Cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp phát triển

(ĐTTCO) - 7,08% là mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018. Cán cân thương mại cũng đạt xuất siêu hơn 7 tỷ USD.
 Lý giải thực tế trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt đã làm quen và tận dụng rất tốt lợi thế mang lại từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nội lực cũng có nhiều cải thiện, phát triển. Tuy nhiên, để có thể bứt phá tăng trưởng mạnh trong năm mới, cần thiết phải tiếp tục dỡ bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh của DN.
Đa dạng phương cách tiếp cận thị trường
Phân tích về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 của Bộ Công thương cho thấy, cán cân thương mại năm 2018 thặng dư hơn 7 tỷ USD, ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu.
Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác tốt các thị trường truyền thống cũng như mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng. Ghi nhận đến thời điểm này cho thấy, có 30 thị trường mà hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng thêm 1 thị trường so với năm 2017. Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng tốt như Hàn Quốc tăng 23,2%, ASEAN tăng 13,7%, Nhật Bản tăng 12,9%, châu Âu tăng 11%, Hoa Kỳ tăng 14,2%, Trung Quốc tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ xuất khẩu sang châu Phi chỉ tăng 5,8%, xuất khẩu sang các châu lục khác đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp phát triển ảnh 1 Sản xuất bóng đèn tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang. Ảnh: CAO THĂNG 
Còn tính trên từng mặt hàng, hiện đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, cho biết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ xuất siêu đạt 34,7 tỷ USD; châu Âu đạt 28,7 tỷ USD.
Điều đáng nói, ngay khi nhiều DN Việt bị loại khỏi thị trường Hoa Kỳ do không nắm bắt và chuyển đổi sản xuất nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật mới của thị trường này, đến nay nhiều DN đã rút kinh nghiệm trong khâu chủ động nắm bắt thông tin thị trường, những định hướng thay đổi quy định, chính sách của các nước nhập khẩu nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Ở chiều ngược lại, về phía Bộ Công thương đã yêu cầu các tham tán thương mại tại các nước trên thế giới phải chủ động cung cấp thông tin về xu hướng tiêu dùng và những thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại Australia nhận xét, cách tiếp cận thị trường của các DN trong nước đã có nhiều thay đổi rất đáng ghi nhận. Cụ thể, ngoài việc đảm bảo chất lượng, đáp ứng rào cản kỹ thuật các nước nhập khẩu, DN trong nước đã bước đầu cải thiện bao bì sản phẩm, đăng ký sở hữu thương hiệu sản phẩm. Kế đến, DN trong nước đã hạn chế xuất khẩu thô và chủ động đưa sản phẩm tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng thế giới thông qua hệ thống phân phối ngoại, hệ thống nhà hàng, khách sạn… Thực tế này cũng đã giúp sản phẩm thương hiệu Việt từng bước định lại phân khúc tiêu dùng của mình ở mức cao hơn trên thị trường thế giới.
Đánh giá về những chuyển đổi cách tiếp cận người tiêu dùng thế giới của hàng Việt, ông Seah Kim Peng, Giám đốc điều hành Tập đoàn NTUC FairPrice, Singapore, cho rằng hiện đang có hơn 650 mặt hàng Việt Nam được bày bán tại hệ thống cửa hàng của tập đoàn này tại Singapore và trên thế giới. Người tiêu dùng của Singapore nói riêng và nhiều nước nói chung đã dần ưa chuộng sản phẩm Việt. Đơn cử mặt hàng gạo Việt Nam chiếm 1/5 tổng số lượng gạo bán trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó là các mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa. Hiện tập đoàn đã liên kết cùng hệ thống Saigon Co.op để tăng nguồn nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam.
Cần cắt bỏ rào cản
Theo ý kiến của nhiều DN, việc DN chủ động chuyển đổi cách tiếp cận thị trường đã và đang mang lại kết quả khả quan. Thế nhưng, để DN có thể tiến sâu vào thị phần tiêu thụ trong và ngoài nước, cần thiết phải có những nỗ lực cải cách hành chính, mạnh tay xóa bỏ rào cản kinh doanh từ phía cơ quan chức năng.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Amcharm cho rằng, đang có sự chồng chéo trong quy định kiểm tra, phân tích mẫu và công bố hợp quy của sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chế biến. Điều này gây khó khăn và lãng phí nguồn lực tài chính cho DN. Đơn cử, với quy trình lấy mẫu phân tích và công bố sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực thẩm, DN vừa phải làm với nguyên liệu đầu vào vừa phải làm cho sản phẩm đầu ra, gây lãng phí chi phí và mất nhiều thời gian để được cơ quan chức năng kiểm tra, phân tích mẫu và chứng nhận.
Không dừng lại đó, lĩnh vực thuế vẫn đang là vấn đề đau đầu nhất của DN. Khảo sát 100 DN thành viên do Hiệp hội Doanh nghiệp khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM thực hiện cho thấy, có đến 88% DN đánh giá thủ tục nộp thuế nhanh hơn, 5% đánh giá còn chậm. Về yếu tố thuế đóng đúng và đủ thì có đến 78% đánh giá là minh bạch, 22% đánh giá không minh bạch, hậu kiểm thuế có vấn đề. Lý giải thêm về vấn đề này, nhiều DN cho rằng, việc vận dụng quy định, chính sách thuế khác nhau tuỳ thuộc vào cán bộ thuế nên DN cũng không biết là mình bị vi phạm nộp thuế. Thậm chí, có những DN đến 3 - 5 năm sau mới hậu kiểm thuế và bị xử phạt với lý do chậm nộp.
Đại diện Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng bức xúc, chính sách thuế còn rất nhiễu nhương. DN thành lập, ngành thuế không kiểm tra, hướng dẫn các quy định mới về thuế. Trong 2 năm kiểm tra liên tục không bị phát hiện sai phạm nhưng 3 năm sau kiểm tra phát hiện và bị phạt. Không những thế, chính sách hoàn thuế cho DN rất chậm. Hiện đang có tình trạng DN cũ không được ưu đãi bằng DN mới thành lập nên DN  tự giải thể, thành lập mới để được nhận ưu đãi.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên, hiện Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương phải rà soát và cắt giảm những thủ tục gây phiền hà DN. Nhiều bộ ngành đã đẩy mạnh rà soát và cắt giảm. Tuy nhiên, cũng còn nhiều bộ ngành chưa mạnh tay thực hiện vấn đề này. Một nguyên nhân dễ hiểu là những rào cản này thực tế gây khó cho DN nhưng lại tạo lợi ích cho một số cán bộ công chức nhà nước. Do đó, để tạo sức bật phát triển cho DN trong thời gian tới, Chính phủ cần quyết liệt xử lý những bộ ngành cố tình không cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà DN. Cần thiết phải cách chức những thủ trưởng đơn vị không chấp hành tốt yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN phát triển.

Các tin khác