Cuộc đối đầu giữa kinh doanh online và truyền thống

(ĐTTCO)-Những năm gần đây, người tiêu dùng TPHCM có dịp làm quen với nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ hoàn toàn mới lạ. 

Từ việc mua bán hàng trực tuyến qua các trang mạng, đến việc áp dụng công nghệ trong các dịch vụ vận tải taxi như Uber, Grab, rồi xổ số Vietlott… đã tác động mạnh mẽ đến ngành thương mại, dịch vụ tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều đáng lưu ý, hầu hết các loại hình kinh doanh mới này đều có yếu tố nước ngoài đầu tư, quản lý, có ưu thế hơn hẳn so với kinh doanh truyền thống.

“Mới” phát triển nhanh hơn “truyền thống”

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2014, chỉ sau vài tháng, Uber đã trở thành một hiện tượng mới trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Không ít người đã nghỉ việc để trở thành lái xe chuyên nghiệp cho Uber. Số đầu xe tham gia vào Uber tăng nhanh chóng. Nhiều người không ngại đầu tư một lượng vốn lớn để phát triển số lượng xe, rồi thuê người lái…

Cuộc đối đầu giữa kinh doanh online và truyền thống ảnh 1

Mua hàng trực tuyến tại CoopHomeShopping. Ảnh: CAO THĂNG

Nếu như ở nhiều nước, Uber đơn giản chỉ là kiếm thêm thu nhập cho chủ xe, thì tại Việt Nam, Uber nhanh chóng trở thành một nghề chính vì có nhiều lái xe chuyên nghiệp tham gia, nên đã xuất hiện cụm từ “taxi Uber”. Chính điều này khiến các doanh  nghiệp (DN) kinh doanh taxi truyền thống dậy sóng, khi cho rằng, Uber không cạnh tranh bình đẳng. Vì nếu cho là một sản phẩm công nghệ, thì Uber chỉ phải kê khai nộp thuế trên 20% doanh thu từ hoa hồng kết nối. Trong khi đó, nếu xác định hoạt động của Uber là dịch vụ vận tải, DN này phải kê khai nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Cho đến nay, việc hiểu Uber là một ứng dụng về công nghệ hay là một hãng taxi vẫn đang có nhiều tranh cãi.

Lĩnh vực thương mại điện tử cũng đang có sự tăng trưởng ngoạn mục, lên tới 22%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân của ngành bán lẻ - 10%/năm. Riêng năm 2016, trị giá của thị trường thương mại điện tử Việt Nam lên tới 4 tỷ USD, tương đương gần 100.000 tỷ đồng. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), quy mô thị trường Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt mức 10 tỷ USD trong 5 năm tới.

Theo tính toán, Việt Nam có dân số 91 triệu người, 45% dân số đã tiếp cận internet, trong đó, 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM chiếm tới 28%. Trung bình, mỗi người sử dụng internet tại Việt Nam chi 160 USD/năm cho thương mại điện tử. Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, tính đến cuối năm 2016, có tới 32% DN đã thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam có thể cao hơn nhiều con số mà các đơn vị nghiên cứu đưa ra. Chỉ tính riêng trang mạng online lớn nhất là Lazada, đơn hàng trung bình năm 2016 gấp 6 lần đơn hàng năm 2014. Trung bình 1 ngày DN này có thể nhận từ 15.000 - 20.000 đơn hàng, mức tăng 600% là mức tăng rất lớn, cho thấy thị trường đang phát triển mạnh mẽ. Tương tự, Tiki mới đây cũng cho biết lượng đơn hàng vận chuyển thành công tới tay khách đặt mua đã tăng 3 - 4 lần trong 1 năm trở lại đây…

Tỷ lệ doanh thu của thương mại điện tử hiện mới chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng doanh thu bán lẻ, nhưng với đà tăng tốc mạnh như hiện nay, không lâu nữa lĩnh vực này sẽ bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt với các loại hình kinh doanh truyền thống. Để chuẩn bị, hàng loạt các hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam như Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, Aeon, Vinmart… cũng đã và đang tích cực triển khai việc bán hàng qua mạng nhằm đón đầu xu hướng.

Phải thay đổi để phù hợp

Trở lại với trường hợp của Uber, đây là một mô hình kinh doanh được tạo ra bởi công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin. Cách thức kinh doanh của Uber khác hẳn, nên có khả năng phá hủy mô hình kinh doanh taxi truyền thống. Cũng từ Uber, dịch vụ kinh doanh taxi cũng đã có một vài thay đổi nhỏ như khi khách hàng điện thoại đặt xe, đã có sự phản hồi về thời gian chờ, số điện thoại của tài xế xe sẽ đến đón… Theo đó, cung cách phục vụ khách cũng có phần mềm mỏng hơn so với trước đây. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất mà các hãng taxi vẫn chưa khắc phục được, đó là giá cước còn quá cao, vẫn còn tình trạng chở khách lòng vòng để “mua đường” hoặc khi đi đoạn đường ngắn, dễ bị các tài xế taxi “ném” cho vài câu thở dài với thái độ rất khó chịu…

Nói cách khác, hoạt động của taxi truyền thống và các quy định quản lý hoạt động quá xơ cứng, nặng bao cấp, thiếu tính cạnh tranh, diễn ra trong một thời gian dài, nên rất cần có sự thay đổi để bắt kịp với xu thế phát triển chung và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, trong nền kinh tế thị trường, đã kinh doanh là phải có cạnh tranh. Cạnh tranh thường thông qua giá, thời gian, chất lượng phục vụ và tính linh hoạt. Các DN cũng phải chấp nhận sự thật này để chủ động bước vào cạnh tranh. Phải tìm hiểu xem họ hơn mình ở điểm nào để từ đó khắc phục các điểm yếu. Chẳng hạn, trong kinh doanh taxi, các DN đang áp dụng một biểu giá phẳng, còn Uber thì áp dụng mức giá rất linh động, tùy từng thời điểm. Vậy các DN có thể tính toán giá linh động được không. Mặt khác, phải nâng cao thái độ phục vụ của nhân viên theo các tiêu chí, tiện lợi, nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch về giá và thời gian đi. Nói chung là DN cần phải làm minh bạch về dịch vụ của mình để thu hút khách. Trong kinh doanh dịch vụ, DN càng chú ý đến các nhu cầu chi tiết nhất của khách hàng thì tỷ lệ thành công càng cao.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi lại để bàn bạc, tạo ra cơ chế chính sách phù hợp để tạo sân chơi bình đẳng cho các DN. Ví dụ, hiện nay thuế áp dụng cho các DN nội địa thế nào thì với DN FDI cũng phải có chính sách thuế tương đương, làm sao các mô hình kinh doanh này vẫn tồn tại nhưng bảo đảm cạnh tranh công bằng và điều tiết như nhau. Không để xảy ra tình trạng mô hình kinh doanh này phải nộp thuế, mô hình kia thì không; bên có chính sách bảo hiểm, bên lại không… Các cơ chế, chính sách phải đảm bảo sự khuyến khích kinh doanh truyền thống thay đổi, vừa không hạn chế kiểu kinh doanh mới xuất hiện nhưng không làm méo mó thị trường.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòa: “Xe Uber mới chỉ là một trường hợp điển hình trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý, sẽ còn các loại hình dịch vụ khác như du lịch, dịch vụ đặt phòng, tour tuyến, bán hàng online, giao nhận hàng hóa… trong tương lai cũng sẽ được số hóa từ điểm đầu cho đến điểm cuối cùng. Các dịch vụ này hoàn toàn có thể thực hiện xuyên biên giới, sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh còn khốc liệt hơn so với hiện nay. Nếu không thay đổi cho phù hợp, kinh doanh truyền thống sẽ khó phát triển trong hội nhập”.


Các tin khác