Chống chuyển giá: Dữ liệu kiểm tra thiếu, chế tài chưa mạnh

(ĐTTCO)-Việc chuyển giá không chỉ diễn ra ở DN FDI mà cả DN trong nước, như ở các tập đoàn lớn có nhiều công ty con được ưu đãi thuế. Nhưng việc kiểm soát không hề đơn giản, vì ngành thuế còn thiếu thông tin, dữ liệu để ấn định thuế.
Aeon nhiều năm báo cáo lỗ dù doanh thu ngày càng tăng (Ảnh: Một góc Trung tâm thương mại Aeon tại quận Tân Phú) Ảnh: CAO THĂNG
Aeon nhiều năm báo cáo lỗ dù doanh thu ngày càng tăng (Ảnh: Một góc Trung tâm thương mại Aeon tại quận Tân Phú) Ảnh: CAO THĂNG
Có tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng hàng trăm ngàn lao động giá rẻ, thống lĩnh thị trường, nhưng không nộp thuế, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc về tình trạng chuyển giá của DN nước ngoài.
Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, về các giải pháp chống thất thu thuế. Ông Bình cho biết:
Hiện trạng các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kinh doanh nhiều năm tại Việt Nam nhưng vẫn kê khai lỗ và số thuế nộp ngân sách chưa tương xứng với quy mô về vốn, sử dụng lao động, tài nguyên của Việt Nam như báo đã nêu là hoàn toàn chính xác. Một trong các hình thức “né thuế” hay “tránh thuế” hữu hiệu mà các tập đoàn đa quốc gia thường áp dụng nhằm tối đa hóa lợi nhuận, ít bị xử lý và an toàn nhất, đó là chuyển giá. Việc chuyển giá không chỉ diễn ra ở DN FDI mà cả DN trong nước, như ở các tập đoàn lớn có nhiều công ty con được ưu đãi thuế. Nhưng việc kiểm soát không hề đơn giản, vì ngành thuế còn thiếu thông tin, dữ liệu để ấn định thuế. Hiện câu chuyện chuyển giá không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là của toàn cầu, xuất hiện ngay ở cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển.
Đã xử phạt DN FDI 22 năm không nộp thuế
* PHÓNG VIÊN: Trước “chiêu thức” chuyển giá để trốn thuế của các DN, cơ quan thuế đã có biện pháp gì để xử lý, thưa ông?
Ông NGUYỄN NAM BÌNH: Nhận thấy thất thu thuế lớn trong DN FDI từ sớm nên đến năm 2013, ngành thuế cả nước đã tổ chức thanh tra và thu được hàng trăm tỷ đồng, giảm lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Từ cuối năm 2015 đến nay, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế quyết định thành lập 4 Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng tại 4 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Trước đây, các DN FDI ít quan tâm đến việc hàng năm kê khai về giao dịch liên kết, nhưng từ khi có 4 phòng thanh tra nói trên và Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017 thì hầu hết DN trong nước lẫn ngoài nước đều rất quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và đi tập huấn để thực hiện kê khai cho đúng với sự hỗ trợ của các công ty kiểm toán, đại lý thuế.
Nếu DN khai không đúng sẽ bị truy thu và phạt hành chính 20% cộng với tiền chậm nộp. Qua 2 năm thanh tra giá chuyển nhượng, một số DN FDI đã ý thức hơn trong việc tự điều chỉnh khai bổ sung nộp vào ngân sách.
* Sau khi thanh tra thuế, có DN nào từ khai lỗ hoặc lời “lấy lệ” chuyển sang có lời chưa, thưa ông? 
- Trong 2 năm 2016-2017, Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng Cục Thuế TPHCM đã thanh tra thuế 183 DN có giao dịch liên kết, đã truy thu thuế và phạt hơn 580 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có công ty suốt 22 năm chưa nộp đồng thuế thu nhập DN nào.
Sau khi thanh tra đã giảm lỗ hơn 657 tỷ đồng, truy thu hơn 135 tỷ đồng và DN đã nộp ngay hôm sau khi nhận quyết định xử phạt - mặc dù trước đó đoàn thanh tra phải đấu trí khá căng thẳng với các công ty kiểm toán quốc tế trong nước và nước ngoài bảo vệ cho công ty.
Quan trọng nhất của hoạt động thanh tra chống chuyển giá năm 2016-2017 là góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN. Qua rà soát kết quả kê khai quyết toán thuế năm 2017, nhiều DN đã tự điều chỉnh về mức giá, tỷ suất lợi nhuận tăng lên.
Phải xây dựng được cơ sở dữ liệu
* Từ thực tế công tác quản lý thuế, ngành thuế TPHCM có giải pháp gì trong chống chuyển giá không, thưa ông? 
- Trước đây, khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, các DN FDI được ưu đãi rất nhiều so với DN nội địa (thuế suất FDI từ 10% - 25%, còn DN trong nước 32%). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay là như nhau - 20%, chỉ trừ một số DN nằm trong khu chế xuất còn áp dụng thuế suất 10%. Mức thuế suất này cũng gần tương đồng, thậm chí thấp hơn trong khu vực và các nước phát triển, nên khó có thể hạ thấp nữa.
Chúng tôi hiểu rõ, việc chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Do vậy, chúng tôi xây dựng nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra chuyên đề, đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thuế để chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá một cách hiệu quả.
Trong đó chú trọng đào tạo về thuế quốc tế, kỹ năng xác định giá thị trường, kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ và nhiều kỹ năng khác.
Hành vi chuyển giá của các DN liên kết ngày càng tinh vi, hình thức chuyển giá cũng đa dạng, phong phú. Ông có hiến kế nào để công tác chống chuyển giá hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Theo tôi, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành luật quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết; thu hẹp các ưu đãi về thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương.  
Thứ nhất, áp dụng phương pháp định giá (APA - cơ chế thỏa thuận giá trước). Biện pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước. Tại Việt Nam, hiện nay có hơn 10 DN đang xin APA theo hình thức đơn phương hoặc song phương.
Thứ hai, chế tài trong chuyển giá theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Thứ ba, đồng loạt xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá.

Các tin khác