Chống hàng nhái phải đồng lòng vào cuộc ​

(ĐTTCO) - Sáng 27-3, báo SGGP đã tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Chống hàng nhái, ai bảo vệ doanh nghiệp”.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Hầu hết đại diện các cơ quan chức năng, luật sư, DN  tham dự đều cho rằng để chống hàng giả, hàng nhái cần sự đồng lòng của cơ quan chức năng, DN và đặc biệt có sự chung tay của người tiêu dùng.

 DN mệt mỏi

Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, tỏ rõ sự mệt mỏi khi nói đến chuyện hàng giả, hàng nhái và cuộc chiến kéo dài suốt 15 năm qua của DN mình. Giấy Sài Gòn hình thành được 20 năm nhưng có đến 15 năm phải đi theo cuộc chiến này và chưa biết phải theo đến khi nào vì hàng giả, hàng nhái ngày một nhiều hơn.

“Bắt đầu từ năm thứ 5 khi thương hiệu chúng tôi bắt đầu được người tiêu dùng đón nhận nhiều cuộc chiến cũng chính thức bắt đầu. Trong khi chúng tôi phải đầu tư thiết bị để xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, đóng thuế… những đối tượng làm giả bỏ qua hết những bước này để thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ” - ông Vị bức xúc.

Ông Vị cho biết Giấy Sài Gòn có hẳn một đội ngũ để giải quyết vấn nạn này, nhưng khi làm việc với các địa phương có nơi xử lý, có nơi lại cho qua. Có những quy định trong luật chưa hợp lý cũng trở thành khó khăn cho cả DN và cơ quan chức năng khi bắt những đối tượng làm hàng giả, hàng nhái.

“Hiện nay trên thị trường Việt Nam có 3 công ty sản xuất giấy có thể cung ứng đủ cho thị trường nhưng thực tế cả 3 công ty mới chỉ chiếm 40% thị phần, còn 60% là hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, nhái nhiều hơn hàng thật làm sao kinh doanh. Nếu không ai bảo vệ, DN sẽ chết” - ông Vị nói thêm.

Cũng trong bối cảnh đau đầu vì hàng giả, hàng nhái 2 Công ty Intermix và Bột mì Đại Phong có 2 sản phẩm bán rất chạy trên thị trường là “Bột bánh xèo, bánh khọt Hương Xưa” Mikko và “Bột mì đa dụng (bột mì số 8)” lần lượt bị sản phẩm Hương Quê (Công ty Vinamix) và “Bột mì trái lê” (Công ty Bột mì Đại Nam) xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm y hệt mẫu mã, logo tung ra bán khắp các chợ truyền thống ở Vĩnh Long, TPHCM... trong đó thị trường các tỉnh miền Tây chiếm số lượng đáng kể. 

Theo Intermix-công ty liên doanh với Nhật Bản, đơn vị đang áp dụng hệ thống quản lý công nghệ tiên tiến nên sản phẩm bán ra được khách hàng ưa chuộng, tin tưởng, từ khi sản phẩm bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến nay, doanh thu công ty bị sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình cảnh này, Intermix và Công ty Đại Phong đã gửi đơn cầu cứu, gõ cửa khắp nơi, từ văn phòng luật sư đến các sở, ngành, cơ quan chuyên trách của Trung ương cũng như địa phương. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng, không chỉ doanh thu giảm sút mà phía Intermix cho biết việc này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài là đối tác liên doanh của công ty.

Phải đồng lòng và quyết liệt

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kiêm Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chia sẻ vấn nạn gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả đang ngày một phức tạp, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Trước thực tế này Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo 389 quốc gia – Ban chỉ đạo quốc gia chống gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả. Việc thành lập Ban chỉ đạo 389 cho thấy Chính phủ đã nhận rõ vai trò của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhắm bảo vệ sản xuất kinh doanh cho DN.

Tất nhiên để công cuộc chống hàng giả, bảo vệ sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt không thể chỉ có một đơn vị nào mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt Nhân dân phải đồng thuận với lực lượng chức năng, phải lên tiếng phải vào cuộc. Các cơ quan truyền thông phải tích cực tuyên truyền để người dân nhận thức rõ hơn vai trò của mình.

Đứng dưới góc độ một luật sư, bà Trương Thị Hoà nhìn nhận khi làm việc cùng nhiều DN họ cảm thấy rất mệt mỏi vì càng làm các vụ việc càng nhiều lên chứ không hề thuyên giảm. Nguyên nhân do luật pháp của chúng ta đã đầy đủ chưa. Đến nay pháp luật liên quan tuy khá nhiều nhưng thiếu minh bạch và đồng bộ. Đã đến lúc phải rà soát các quy định pháp luật liên quan đến việc chống hàng giả, hàng nhái.

Có bộ phận pháp lý trợ giúp DN, bởi có rất nhiều DN nhỏ không có riêng bộ phận pháp lý và chi phí cũng còn hạn chế. Song quan trọng hơn, xã hội cần có sự lên án mạnh mẽ vấn nạn này, người tiêu dùng phải lên tiếng mạnh mẽ hơn bởi hàng giả, hàng nhái không chỉ xâm phạm quyền hợp pháp của DN mà cũng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải mạnh dạn nói không với hàng giả.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bách, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết cũng có một số DN, số ít người tiêu dùng quan tâm đến vấn nạn này nhưng đại đa số người tiêu dùng thì chưa. Thậm chí nhiều người tiêu dùng còn chưa phân biệt được tác hại sâu xa của hàng giả, hàng nhái. Cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái là một cuộc đấu tranh lâu dài bên cạnh việc kiểm tra xử lý nghiêm minh thì cần có thêm nhiều hình thức giáo dục về luật pháp để toàn xã hội hiểu rõ và chung tay chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý thị trường, năm 2016 cả nước phát hiện, xử lý hơn 30.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng xử phạt vi phạm hành chính trên 93 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Riêng quý I-2017 đã phát hiện gần 5.500 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt gần 16 tỷ đồng.

Khép lại buổi toạ đàm, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập báo SGGP gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị khách mời đã nhiệt tình tham gia và chia sẻ nhiều ý kiến có giá trị. Ông Tuyến cũng cho biết sau buổi toạ đàm hôm nay, báo SGGP sẽ tính đến việc mở một chuyên trang thông tin, tuyên truyền chống hàng giả, hàng nhái nhằm chung tay bảo vệ DN và người tiêu dùng.

Các tin khác