Cửa hàng tiện lợi - tiện thì có, lợi chưa

(ĐTTCO) - Sau nhiều rào đón, cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã chính thức khai trương tại TPHCM. Liệu thương hiệu này có làm cho mô hình cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam trở nên sôi động và thực sự thu hút được người tiêu dùng trong dài hạn hay không vẫn còn là câu hỏi chưa được trả lời. 
 
Cửa hàng tiện lợi - tiện thì có, lợi chưa
7-Eleven chỉ là hiện tượng nhất thời

Một trong những hình ảnh gây ấn tượng trong ngày 7-Eleven chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam chính là hình ảnh khách hàng, phần lớn trong đó là khách hàng trẻ, xếp hàng dài chờ vào mua sắm tại cửa hàng tiện lợi này. Đây là điều chưa từng xảy ra khi các thương hiệu kinh doanh theo mô hình cửa hàng tiện lợi đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Qua đến ngày thứ hai mặc dù cảnh xếp hàng dài đã không còn, nhưng lượng khách trong cửa hàng vẫn rất đông, nhân viên liên tục phải xếp thêm hàng hóa. Điều gì đã khiến thương hiệu này có sức hút đến như vậy? Đầu tiên phải kể đến truyền thông khi liên tục đăng tải về chuỗi 7-Eleven ở thị trường nước ngoài với tốc độ phát triển cực nhanh. Hiện chuỗi này có tới 62.000 cửa hàng hiện diện tại 19 quốc gia. Và cứ mỗi 2 giờ trên thế giới lại có một cửa hàng 7-Eleven xuất hiện. Vì thế mọi động thái chuẩn bị cho sự gia nhập thị trường Việt Nam của thương hiệu này rất được chú ý. 

Vậy người tiêu dùng tìm được gì khi đến đây? Có rất nhiều món ăn Việt Nam được bày bán từ những món ăn đường phố như bánh mì, hột vịt xào me, bắp xào, gỏi cuốn… đến các món mặn ăn với cơm cùng nhiều loại thức ăn nhanh khác. Các món tráng miệng như trái cây, pudding… cũng được bày biện khá ngăn nắp và hút mắt. Được biết họ mang đến hàng trăm món ăn Việt Nam được thay đổi mỗi ngày.
Ngoài ra, một sản phẩm thu hút giới trẻ nữa chính là nước giải khát mang thương hiệu Slurpee và những sản phẩm mang thương hiệu 7-select, cũng như ra mắt ứng dụng di động 7Rewards nhằm kết nối khách hàng. Và cũng như nhiều ông lớn khác khi tham gia thị trường, ông lớn này cũng đặt cho mình mục tiêu có hàng trăm cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sau 3 năm nữa. 

Nhưng cảnh tượng đông đúc ở 7-Eleven liệu có kéo dài được hay không. Ngay khi có mặt ở cửa hàng này vào ngày thứ hai, chúng tôi đã thấy một số khách hàng nữ đi vào xem hàng và chia sẻ với nhau về hàng hóa ở đây “cũng không có gì đặc biệt”. Nhiều ý kiến ngờ vực cảnh đông đúc chờ mua bánh mì, hột vịt xào me hay một suất cơm trưa văn phòng có lẽ không kéo dài được lâu bởi người tiêu dùng có thể mua những món này ở bất cứ đâu.
Trước khi 7-Eleven khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam người Việt Nam cũng từng thấy McDonald’s hay Starbuck cũng thu hút hàng ngàn người xếp hàng chờ được thưởng thức. Nhưng nay có những cửa hàng McDonald’s thậm chí rất thưa thớt khách. 

Bên trong 1 cửa hàng tiện lợi.


Khó thay được cửa hàng tạp hóa

Thực tế mô hình cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đến nay cũng có khá nhiều cái tên như B’mart, Circle K, shop&go, Family mart, ministop… với mỗi thương hiệu có hàng trăm cửa hàng. Có lẽ tiềm năng dân số trẻ, sẵn sàng thử cái mới chính là điều các thương hiệu kỳ vọng. Thế nhưng, có đến cửa hàng tiện lợi mới thấy lượng khách hàng hầu hết không đông, dù có những cửa hàng ngay những khu trung tâm nơi có nhiều giới văn phòng và cả khách du lịch. 

Mặc dù cho đến nay khá nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã có những chuyển đổi, nhiều cửa hàng kết hợp bán thức ăn nhanh, có chỗ ngồi ăn thuận lợi cho khách hàng… nhưng sút hút của mô hình này vẫn không lớn, họ vẫn chỉ có một nhóm khách nhỏ. Đã có những thương hiệu lên tiếng vì sự thua lỗ ở thị trường Việt Nam. Cụ thể, những ngày tháng 5 vừa qua thông tin về chuỗi Family mart từ Reuters đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm.
Theo đó, dù các cửa hàng của Family mart tại Trung Quốc và Đài Loan đang sinh lời, tuy nhiên tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, tập đoàn này lại đang chịu cảnh thua lỗ. "Chúng tôi sẽ cố gắng củng cố lại nếu có cách nào đó, nhưng chúng tôi không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư" - Chủ tịch Tập đoàn Family mart UNY của Nhật phát biểu về việc kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi Family mart tại Việt Nam.

Kể từ khi các thương hiệu quốc tế mang mô hình cửa hàng tiện lợi đến Việt Nam, người ta đã tính đến một cuộc thanh lọc các cửa hàng bách hóa vốn rất quen thuộc với người Việt Nam.
Thế nhưng, dù thói quen tiêu dùng đang có sự thay đổi nhưng chuỗi các cửa hàng bách hóa vẫn sống khỏe vì “văn hóa xe máy” vẫn rất phổ biến. Người ta thích ngồi trên xe mua hàng hơn là gửi xe vào mua ở cửa hàng tiện lợi. Đó là chưa kể giá thành là điều luôn được đem ra so sánh, cửa hàng tiện lợi đương nhiên luôn cao hơn. Thậm chí ngay các thương hiệu sản xuất lớn vẫn muốn đảm bảo “sự sống” cho các cửa hàng tạp hóa để không bị phụ thuộc vào các nhà bán lẻ. 

Trong buổi chia sẻ với các DNNVV về quản trị dòng tiền, trong đó việc quan trọng là cân bằng giữa các khách hàng, bà Đào Thị Thiên Hương, Phó Tổng giám đốc Pwc Việt Nam, từng chia sẻ câu chuyện của 2 “ông lớn” là P&G và Unilever: “Cả 2 DN này đều gặp phải những khó khăn về bài toán quản trị dòng tiền khi tập trung vào các nhà bán lẻ lớn tại Hoa Kỳ.
Từ bài học đó, họ thay đổi chiến lược khi vào thị trường châu Á. Tại Việt Nam, các bạn đừng nghĩ rằng những nhà bản lẻ lớn có được hợp đồng với Unilever hay P&G tốt hơn so với các cửa hàng tạp hóa. 2 nhà sản xuất lớn này luôn có những chính sách đảm bảo cho hệ thống cửa hàng tạp hóa sống tốt”. 

Các tin khác