CPTPP - Lợi thế lớn nếu biết tận dụng

(ĐTTCO) - Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tuy không còn Hoa Kỳ, nhưng dự kiến vẫn mang lại những lợi ích không nhỏ cho các nước thành viên.  Để tìm hiểu kỹ hơn về CPTPP, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM BÌNH AN (ảnh), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM.
CPTPP - Lợi thế lớn nếu biết tận dụng
PHÓNG VIÊN: - Khi nhắc đến hiệp định thương mại tự do, vấn đề đầu tiên được nhắc tới chính là tác động trực tiếp đến hàng hóa xuất khẩu của các nước tham gia. Vậy Việt Nam sẽ được gì trong xuất khẩu khi tham gia CPTPP, thưa ông?
Ông PHẠM BÌNH AN: - CPTPP sẽ có 2 tầm nhìn về thị trường ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, khi không còn Hoa Kỳ sức hấp dẫn của CPTPP giảm khá nhiều so với TPP. Thậm chí còn có những ý kiến Việt Nam có nên tham gia CPTPP hay không. Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn các thị trường trong CPTPP vẫn có độ hấp dẫn, bởi có một số thị trường Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do như Canada, Mexico và Peru, một số đã có nhưng lộ trình giảm thuế cũng không sâu như trong CPTPP.
Cụ thể, 100% dòng thuế hàng hóa sẽ về gần 0% theo lộ trình 7 - 10 năm. Chính vì thế khi tham gia hiệp định này các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn có những lợi ích rõ ràng. Một số ngành có lợi thế trong TPP  như dệt may, thì trong CPTPP vẫn được hưởng lợi. Theo dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,32%, xuất khẩu sẽ tăng thêm 4% nhờ những thỏa thuận trong CPTPP. 
Về dài hạn, CPTPP thiết kế một đầu chờ để Hoa Kỳ có thể quay trở lại nhanh nhất. Tất nhiên khi Hoa Kỳ quay lại sẽ không còn vị thế dẫn đầu như TPP, và như vậy các quốc gia trong khối CPTPP sẽ chủ động hơn khi cùng đàm phán, cũng như sẽ có thêm cơ hội được vào thị trường lớn. 
- Lợi ích đã rõ, nhưng liệu các DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu hay không vẫn là câu hỏi được đặt ra khá nhiều? 
- Dễ thấy ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do không phải tự nhiên mà có, để được hưởng DN cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Đó là một quy định bắt buộc. So với các hiệp định thương mại tự do khác, CPTPP có quy định khá chặt về quy tắc xuất xứ hàng hoá.
Chẳng hạn một quy tắc nổi tiếng cho ngành dệt may đó chính là xuất xứ từ sợi trở đi, thậm chí có hẳn một chương cho ngành này. Đây là điều trong các hiệp định khác không có, thông thường đều là xuất xứ từ vải cho sản phẩm may mặc.
Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ quy định này không phải thách đố, dù Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu cho ngành may mặc từ các thị trường ngoài CPTPP. Bởi khi nhìn thấy lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn đầu tư nguyên phụ liệu ở Việt Nam, giúp hoàn chỉnh chuỗi giá trị trong ngành may của nước ta.
Và khi đó nếu DN Việt Nam liên kết tốt  đôi bên sẽ cùng có lợi. Song các DN muốn hưởng lợi từ CPTPP lưu ý, không chỉ đáp ứng điều kiện về xuất xứ hay phi thuế quan, mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, kể cả minh bạch về sổ sách, chứng từ. 
- Là người thường xuyên tiếp xúc với các DN, ông có nhận thấy những chuyển động tích cực của DN nhằm đón chờ hiệp định tiến bộ CPTPP? 
- Mỗi nhóm DN có những chuyển động khác nhau, có một số ít nhìn thấy trước vấn đề lại có tiềm lực nên có quan tâm chuyển biến khá mạnh, còn lại đa phần các DNNVV hàng ngày còn đang lo tồn tại, nên cũng chưa có sự quan tâm và chuyển biến nhiều. Dễ thấy nhiều DN dưới chuẩn mực, cuộc chơi muốn nâng cấp cần có sự vào cuộc đồng bộ, từ sức kéo của chính quyền, sự hỗ trợ của hiệp hội và bản thân DN cũng phải chủ động.
Nhiều DN vẫn nghĩ rằng, mình trong nhóm DNNVV, DN siêu nhỏ làm sao đủ nguồn lực để chuyển động, từ đó chưa có tư thế, tinh thần chuẩn bị tốt. Thế nhưng, thực tế không phải cứ DN nhỏ là yếu, theo quan sát của tôi, nhiều DN nhỏ được điều hành bởi những bạn trẻ cực kỳ năng động, vì lẽ đó đừng quá biện minh, viện lý do nhỏ để không có chuẩn bị tích cực hơn. Đây là cuộc chơi lớn và yếu tố sàng lọc sẽ rất khắc nghiệt, nếu DN không nỗ lực việc bị loại khỏi cuộc chơi cũng là lẽ đương nhiên. 
Ở góc độ hiệp hội, có thể thấy càng tham gia nhiều các hiệp định vai trò cấp trung gian như hiệp hội lại càng cần được khẳng định nhiều hơn. Hiện nay cũng có đánh giá cho rằng, hiệp hội chưa phát huy hết vai trò, chức năng của mình. Song nhìn một cách công bằng, cũng có không ít hiệp hội rất năng động, hỗ trợ hội viên rất nhiều thông qua các chương trình liên kết, hợp tác trong và ngoài nước. 
Về sức kéo của cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương, cũng có thể thấy nhiều hoạt động tích cực. Nhiều địa phương nhất là TPHCM, hiện đang có rất nhiều chương trình nhằm hỗ trợ cho các DN có sự chuẩn bị tốt nhất để hội nhập theo các hiệp định thương mại tự do tiến bộ, có độ mở cao như CPTPP.
Tất nhiên để có những chương trình hỗ trợ hiệu quả, cần có tính đồng bộ, xuyên suốt. Hiện nay vẫn còn có những chương trình ở địa phương mang tính hành chính quá nhiều. 
- Thưa ông, ngoài các tác động trực tiếp đến xuất khẩu, sự chuẩn bị của DN đối với CPTPP sẽ có những tác động nào khác đến kinh tế Việt Nam? 
- Ngoài xuất khẩu, CPTPP còn có nhiều tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam như ở mạng dịch vụ. Quy định về dịch vụ trong hiệp định này khá mở, nhiều cam kết đòi hỏi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ để các nhà đầu tư nước ngoài có thể cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
Riêng trong CPTPP, mở cửa dịch vụ theo cơ chế “chọn - bỏ”, tức công khai các danh mục cấm hoặc hạn chế còn lại nhà đầu tư được tham gia hết. Còn trong các hiệp định thương mại trước đây là nguyên tắc “chọn - cho”, tức công khai danh mục, lĩnh vực cho phép, còn lại có thể cấm hoặc hạn chế. Điều này giúp thay đổi cách thức quản lý của các cơ quan công quyền, đồng thời người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng nhiều dịch vụ phong phú hơn.
Có thể thấy, góc độ quan trọng của CPTPP là khẳng định chủ trương của Việt Nam hội nhập sâu bên ngoài để đẩy mạnh cải cách bên trong. Đây cũng là yếu tố hết sức lưu ý khi xem xét, đánh giá các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 
- Xin cảm ơn ông.
 Nhiều ý kiến lo ngại khi Việt Nam ký quá nhiều hiệp định thương mại tự do liệu có tận dụng hết cơ hội hay không. Thực chất mỗi hiệp định khi Việt Nam tham gia đều nhắm tới mục tiêu khác nhau. Cụ thể như CPTPP hay EVFTA là cuộc chơi với những nước phát triển, có lợi thế về công nghệ nguồn, quản trị tốt, làm ăn bài bản. Đặc biệt Việt Nam lại đang xuất siêu vào những thị trường này, vì thế DN sẽ được hưởng lợi đồng thời khi cùng làm ăn sẽ học hỏi được nhiều tiến bộ. Tới đây chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều những thay đổi không chỉ của DN, mà của cả bộ máy công quyền. 

Các tin khác