Bịt lỗ hổng cơ chế đầu tư BOT

(ĐTTCO) - Cả nước hiện có 88 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được xây dựng, gắn với nó là chừng ấy trạm thu phí BOT giao thông. 
Không thể phủ nhận đầu tư BOT đã đem lại bộ mặt hiện đại cho mạng lưới giao thông đường bộ nước ta. Nhưng từ sự cố người dân, DN phản đối các trạm thu phí Bến Thủy (Nghệ An) và Cai Lậy (Tiền Giang), đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cơ chế đầu tư BOT để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, và người dân.
Những bất cập

Nhìn vào 3 hợp đồng BOT xây dựng công trình Quốc lộ 1, đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (Tiền Giang) và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000 tỉnh Tiền Giang; hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1642 - Km1692, tỉnh Bình Thuận; hợp đồng BT dự án xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn Km672+600 - Km704+900, tỉnh Quảng Bình, nhà đầu tư có nghĩa vụ tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự toán công trình.
Dự toán công trình bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí khác và chi phí dự phòng. Đồng thời, nhà đầu tư BOT cũng chính là người phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác dự toán công trình BOT.
Huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, dự án thực hiện theo luật đầu tư công quy định rất chặt chẽ, Nhà nước kiểm soát trong cả 4 khâu, từ chuẩn bị đầu tư cho tới khai thác, sử dụng, trong khi với dự án BOT trách nhiệm gần như thả cho nhà đầu tư. 
Nguyễn Thị Kim Ngân,
 Chủ tịch Quốc hội
Việc kiểm soát chi phí vốn của cả 3 hợp đồng BOT này đều được thực hiện sau khi nhà đầu tư hoàn thành công trình thông qua công tác kiểm toán và quyết toán. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình, dự án BOT, nhà đầu tư phải hoàn thành lập hồ sơ quyết toán giá trị vốn đầu tư xây dựng.
Trước khi phê  duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng, chi phí xây dựng dự án BOT phải được kiểm toán và thẩm tra phê duyệt quyết toán. Với những điều khoản này, có thể thấy việc kiểm soát tổng mức đầu tư BOT, thời gian thu phí các dự án nằm ở khâu hậu kiểm, giám sát.
Và tổng mức đầu tư các dự án BOT chỉ được chốt chặt sau khi Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT thực hiện các thủ tục quyết toán công trình, dự án. Tổng mức đầu tư của các dự án BOT chỉ là khái toán, có ý nghĩa tham khảo, thời gian thu phí trong hợp đồng BOT hoàn toàn có thể điều chỉnh sau khi quyết toán công trình.

Trong báo cáo mới nhất gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT cũng thừa nhận, đối với dự án BOT tổng mức đầu tư chỉ là cơ sở để xác định sơ bộ thời gian hoàn vốn làm cơ sở đàm phán hợp đồng tín dụng và hợp đồng dự án. Riêng dự phòng khối lượng cho phép tính 10%, nói cách khác là chấp nhận sai số đối với khối lượng là 10%.
Do vậy, việc yêu cầu xác định tuyệt đối tổng mức đầu tư của dự án khó khả thi. Bộ GTVT còn cho rằng chi phí dự phòng được tính đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư 04/2010/TT-BXD, bao gồm dự phòng yếu tố khối lượng và dự phòng yếu tố trượt giá.
Nhưng thực tế, khi triển khai dự án BOT, chỉ số giá xây dựng tương đối ổn định ở mức thấp, lãi suất giảm; các dự án đều rút ngắn thời gian thi công, nên chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng, chi phí bù giá đều giảm. Những bất cập này cho thấy cơ chế đầu tư về BOT thời gian qua đang tồn tại nhiều lỗ hổng trong lập, xác định tổng mức đầu tư, tính toán suất đầu tư, thời gian thu phí, trong hợp đồng BOT được ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư.  
Bịt lỗ hổng cơ chế đầu tư BOT ảnh 1 Trạm thu phí Cai Lậy bị người dân phản ứng vì giá vé quá cao. 
Cần sự giám sát chặt chẽ
Đối với dự toán 88 công trình BOT thời gian qua, Bộ GTVT cho biết cơ bản dự toán thực tế đều giảm so với tổng mức đầu tư do tiến độ dự án rút ngắn, chỉ số giá xây dựng và lãi suất vốn vay trong giai đoạn 2012-2015 đều giảm so với giai đoạn 2009-2011, điều chỉnh giảm quy mô… dẫn đến giảm chi phí đầu tư.
Trong quá trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, Bộ GTVT đã kiểm soát giá trị chi phí đầu tư, giảm khoảng 13.557 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Cùng với hơn 754 tỷ đồng đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện khi kiểm toán các dự án BOT, Bộ GTVT đề nghị giảm trừ, tổng giá trị dự toán giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án là 14.312 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, tất cả hợp đồng BOT đều quy định, thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến, thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, thường xuyên được cập nhật khi có biến động về lãi suất, lưu lượng xe so với dự kiến ban đầu.
Thực tế, với cả các dự án chưa được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, Bộ GTVT căn cứ vào giá trị dự toán và đã đàm phán ký hợp đồng điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí như dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 21,33 năm xuống còn 10 năm 3 tháng; dự án Cầu Rạch Miễu, Quốc lộ 10, tỉnh Bến Tre điều chỉnh giảm từ 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng…

Về quy định đặt trạm thu phí BOT, theo quy định hiện hành mỗi trạm thu phí cách nhau 70km, nhưng hiện nay chỉ có 9/88 trạm đặt đúng quy định, tức đúng 10%, còn lại 90% không đúng quy định. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, có 13 nhóm tồn tại ở các dự án BOT hầu hết do chủ quan muốn làm nhanh, trong đó đáng quan tâm là quy hoạch BOT.
Có những tuyến đường độc đạo đã tạo dựng từ bao lâu nay được giao cho nhà đầu tư cải tạo đôi chút rồi lập trạm, thu phí, người dân bức xúc là đúng. Chưa kể chất lượng công trình BOT còn nhiều điều đáng bàn, giá thành đường BOT cao so với đường làm từ vốn ngân sách, do nguồn vốn chủ yếu từ vay ngân hàng. Nhà đầu tư vay với lãi suất 10%, đưa vào để tính giá thành tới 25% nên giá công trình đội lên.

Hợp tác nhà nước và tư nhân trong đầu tư phát triển hạ tầng là xu hướng tất yếu khi quá tải ngân sách đầu tư cho hạ tầng. Vấn đề đặt ra là cơ chế giám sát đầu tư BOT trong thời gian tới, trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư.
Để có cơ chế giám sát hiệu quả đầu tư dự án BOT nói riêng và PPP nói chung rất cần sự hoàn thiện về thể chế để ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan. Còn với cơ chế thả lỏng như hiện nay rất khó khắc phục những bất cập trong đầu tư BOT.

Các tin khác