, xuất khẩu trên 50 tỷ USD/năm; sử dụng 130.000 lao động); Intel (1 tỷ USD vào nhà máy lắp rắp và thử nghiệm chip siêu nhỏ, sử dụng 3.000 lao động); LG (4 tỷ USD)…
Tuy nhiên, vẫn tồn tại bất cập trong thu hút và sử dụng vốn FDI, như tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, chưa thu hút được công nghệ nguồn, chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút sử dụng FDI (các dự án tập trung khai thác tài nguyên, thị trường, lắp rắp, gia công sử dụng nhiều lao động, tiêu tốn năng lượng); tác động lan tỏa từ khu vực FDI đến DN trong nước còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước còn yếu kém…
Điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư ảnh 1 Nhà máy intel Việt Nam đã thu hút được nhiều lao động từ phổ thông đến trình độ cao. 
Cần kế hoạch, chiến lược dài hơi
Theo VCCI, với các DN đầu tư trong một ngành, lĩnh vực, các quy định quản lý ngành sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư hơn là ưu đãi. Do đó, cần tạo thuận lợi cho NĐT thông qua việc dỡ bỏ rào cản gia nhập ngành, minh bạch hóa thông tin chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng trước khi sử dụng biện pháp ưu đãi đầu tư.
Thí dụ, Nhà nước muốn khuyến khích các DN đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển (R&D), cần có kế hoạch, chiến lược để bảo hộ sáng chế, đảm bảo thực thi các quy định quyền sở hữu trí tuệ trước khi tính đến việc ưu đãi đầu tư.
Bên cạnh đó, khi xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư cần đánh giá cả tác động tích cực và tiêu cực, chú trọng sử dụng phương pháp định lượng. Thời gian qua có tình trạng các cơ quan đề xuất chính sách ưu đãi chỉ tập trung trình bày những tác động tích cực của chính sách, trong khi các tác động tiêu cực về ngân sách, về giảm đầu tư ở nơi khác, hoặc tác động tiêu cực về môi trường… thường không được đề cập. Do đó, cần đặt ra nguyên tắc, nếu đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư không thể hiện đầy đủ, rõ nét các tác động tiêu cực phải bị hạn chế khi tiến hành thẩm định.
Cũng theo VCCI, thời gian qua có tình trạng một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng không có quy định, hoặc quy định không minh bạch về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi. Điều này khiến DN gặp khó khăn trong việc xin xác nhận đối tượng được hưởng ưu đãi. Thậm chí, có trường hợp chính sách trao quyền quá lớn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, tạo cơ hội cho tham nhũng tiêu cực. Kết quả, chính sách ưu đãi không phát huy được tác dụng, làm nản lòng DN muốn đầu tư vào những lĩnh vực được khuyến khích. 
Việc ưu đãi có thể được coi là biện pháp “mồi”, nhằm tạo lập, thu hút NĐT trong một giai đoạn, sau đó nếu lĩnh vực, địa bàn đó đã có làn sóng đầu tư tốt, cần giảm bớt chính sách ưu đãi. Nếu lĩnh vực, địa bàn đó không có nhiều NĐT, tức biện pháp ưu đãi không hiệu quả, cần được nâng cấp hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Các tin khác