Đầu tư đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

(ĐTTCO)-Để tận dụng tốt cơ hội, hòa mình cùng thế giới đón đầu cánh mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị tự động hóa vào hệ thống sản xuất; bước đầu mang lại hiệu quả cao. 
 
Sử dụng robot trong sản xuất tại Công ty Nhựa Chợ Lớn. Ảnh: CAO THĂNG
Sử dụng robot trong sản xuất tại Công ty Nhựa Chợ Lớn. Ảnh: CAO THĂNG
Nhà máy… vắng công nhân
Cánh đây không lâu, đoàn công tác của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) có dịp đến tham quan Công ty cổ phần Dệt nhuộm Thiên Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Bình An (huyện Dĩ An, Bình Dương). Khi bước chân vào các nhà máy dệt nhuộm tại đây, ấn tượng đầu tiên không phải là không khí làm việc náo nhiệt, mà là hệ thống các dây chuyền đang sản xuất tự động.
Cả hệ thống nhà máy vận hành hàng chục ngàn cọc sợi nhưng chỉ lác đác một vài công nhân kỹ thuật, thi thoảng qua lại để quan sát các dây chuyền hoạt động. Nhà xưởng được trang bị máy lạnh, sạch, thoáng và công tác làm vệ sinh cũng bằng robot.
“Dệt nhuộm Thiên Nam là một trong những DN hàng đầu trong ngành, có sự đầu tư bài bản nhà máy và dây chuyền sản xuất bằng hệ thống máy móc tự động với công nghệ tiên tiến. Chính điều này đã giúp cho DN không ngừng phát triển, mở rộng quy mô và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác. Dệt nhuộm Thiên Nam đã đi trước một bước khi đầu tư đón đầu công nghệ 4.0 hiện đang phát triển mạnh ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển”, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang đánh giá.
Thiên Nam được thành lập từ năm 2000, đến nay DN có 5 nhà máy với hơn 173.000 cọc sợi, hơn 1.700 nhân viên và sản lượng đạt hơn 2.800 tấn/tháng; 70% sản lượng cung ứng cho các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Mỹ La tinh.
Nhiều DN ngành cơ khí cũng cho biết đang rất chú trọng đến công nghệ 4.0. Tuy nhiên, tùy theo quy mô, quy trình, mức độ và giá trị sản phẩm của từng DN để lựa chọn đầu tư, ứng dụng phù hợp. Cụ thể, tại một số nhà máy nội địa, bóng dáng robot ABB - một thương hiệu của Thụy Sĩ - đã không còn xa lạ. Robot này hiện đảm đương việc bốc xếp bia cho các chuyền đồ uống tại Công ty Bia Hà Nội, Bia Việt Hà và Bia Huế. Còn tại Nhà máy Sản xuất phụ tùng xe máy Hải Hà, Nhà máy Sản xuất máy phát điện Hữu Toàn, Nhà máy Sản xuất tủ điện Hồng Thịnh… thì robot ABB được ứng dụng trong công đoạn hàn.
Theo kỹ sư Phạm Minh Hoàng, Đại học Bách khoa TPHCM, ưu điểm của những công nghệ này là chỉ cần một công nhân có thể quản lý 2 robot. Hay ở xưởng khuôn mẫu, một người có thể vận hành 10 máy. Hoặc tại dây chuyền CNC, một công nhân có thể chạy cùng lúc 4 máy, riêng những sản phẩm phức tạp hơn có thể chạy 2 máy. “Công việc chính của đa số những công nhân tại các nhà máy này là điểu khiển máy tính, quan sát robot, hay làm những việc đơn giản như bỏ phôi vào và nhận thành phẩm khi máy móc đã hoàn thiện”, kỹ sư Hoàng phân tích.
Khắc phục hạn chế
Một điển hình nữa là việc xây dựng Khu phức hợp Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, dự kiến đi vào hoạt động năm 2018. Trong đó, nhà máy được đầu tư công nghệ hàn lazer và công nghệ sơn tiên tiến nhất, công suất mỗi năm 100.000 xe hơi, 100.000 xe tải, 5.000 xe buýt.
Hay tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), dự kiến đầu tư 5.695 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020 nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, trong đó tập trung vào mục tiêu xuất khẩu, tiến đến có doanh thu xuất khẩu bằng doanh thu thị trường trong nước sau 5 - 10 năm. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 cũng bắt đầu xuất hiện với những ứng dụng của đô thị thông minh như: Hệ thống tìm và đậu xe thông minh, nhận diện người ra vào, chiếu sáng tự động bật tắt… 
Theo Tiến sĩ Phạm Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, sản xuất thông minh với nền tảng tự động hóa là yếu tố cơ bản dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Theo ước tính của Đại học Oxford, đến 47% công việc ngày nay sẽ có tỷ lệ tự động hóa 75% trong 20 năm tới. Còn đánh giá của Công ty Reed Tradex - đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp Thái Lan - cho thấy, hiện nay, trong khi thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0, thì trình độ sản xuất của ngành công nghiệp Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu do thiếu hụt các công nghệ mới, thông tin, kỹ năng và cơ sở hạ tầng. Do đó, Việt Nam cần sớm khắc phục được các hạn chế này nhằm bắt kịp xu thế và tiến nhanh cùng nền sản xuất trên thế giới”, Tiến sĩ Phạm Minh Ngọc nói.
Các chuyên gia cho rằng, DN cần tìm hiểu, đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực và DN mình; xây dựng và thực thi chiến lược, mô thức kinh doanh phù hợp với thời đại số. DN cần lưu ý về vấn đề văn hóa kinh doanh; nghiên cứu tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin; thay đổi mô thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, có chính sách bố trí, sắp xếp nhân lực khi thực hiện DN số, tạo lập môi trường đổi mới và sáng tạo; tăng cường hợp tác và kết nối, chủ động và tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; hỗ trợ nâng cao kiến thức, nhận thức của khách hàng và cơ quan quản lý về cách mạng công nghiệp 4.0.

Các tin khác