Băn khoăn niềm tin kinh doanh

Chỉ số môi trường kinh doanh quý II-2015 (BCI) do EuroCham thực hiện vào tháng 7, công bố vào đầu tháng 8, cho thấy triển vọng kinh doanh vẫn ở đà tăng, song tỷ lệ phản hồi tích cực vẫn giảm.

Chỉ số môi trường kinh doanh quý II-2015 (BCI) do EuroCham thực hiện vào tháng 7, công bố vào đầu tháng 8, cho thấy triển vọng kinh doanh vẫn ở đà tăng, song tỷ lệ phản hồi tích cực vẫn giảm.

Trong lần thứ 18 công bố BCI, niềm tin kinh doanh của các DN châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam có chỉ số 77, tăng hơn 2 điểm so với quý trước. Điều đáng nói, mức tăng này tìm lại được xu hướng đã thiết lập từ đầu năm 2014 đến nay, sau khi có cú giảm nhẹ vào quý trước, từ điểm 78 của quý IV-2014 xuống điểm 75 của quý I-2015. Mức điểm 77 cũng gần sát với mức đỉnh (78) trong khoảng thời gian này.

Ông Micheal Behrens, Phó Chủ tịch EuroCham, cho rằng kết quả này có liên quan tới việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Đây cũng là lý do có tới 57% DN tham gia nhận định tốt về tổng quan môi trường kinh doanh của Việt Nam, cao hơn đáng kể so với 45% của quý trước. Ngay cả nhận định trung bình cũng giảm từ 31% xuống còn 27%.

Tuy nhiên, đáng nói là những nhận định tốt về tổng quan này vẫn chưa đủ để giới đầu tư châu Âu tin vào triển vọng tích cực của môi trường kinh doanh trong tương lai. Số phản hồi tích cực đã giảm từ 57% của quý trước còn 55% ở lần công bố này. Số phản hồi trung bình cũng giảm từ 30% xuống còn 27%.

Thậm chí, những quan ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn không nhỏ khi số mong đợi triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển giảm so với 63% của quý trước, còn 52% trong quý II-2015. Số lượng DN nhận đình tình hình “không thay đổi” tăng từ 25% lên 33%. Số lượng DN nhận định môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục suy thoái tăng nhẹ từ 12% lên 14%.

Cũng phải nhắc lại, trong quý trước, Luật DN và Luật Đầu tư dù chưa có hiệu lực nhưng cũng được đưa vào để khảo sát khả năng tác động. Theo đó, chỉ có 21% nắm bắt được những thay đổi của 2 luật này và cho rằng hoạt động kinh doanh tới đây sẽ được hưởng lợi. Số còn lại chủ yếu cho rằng ảnh hưởng đáng kể và không nắm bắt được những thay đổi này.

Rất có thể, những chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn 2 luật này, ảnh hưởng trực tiếp tới một số hoạt động của DN sau ngày 1-7-2015, đã tác động không nhỏ tới niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư châu Âu. Tuy vậy, đa số DN (41%) tham gia khảo sát cho biết họ dự định tăng nhẹ đầu tư vào Việt Nam. Sau đó là số lượng DN có kế hoạch duy trì mức đầu tư hiện tại, chiếm 39%.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong sự phân vân này của giới đầu tư có phần lỗi của CIEM. “Đáng ra môi trường kinh doanh Việt Nam đã phải có những thay đổi rất đáng kể theo hướng tích cực khi hàng loạt mục tiêu cụ thể được đặt ra trong Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng việc triển khai Nghị quyết này chưa đồng đều trên phạm vi toàn quốc. Có một phần lỗi của chúng tôi khi được giao trách nhiệm chủ trì phổ biến Nghị quyết 19” - ông Cung nói.

Tương tự, sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật DN và Luật Đầu tư có một phần trách nhiệm của ban soạn thảo, như lời ông Phan Đức Hiếu, Thư ký Ban soạn thảo các văn bản hướng dẫn Luật DN, thừa nhận.

“Sự chậm trễ này ảnh hưởng rất lớn tới cảm nhận của giới đầu tư, kinh doanh vì các quy định rất tích cực, rất cải cách có đến được tới các nhà đầu tư hay không phụ thuộc phần lớn vào công việc thực thi ở các địa phương mà hiện nay việc này đang khá vướng mắc” - ông Cung thừa nhận.

Tuy nhiên, có điều ông Cung không nói thẳng, đó là sự chủ động của các địa phương cũng như các công chức liên quan trong việc thực thi các quy định mới là nguyên nhân chính khiến môi trường kinh doanh Việt Nam luôn ở thế bấp bênh.

Sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật DN và Luật Đầu tư đã ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh.

Sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật DN và Luật Đầu tư
đã ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh.

Có thể thấy rất rõ khi so sánh kết quả của Nghị quyết 19/2014/NQ-CP và Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về cùng nội dung. Năm 2014, kết quả cắt giảm thời gian nộp thuế, bảo hiểm, thông quan khiến các DN háo hức, tạo nên những đột phá trong cảm nhận về môi trường kinh doanh Việt Nam.

Chưa bao giờ việc cắt giảm thủ tục hành chính có thể mang lại kết quả giảm tới gần 400 giờ nộp thuế. BCI của quý IV-2014 đạt mức 78. Đây là mức cao thứ hai về điểm số trong 18 lần khảo sát của EuroCham. “Năm 2014, thành tích có được nhờ thay đổi văn bản, từ thông tư đến nghị định và cả luật.

Năm nay, dư địa cắt giảm nhờ văn bản không còn mà trông cậy hoàn toàn vào thực hiện quy trình thủ tục cũng như trách nhiệm thực thi của các công chức. Nếu không có tư duy và cách tiếp cận mới về quan hệ nhà nước và DN, những phân vân của giới đầu tư về môi trường kinh doanh sẽ vẫn còn, song hành với khoảng dãn giữa các quy định và việc thực thi” - ông Cung nói.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đang có kế hoạch tái lập Tổ công tác thi hành Luật DN và Đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc này.

Các tin khác