Buông lỏng quản lý bán hàng trên mạng

(ĐTTCO) - Như ĐTTC đã có bài ghi nhận trên số báo ra ngày 6-8: “Tràn lan hàng hóa “lập lờ đánh lận con đen”.
Đó là người mua nhìn tận mắt, sờ tận tay còn bị lừa xuất xứ hàng hóa, nhập nhằng thương hiệu. Còn với việc mua sắm online hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ám ảnh khá nhiều người tiêu dùng. Không chi những cá nhân bán trên facebook, mà cả những trang thương mại điện tử lớn cũng đang nằm trong vòng nghi ngờ. Việc quản lý hàng hóa bán online đang đặt ra cấp bách hơn lúc nào hết. 
Đủ chiêu qua mặt người mua
Đảo một vòng facebook để tìm mua chiếc áo khóac, chị Nhung Anh (Lĩnh Nam, Hà Nội) thấy một tài khoản facebook có tên Tuấn Nguyễn, đăng bán áo ghi là hàng Nhật. Chủ shop còn chụp hình tờ khai hải quan và giấy kiểm tra chất lượng để chứng minh nguồn gốc hàng hóa của mình.
 Chống hàng giả là phải kiên định, làm tận gốc và có trình tự, bài bản thì mới hiệu quả, chứ không làm mấy hôm cho có phong trào rồi lại thôi. Phần lớn hàng giả, nhái là hàng nhập từ Trung Quốc, chúng ta phải ngăn chặn ngay từ cửa khẩu, không cho nhập sẽ hạn chế bớt tình trạng này.
Ông ĐẶNG HOÀNG HẢI, 
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số 
Thế nhưng, vốn là người thường làm các công việc với cơ quan hải quan, chị Nhung Anh nhanh chóng nhận ra đây là mẫu khai hải quan cũ từ mấy năm trước, còn thông tin trên tờ khai lại ghi là năm 2018, giấy kiểm tra chất lượng ghi năm 2013.
“Chỉ cần nhìn qua là biết người bán chế nội dung của tờ khai ấy. Nhưng với người không biết các tờ khai hải quan chắc chắn sẽ bị qua mặt” - chị Nhung Anh cho biết. Sau khi chị trở lại bài đăng của Tuấn Nguyễn để bình luận về tờ khai chưa chính xác, thì bị người bán chặn nick và xóa luôn tờ khai đó.
Kiểu lừa đảo như người bán hàng có nick Tuấn Nguyễn này không phải mới, bởi vài năm trở lại đây phong trào bán hàng xách tay Nhật, Hàn, Thái, Đức, Nga… đang nở rộ. Để lấy niềm tin của người mua, người bán tìm đủ mọi phương thức chứng minh.
Một trong những cách hay được người bán tung ra chính là chụp hình bill mua hàng (giấy thanh toán) tại nước sở tại. Nhưng bill này shop nọ có thể lấy hình của shop kia, rồi ngay cả người mua nếu chưa từng đi nước ngoài nhìn những cái bill này cũng không thể phân biệt được. Chưa hết người bán hay có cam kết bao test (kiểm tra) dưới mọi hình thức. Nhưng là người mua bình thường cũng chẳng biết cách nào mà kiểm tra hàng hóa.
Còn với những hàng hóa quảng cáo sản xuất trong nước kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” quá phổ biến. Hình ảnh ăn cắp lung tung, đến khi người mua nhận hàng chỉ biết ngậm ngùi tránh xa shop đó, hoặc là cảnh báo vào một vài fanpage cho người khác không bị lừa như mình. 
Buông lỏng quản lý bán hàng trên mạng ảnh 1 Mua hàng trên mạng thời công nghệ rất dễ dàng, nhưng cũng dễ bị mắc lừa. 
Lo ngại hàng hóa bán trên những trang cá nhân mạng xã hội facebook, nhiều người tiêu dùng chuộng hình thức mua sắm online đã chuyển qua các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee… Thế nhưng chưa chắc yên tâm. Chị Kim Đoàn sau khi mua một hộp sữa Milo của Australia trên trang Shopee mới tá hỏa khi nhận hàng, vì thấy còn nguyên dấu keo dán nhãn, nhãn dán rất tạm bợ.
Liên lạc người bán chỉ nhận được những câu động viên cứ an tâm, hàng chuẩn. Chị vội vàng chia sẻ thông tin trên các diễn đàn để nhờ mọi người xem giúp thật giả, và dù chưa biết thật giả ra sao chị cũng tự khẳng định sẽ không dám cho con uống lon sữa này dù giá mua cũng không rẻ. 
Lướt qua những trang lớn như Lazada, Shopee… không khó để mua được nhiều món đồ “hàng hiệu” với giá rất hợp túi tiền. Như tại trang bán hàng Shopee có hẳn mục túi Gucci. Kích vào đây thấy hiện ra rất nhiều shop bán túi Gucci giả chỉ vài trăm ngàn đồng. Còn tại Lazada, nhiều sản phẩm nước hoa thương hiệu chỉ có giá vài chục ngàn đồng.
Thực ra việc những trang này bày bán đủ loại hàng hóa với giá rẻ bèo cũng không có gì khó hiểu, bởi họ đang trong quá trình mới gia nhập thị trường, muốn tìm kiếm người bán đa dạng nên khá dễ dãi trong việc đăng ký bán hàng online cho người bán. Thế nhưng, chính sự dễ dãi ấy đẩy người mua vào thế bị động, không biết hàng hóa mình mua chất lượng thực hư thế nào. 

Quản được hay không?
Trước thực trạng tràn lan hàng giả, hàng nhái trên các shop online cũng như trên các trang thương mại điện tử lớn như hiện nay, một câu hỏi đang nhận được nhiều sự quan tâm chính là cơ quan quản lý có thể thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý khi không gian mạng quá rộng lớn hay không?
Trao đổi với ĐTTC, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng cho rằng, việc chống bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, dù đó là kênh bán hàng online hay offline. Và hoàn toàn có thể giám sát được các trang bán online nếu cơ quan quản lý làm hết trách nhiệm của mình, cũng như các chế tài đưa ra phải đủ tính răn đe. 
Chẳng hạn sau quá trình giám sát một trang bán hàng online, nếu nhận thấy có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái có thể đưa ra cảnh báo với người kinh doanh và cả cho người mua hàng, nếu không có thay đổi cơ quan quản lý có quyền đóng cửa trang bán hàng đó. Vì về nguyên tắc đã mở chợ bán online, “chủ chợ” phải chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa được bán.
Tất nhiên với hình thức bán hàng online cũng còn một cái khó, chính là làm sao quản lý được vô số các tài khoản cá nhân kinh doanh trên facebook. Song với những tài khoản có số lượng thành viên mua hàng đông, nếu có dấu hiệu vi phạm cũng có thể báo lên facebook để đóng trang đó.
“Sắp tới đây ngày 1-1-2019 Luật An ninh mạng có hiệu lực, cũng có thể xem là một công cụ hữu hiệu trong việc chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các trang online” - ông Thắng đánh giá. 
Trên thực tế để quán lý hàng hóa bán trên chợ mạng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý việc bán hàng trên mạng. Theo đó, các DN bán hàng trên mạng phải có cam kết bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng. Đồng thời có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với hải quan, cũng như cơ quan quản lý thị trường, công an để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng này. 
Xem ra hiện nay người tiêu dùng cũng chỉ còn biết chờ đợi sự vào cuộc của cơ quan chức năng để dẹp nạn hàng giả, nhái tràn lan hiện nay trên các cửa hàng, trang bán hàng online. Thế nhưng, cũng còn không ít người đặt dấu hỏi về một sự vào cuộc quyết liệt. Bởi trên thực tế ngay cả các cửa hàng, các chuỗi cửa hàng ngoài phố thường chỉ bị cơ quan chức năng “sờ gáy” và tung ra hàng loạt sai phạm khi người mua tố cáo, còn trước đó mọi chuyện vẫn hết sức êm đẹp. 

Các tin khác