Chi phí thuế và hải quan vẫn đè nặng lên doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh, tuy nhiên, ngành thuế và hải quan vẫn còn nhiều dư địa, cần tiếp tục cải thiện.
Chi phí thuế và hải quan vẫn đè nặng lên doanh nghiệp

Tại hội nghị công bố kết quả giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan sáng 24/4, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc xây dựng chính sách thuế vẫn chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế, thiếu phản biện, lắng nghe… Cùng với đó, còn lỗ hổng rất lớn về chính sách, dẫn đến làm môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách, mất cán bộ.

Qua giám sát tại 12 Cục thuế, Cục Hải quan và một số chi cục cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, còn chồng chéo; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên cùng địa bàn với cơ quan thuế, hải quan có lúc có nơi chưa chặt chẽ, đồng bộ; chưa có cơ chế ràng buộc trong công tác chống thất thu, kiểm tra liên ngành. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hang hóa xuất nhập khẩu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, một số công chức trong thực thi công vụ có thái độ ứng xử trong giao tiếp chưa tạo sự hài lòng, thân thiện với người dân. Cá biệt có nơi, có lúc còn có biểu hiện gây phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp (DN)”, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Chi phí vẫn đè nặng lên doanh nghiệp

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính cũng như ngành thuế và hải quan trong thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ. Song, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dư địa của 2 ngành này còn nhiều, cần tiếp tục cải thiện để tạo thuận lợi cho DN, người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, hiện chi phí logistic tại Việt Nam còn rất cao, hiện chiếm khoảng 21% GDP, thậm chí có thời kỳ, chi phí logistic chiếm đến 25% GDP. Chi phí logistic tăng cao do nhiều yếu tố, nhưng một phần lớn là do các thủ tục hải quan, thông quan…

“Phải làm sao giảm chi phí logistic xuống dưới 20% để cạnh tranh với các nước trong khu vực, nếu không DN sẽ thua ngay trên sân nhà. Đặc biệt, phải kiểm soát được những chi phí không chính thức. Những chi phí này làm tha hóa đội ngũ cán bộ”, ông Thanh cho biết.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng kiến nghị, chính sách thuế cần phải ổn định và phù hợp với các loại hình kinh doanh. Hiện chính sách thuế giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống còn bất công.

“Một điều phi lý là số lượng taxi công nghệ gấp đôi số lượng của taxi truyền thống nhưng chỉ nộp ngân sách ít hơn rất nhiều. Vừa rồi, Cục thuế TPHCM yêu cầu truy thu thuế đối với Uber nhưng giờ Uber bán lại cho Grab, giờ số nợ thuế này ai chịu trách nhiệm? Chính điều này tạo nên môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các DN. Điều này có trách nhiệm của ngành thuế”, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng phàn nàn ngoài thủ tục thuế, hải quan còn nặng nề thì còn rất nhiều loại phí đổ lên đầu DN. Cụ thể đối với các DN dệt may, khi xuất nhập khẩu, các hãng tàu đưa ra rất nhiều loại phí bất hợp lý. Ví dụ: phí mất cân bằng conterner lẽ ra chỉ khi nào mất cân bằng mới thu nhưng nếu không dán thẻ, không mất cân bằng vẫn thu; hay phí cảng biển ở Hải Phòng đang áp đặt 1 mức khá cao… Hiệp hội đã kiến nghị rất quyết liệt về các khoản phí này nhưng vẫn chưa có thay đổi đáng kể.

“Những kiến nghị của hiệp hội chúng tôi được tiếp thu rất nhanh, trả lời cũng nhanh, tỷ lệ phản hồi tương đối cao nhưng phản hồi rồi có giải quyết hay không, bao giờ giải quyết lại là vấn đề khác. Rất nhiều vấn đề đã ghi nhận sẽ giải quyết nhưng 1-2 năm chưa thấy gì”, ông Trương Văn Cẩm bức xúc.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thuế còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, việc kết nối thông tin còn kém, chưa hoàn thiện kho dữ liệu liên thông từ ngân hàng, thuế, hải quan gây khó khăn cho DN. Các DN cho rằng, chính sách thuế cần ổn định trong thời gian dài để tạo điều kiện cho DN ổn định và yên tâm sản xuất kinh doanh.

Các tin khác