Cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất

(ĐTTCO) - Bộ Giao thông - Vận tải vừa đưa ra danh mục rà soát 352/558 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được xem xét bãi bỏ/sửa đổi. Các ĐKKD được được xem xét bãi bỏ phần lớn là những điều kiện đang có bất cập, vướng mắc. 
Cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất
Nhiều lĩnh vực có tỷ lệ cắt giảm lên tới 75%. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị, cải cách từ phía bộ này. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề cần tiếp tục được xem xét để hoàn thiện nhằm thực sự thỏa mãn những yêu cầu từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Thí dụ, với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hiện nay các quy định đang phân chia kinh doanh vận tải theo: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; bằng xe buýt theo tuyến cố định; bằng xe taxi; theo hợp đồng; du lịch. Tương ứng với mỗi hình thức kinh doanh này sẽ có những ĐKKD riêng.
Tuy nhiên, việc chia theo các hình thức kinh doanh vận tải trên gặp nhiều bất cập và lúng túng ngay trong chính các nhà làm chính sách, vì có nhiều loại hình kinh doanh giao thoa nhau và rất khó phân biệt. Chẳng hạn, kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng và kinh doanh vận tải khách du lịch.
Về bản chất, đây đều là hình thức vận tải khách theo hợp đồng, chỉ khác về đối tượng vận chuyển. Việc phân định ra làm 2 hình thức kinh doanh này chưa hợp lý, từ đó dẫn tới việc nhiều xe thực chất là vận tải khách du lịch nhưng lại núp bóng dưới hình thức xe hợp đồng (vì ĐKKD xe hợp đồng dễ dàng hơn xe du lịch).
Hay như kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng, du lịch với kinh doanh vận tải theo tuyến cố định. Hiện nay các nhà quản lý đang đau đầu trong việc giải quyết hiện tượng xe chạy hợp đồng/du lịch nhưng lại kinh doanh tương tự xe chạy tuyến cố định. Giải pháp được các nhà hoạch định chính sách đưa ra. là phân định rõ xe hợp đồng và xe chạy tuyến cố định theo một số nét đặc trưng của xe hợp đồng.
Thí dụ, lái xe phải mang theo hợp đồng; trước khi vận chuyển hành khách phải thông báo tới sở giao thông về hợp đồng trong đó có nêu về tuyến đường vận chuyển, số lượng khách; xe hợp đồng không được lặp đi lặp lại một tuyến đường… Tuy nhiên, những quy định như vậy chỉ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp (về thủ tục hành chính; tạo nguy cơ bị xử phạt do vi phạm) mà chưa đưa đến hiệu quả quản lý.
Trong khi đó, có nhiều hình thức kinh doanh vận tải mới nhưng lại không biết xếp vào hình thức kinh doanh nào và từng có nhiều tranh luận về việc cấm hay cho phép. Điển hình nhất là xe Uber, Grab. Khi Uber mới vào thị trường Việt Nam, hình thức vận tải tương tự taxi, xe hợp đồng, nhưng chủ thể vận chuyển lại không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào như các doanh nghiệp kinh doanh xe taxi hay hợp đồng. Chỉ cần có xe ô tô, phần mềm kết nối giữa người lái xe và khách hàng là có thể hình thành nên một hình thức kinh doanh vận tải.
Các nhà quản lý khá lúng túng khi chưa thể phân định rõ Uber, Grab vào hình thức kinh doanh nào trong 5 hình thức kinh doanh được liệt kê trong luật. Rõ ràng, cùng là hình thức kinh doanh vận tải nhưng đang có sự bất bình đẳng khi áp dụng điều kiện giữa xe Uber, Grab với các xe vận tải theo mô hình truyền thống.
Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần phải đánh giá lại về cơ chế quản lý đang áp dụng đối với các hình thức kinh doanh vận tải và những bất cập, chưa hợp lý của việc đóng khung kinh doanh vận tải theo 5 hình thức như quy định hiện hành. Đồng thời, việc có thêm hình thức vận tải mới sẽ giúp nhìn nhận lại tính hợp lý của các ĐKKD đang thiết kế cho kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trong đó, nên phân chia thành 2 loại: kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Đối với kinh doanh vận tải hành khách chỉ quy định ĐKKD chung và các điều kiện tập trung vào các yếu tố có thể tác động đến an toàn giao thông khi đưa phương tiện vào kinh doanh.
Theo các chuyên gia, việc rà soát các ĐKKD để xem xét, bãi bỏ cần được đánh giá, xem xét trên cơ sở căn cứ Điều 7 Luật Đầu tư 2014, nghĩa là các ĐKKD chỉ nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng. Bên cạnh đó, những ĐKKD có tính chất tương tự đã được xem xét bãi bỏ ở ngành, nghề kinh doanh này thì cũng cần được kiến nghị bãi bỏ ở ngành, nghề kinh doanh khác…
Các ĐKKD cần được rà soát một cách toàn diện, không chỉ giới hạn ở cấp nghị định mà nên được mở rộng ở cấp luật. Nếu chỉ dừng ở cấp nghị định thì sẽ khó giải quyết được những vấn đề bất cập cốt lõi của ĐKKD vì nghị định không thể quy định trái luật.

Các tin khác