Bán lẻ truyền thống đang suy kiệt

(ĐTTCO) - Những ngày qua thông tin Sears, tập đoàn bán lẻ từng lớn nhất Hoa Kỳ nộp đơn xin phá sản và thông báo đóng cửa gần 150 cửa hàng, sau khi tổng doanh thu liên tục sụt giảm do sức ép cạnh tranh của dịch vụ bán hàng trực tuyến, đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. 
Bán lẻ truyền thống đang suy kiệt
Sears đã ngập trong nợ nần và không thể trả được khoản nợ trị giá 134 triệu USD vào hạn chót là ngày 15-10.
Được thành lập năm 1886, Sears đi tiên phong trong việc mở chuỗi cửa hàng bách hóa tổng hợp, giúp đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng, và đến giữa thế kỷ 20 DN này đã xây dựng được một đế chế phủ sóng khắp Bắc Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Sears đã phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng do sự trỗi dậy của Amazon và các đối thủ thương mại trực tuyến khác.
Trước Sears, chuỗi bán lẻ đồ chơi lớn nhất Hoa Kỳ là Toy’s’R’US cũng phải tuyên bố phá sản, do chịu sức ép quá lớn từ việc mua hàng trực tuyến của khách hàng. Nhiều đánh giá kết cục của hai đại gia một thời này, cũng là lời cảnh tỉnh cho việc chậm thay đổi của nhiều nhà bán lẻ khác trên thế giới. 
Người tiêu dùng trẻ thế giới ngày nay đang có xu hướng quay lưng với những cửa hàng bán lẻ truyền thống. Xu hướng mới của người dùng là mua sắm trực tuyến, mua sắm đa kênh. Người ta muốn có những trải nghiệm online - offline - online. Đó cũng là lý do mà đại gia trong lĩnh vực thương mại điện tử là Amazon cũng đã mở những cửa hàng bán lẻ của mình và đến nay vẫn đang tiếp tục mở rộng. Chính vì thế, nếu không xoay chuyển kịp, mãi ngủ quên trên chiến thắng, thì bất cứ DN nào cũng có thể bị loại khỏi cuộc chơi này. 
Ngay tại thị trường Việt Nam, trong bài viết mới đây với tựa đề “Trung tâm thương mại dần teo tóp”, ĐTTC đã ghi nhận thực tế vắng vẻ tại nhiều trung tâm thương mại cao cấp nhưng lại chậm chạp trong sự chuyển mình. Và hiển nhiên khi chậm thay đổi, những ông lớn như Parkson cũng đã liên tiếp phải đóng cửa các trung tâm của mình ở Việt Nam để cắt lỗ. Cũng chẳng ai đoán định được tương lai của 3 trung tâm còn lại của Parkson sẽ ra sao. 
Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay nhất là những người tiêu dùng trẻ (đang chiếm khoảng 60% dân số) cũng đang bắt theo trào lưu chung của thế giới rất nhanh chóng. Họ cũng muốn có những trải nghiệm đa kênh. Đó là lý do mà nhiều nhà bán lẻ trong nước đang phát triển theo mô hình này như chuỗi Juno hay Vinamilk, rồi các đại siêu thị cũng đầu tư mạnh cho mảng online… Theo dự báo, chỉ một vài năm nữa thương mại điện tử Việt Nam sẽ có những bước phát triển nhảy vọt. 

Các tin khác