Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Ở bất cứ giai đoạn nào, báo chí đều có vai trò quan trọng song hành trong quá trình hoạt động của DN, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, ĐTTC trích đăng một số ý kiến về sự đồng hành giữa báo chí và DN.
TS. Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc NHTMCP Việt Á:

Tấm gương để DN soi mình

Từ trước đến nay, tôi luôn có quan niệm báo chí giống như một tấm gương để DN và doanh nhân soi vào đó để biết mình như thế nào, đang đứng ở đâu. Những tờ báo chính thống, chuyên ngành kinh tế với những bài viết sâu sắc mang tính phản biện cao có thể là kênh phản biện quan trọng về chiến lược, kế hoạch của DN, đặc biệt là DN đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, báo mạng với lợi thế về thời gian cũng như tốc độ có thể cập nhật thông tin của DN (cả tích cực lẫn tiêu cực) một cách nhanh chóng. 
Song cũng phải nói thêm rằng trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, cá nhân sử dụng các thiết bị thông minh thông qua mạng xã hội cũng đóng vai trò như một nhà báo để phản ánh những vấn đề của DN. Điều này đã buộc DN phải có thái độ ứng xử với công chúng một cách chuẩn mực, nhất quán và đồng bộ.
Đây là thách thức rất lớn, đặc biệt đối với DN có mạng lưới rộng khắp, việc nhất quán các tiêu chuẩn phục vụ khách hàng, đối tác không phải là đơn giản. Việc né tránh hay đóng cửa với báo chí trong thời điểm hiện nay cũng không phải là giải pháp hiệu quả khi bạn đọc và chính cả nhà báo cũng có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu.  

Một tín hiệu khả quan là hiện tại hầu hết DN lớn đều đầu tư khá kỹ lưỡng cho bộ phận quan hệ báo chí, với mục tiêu truyền tải thông tin một cách minh bạch và chính xác, qua đó là cầu nối với bạn đọc, nhà đầu tư, đối tác. Nhân sự của những bộ phận này cũng không thiếu những người được đào tạo một cách bài bản, chính quy về nghiệp vụ truyền thông. Sự chuyên nghiệp ở đây bắt nguồn từ sự chân thành, chia sẻ giữa DN và báo chí, vì vậy mà mối quan hệ giữa DN, báo chí, bạn đọc, khách hàng, đối tác… ngày càng bền vững. 
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐTV Left Brain Connectors: 

Cùng mục tiêu vì lợi ích cộng đồng

Quan hệ giữa báo chí và DN là mối tương tác hai chiều và thời điểm nào cũng cần đến nhau. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, tiếng nói của báo chí càng đóng vai trò quan trọng hơn. Báo chí không chỉ đưa thông tin của DN đến với cộng đồng nhanh và chính xác, mà còn là cầu nối quan trọng giữa DN và chính quyền. Thông qua báo chí các cơ quan chức năng hiểu hơn những khó khăn, mong mỏi của DN, để từ đó có những chính sách phù hợp với thực tiễn.
Ngược lại, thông tin từ báo chí cũng giúp DN nắm bắt được nhiều chính sách quan trọng của Nhà nước, nhu cầu của thị trường. Trong một số trường hợp, báo chí giúp DN nhận ra những thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Báo chí ngày nay cũng cởi mở hơn rất nhiều, phóng viên đến DN với tinh thần hợp tác, tìm kiếm những ý tưởng hay, mới mẻ để thông tin tới bạn đọc. Đặc biệt với nghị quyết mới của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, vai trò hỗ trợ của báo chí càng trở nên cần thiết hơn. Tuy nhiên, phải khẳng định DN cần báo chí để quảng bá hình ảnh, thương hiệu, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngược lại báo chí cũng cần DN để có thông tin, có nguồn đề tài phong phú cho bài viết của mình.Cũng phải thừa nhận bên cạnh mối quan hệ tích cực vẫn còn những thông tin tiêu cực trong mối quan hệ này. Vì vậy báo chí và DN cần cởi mở với nhau, tin cậy, tôn trọng nhau cùng một mục tiêu là tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.
Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp ảnh 1 Buổi tọa đàm do Báo ĐTTC tổ chức, là dịp kết nối giữa DN với báo chí để chuyển tải các vấn đề  nóng bạn đọc quan tâm. Ảnh: LONG THANH
Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Himlamland:

Không thể làm báo theo kiểu cũ

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội cũng như báo chí thoát dần sự bao cấp từ ngân sách nhà nước, đòi hỏi cách làm báo, người làm báo không thể vận hành, làm báo theo kiểu cũ. Các tòa soạn báo, những phóng viên đòi hỏi phải am hiểu sâu ở lĩnh vực theo dõi, chịu sự giám sát cao của công chúng, cạnh tranh không chỉ ngay trong đồng nghiệp với nhau mà còn với bạn đọc và cả những cây viết trên mạng xã hội. 

Công nghệ thông tin và truyền thông đang thực sự làm biến đổi thế giới, thay đổi cách làm báo truyền thống và trở thành phương tiện kỳ diệu tạo nên khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin của cơ quan truyền thông và công chúng báo chí. Xã hội càng phát triển, thông tin càng mở và đa chiều.
Trong xã hội hiện đại, báo chí phát triển như một yêu cầu tất yếu. Xã hội đòi hỏi báo chí không những phải có tính chiến đấu, trung thực, công bằng, cập nhật tin tức, sự kiện hàng ngày, hàng giờ, hàng phút mà phải hết sức nhạy cảm và gần gũi với công chúng. 

Thực tế cho thấy, tại nhiều cuộc họp, hay đại hội của công ty các tờ báo tác nghiệp rất nhanh, thông tin được xử lý, đưa ngay về tòa soạn. Có thể thông tin chưa sâu nhưng đã đáp ứng được nhu cầu bạn đọc trong cuộc chạy đua tìm kiếm thông tin trước một sự kiện nào đó. Dưới góc độ DN, tôi xem báo chí như người bạn đồng hành trên con đường phát triển.
Tuy nhiên, đôi lúc trước một sự kiện có phóng viên hay một cơ quan báo chí lại cố tình hướng dư luận theo ý đồ của mình, chưa công bằng, tạo ra luồng dư luận chưa thật sự khách quan, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cá nhân, tổ chức được đề cập. DN rất cần thông tin nhanh và chính xác để đưa ra những nhận định, quyết định cho việc kinh doanh. Và để làm được điều này DN rất cần sự đồng hành của báo chí.
Nhà báo Huỳnh Sang, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH):

 Sẵn sàng hỗ trợ DN startup

Chuyên mục “Cà phê sáng” của VOH luôn dành rất nhiều thời lượng để nói về các dự án startup có tính nhân văn; hay chuyên mục “Khởi nghiệp đồng hành cùng DN” trên ĐTTC cũng có rất nhiều DN khởi ngiệp quan tâm. Thành thực mà nói, có những dự án chỉ mới được hình thành và cơ hội thành công về mặt kinh tế tương đối thấp.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi startup không chỉ có doanh thu hay lợi nhuận, mà đó còn là biểu hiện cho việc dám dấn thân, theo đuổi các ý tưởng của mình, quan trọng hơn nữa là tạo ra một cơ sở dữ liệu các loại ý tưởng, kinh nghiệm. Nhiều nhà báo chuyên viết về các dự án startup, chia sẻ khác với những ngành nghề có sẵn, bởi các dự án startup thường mang ý tưởng độc đáo, mới lạ nên người viết phải dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về ngành nghề, mô hình hoạt động.

Nhìn chung, công sức, thời lượng cho các bài viết về startup có thể gấp rưỡi, gấp đôi so với những ngành nghề phổ biến. Nhưng bản thân khi thực hiện các bài viết này, tôi cũng bị cuốn theo nhiệt huyết của các bạn trẻ, hoặc thậm chí khâm phục nhiệt huyết của những doanh nhân thành đạt, nhưng vẫn quyết định startup trở lại. Nói cách khác viết báo về startup cũng là cách học hỏi tinh thần sáng tạo, quyết tâm của các bạn trẻ startup. Vì thế những người viết báo chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN startup.  

Tôi lấy thí dụ, Bệnh viện ô tô  (BVOT) được đánh giá là một trong những dự án startup về chăm sóc, bảo dưỡng xe thành công nhất. Song Giám đốc dự án là ông Trần Hồng Ninh khẳng định nếu không có sự hỗ trợ của báo chí dự án sẽ rất khó đến được với công chúng. Theo ông Ninh, những ý tưởng mới lạ luôn là chất liệu hay để các nhà báo khai thác, tuy nhiên những người làm startup cần phải học cách thức quan hệ với báo chí để chia sẻ thông tin một cách hợp lý. Có những người làm startup với quan điểm kín đáo, không muốn truyền thông để tránh rắc rối.
Nhưng nên nhớ rằng, chính truyền thông là kênh thông tin kết nối startup và công chúng, khách hàng, đối tác. Thực tế đã có không ít dự án startup gọi vốn thành công cũng nhờ các nhà đầu tư đọc thấy thông tin trên báo. 

Các tin khác