Đẩy mạnh đèn LED chiếu sáng đô thị

Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) TPHCM cho biết để thực hiện cắt giảm 3,19 triệu KWh điện năng trên địa bàn, việc sử dụng đèn LED là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng đèn LED vẫn chưa rộng rãi và còn nhiều rào cản. Do đó, các cơ quan chức năng và người tiêu dùng cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng đèn LED.

Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) TPHCM cho biết để thực hiện cắt giảm 3,19 triệu KWh điện năng trên địa bàn, việc sử dụng đèn LED là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng đèn LED vẫn chưa rộng rãi và còn nhiều rào cản. Do đó, các cơ quan chức năng và người tiêu dùng cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng đèn LED.

Tiết kiệm 88 tỷ đồng/năm

Hiện nay, điện năng dùng cho chiếu sáng của Việt Nam chiếm 35% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước. Trong đó, hệ thống chiếu sáng công cộng tiêu tốn nhiều năng lượng do thiết kế, lắp đặt và sử dụng đèn chiếu sáng chưa hiệu quả. Các TP lớn chủ yếu sử dụng đèn thủy ngân cao áp hoặc sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Loại đèn này tiêu thụ rất nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng không cao và tuổi thọ thấp. Hệ thống các trạm điều khiển đèn được điều khiển bằng tủ cục bộ và hầu như chưa có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho hệ thống.

Tại TPHCM, hệ thống chiếu sáng tiêu thụ 162 triệu KWh điện/năm, trong đó chiếu sáng công cộng chiếm khoảng 90 triệu KWh/năm. Ước tính ngân sách TP chi trả hơn 130 tỷ đồng/năm. Trong số 102.500 bóng đèn chiếu sáng công cộng đang sử dụng, đèn cao áp HPS 400W chiếm 2,4%, đèn HPS 250W chiếm 39% và đèn HPS 100-150W chiếm 58,5%.

Trong khi đó, hiệu quả ứng dụng công nghệ LED trong chiếu sáng đã được khẳng định từ lâu. Theo thống kê, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện nay bằng đèn LED công suất 65-200W, TP sẽ tiết kiệm được 55,3 triệu KWh/năm, tương đương với 88 tỷ đồng, ước tính giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường.

Tuy nhiên, dù mang lại hiệu quả tiết kiệm điện năng tiêu thụ và tăng mỹ quan đô thị, nhưng mật độ sử dụng đèn LED tại TPHCM cũng như cả nước mới chỉ khá khiêm tốn. Đơn cử, năm 2010 TPHCM đưa vào sử dụng chỉ 28 đèn LED công suất 160W sử dụng năng lượng gió và mặt trời tại Khu công nghệ cao TPHCM. Năm 2011 đưa vào thí điểm 156 bộ đèn LED trên các tuyến đường Thành Thái nối dài, Ngô Quyền (quận 10); Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình); Hoa Lan (quận Phú Nhuận).

Trong tổng số đèn chiếu sáng công cộng tại TPHCM, đèn LED chỉ có khoảng 1.200 bộ. Con số này quá chênh lệch so với số lượng đèn đã sử dụng. Thực tế đáng buồn hơn, trong số 196.075 bộ đèn được sử dụng để chiếu sáng tại các ngõ hẻm, chưa có một bộ đèn LED nào nằm trong danh sách này. Có nghĩa, việc đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng bằng công nghệ đèn LED vẫn chưa được quan tâm.

Rào cản lớn

Sở dĩ tồn tại thực tế trên bởi việc ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Theo ông Huỳnh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam, một trong những bất cập là tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định. Người tiêu dùng vẫn chưa sử dụng đèn một cách đồng bộ, hầu hết đều tự phát, kích cỡ, nhãn mác của loại đèn vẫn chưa đồng đều, chưa rõ nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến rào cản thứ hai, việc mở, tắt đèn không được kiểm soát gây lãng phí trong sử dụng đèn chiếu sáng.

Bên cạnh đó, hiện nay hàng Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam khá mạnh mẽ, nhất là các mặt hàng điện tử. Do vậy để phân biệt rõ nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm khá khó khăn. Giá thành luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. So với các dòng đèn khác, đèn LED có mức giá cao hơn 20.000-2.000.000 đồng/bộ tùy loại. Trung bình mỗi bộ đèn LED tiết kiệm điện năng tiêu thụ có giá khoảng 400.000-5.000.000 đồng/bộ. Mức giá này quá cao so với thu nhập của nhiều hộ gia đình. Đương nhiên người tiêu dùng sẽ không chọn mua mặt hàng giá thành cao.

Giá thành bộ đèn LED cao khiến người tiêu dùng ít lựa chọn.

Giá thành bộ đèn LED cao khiến người tiêu dùng ít lựa chọn.

Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư cho các dự án sử dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi chi phí lắp đặt khá cao, độ phức tạp về thiết kế công trình và mỹ quan đô thị cũng khiến các DN đau đầu. Bên cạnh đó, những quy hoạch, định hướng của cơ quan quản lý vẫn chưa cụ thể và rõ ràng. 

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Kim Tước, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tư vấn-Đầu tư Năng lượng Việt, chia sẻ thêm do DN nước ta đang trong quá trình cổ phần hóa và vai trò của Nhà nước trong các cổ phần, đại diện cho các cổ phần không nhiều nên quyền quyết định vẫn phụ thuộc nhiều vào Chủ tịch HĐQT của công ty.

Điều này ảnh hưởng lớn đến việc quyết định có sử dụng đèn LED chiếu sáng hay không. Thêm nữa, công tác tài chính hàng năm được phê duyệt từ rất sớm, do vậy khi quyết định ứng dụng đèn LED tiết kiệm điện năng được đưa ra, rất ít đơn vị ủng hộ bởi không có nguồn tài chính. Yêu cầu này đặt ra bài toán nhanh nhạy của Sở GT-VT và các ban ngành liên quan trong việc đề ra mục tiêu, chính sách và tính toán ngân sách từ trước.

Cũng từ đây, ông Tước đưa ra giải pháp gồm 2 bước nhằm thúc đẩy ứng dụng đèn LED tiết kiệm điện. Bước thứ nhất, cơ quan tham mưu tiến hành giai đoạn thí điểm rút ra những kinh nghiệm đánh giá ban đầu về công nghệ, cơ chế, tài chính. Sau đó sẽ tham vấn cho TP tháo gỡ những vấn đề chủ trương về bài toán quy hoạch chiếu sáng, hỗ trợ đầu tư.

Hiện tại cơ quan chịu trách nhiệm đang làm bước thứ nhất về xây dựng mô hình, công nghệ, đánh giá tài chính. Giai đoạn này đang trong quá trình kết thúc và sẽ tham vấn cho các sở, ngành liên quan như Sở GT-VT, Sở Khoa học-Công nghệ, Sở Công Thương... trong thời gian sớm nhất để đảm bảo kịp tiến trình mục tiêu đề ra.

Các tin khác