Bài thuốc trị bệnh từ tỏi

(ĐTTCO) - Tỏi có tên khoa học là Allium sativum L. thuộc họ Hành (Alliaceae); tên tiếng Anh là Garlic; tên tiếng Pháp là Ail commun. 
Đặc điểm, phân bố 
Tỏi có tên khoa học là Allium sativum L. thuộc họ Hành (Alliaceae); tên tiếng Anh là Garlic; tên tiếng Pháp là Ail commun. Tỏi là một trong những cây trồng cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay. Cây có nguồn gốc ở vùng Trung Á với loài tỏi đặc hữu mọc hoang dại, là Allium longicuspis Regel.  Từ 3.000 năm trước Công nguyên, tỏi đã được dùng ở Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc… Ngày nay, tỏi là cây trồng rộng rãi khắp thế giới, từ vùng có khí hậu nhiệt đới Xích đạo 5o-50oC vĩ tuyến ở cả 2 bán cầu. 
Hiện nay, tỏi là một trong 20 loại rau quan trọng nhất trên thế giới, với sản lượng hàng năm khoảng 3 triệu tấn. Tỏi được trồng ở hầu hết các quốc gia tại vùng nhiệt đới và ôn đới. Với 13 triệu pounds mỗi năm, Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu, chiếm 66% tổng sản lượng thế giới. Hàn Quốc và Ấn Độ là nước đứng thứ 2 và thứ 3. Hoa Kỳ đứng thứ 4 với 3%. Tỏi trồng ở Việt Nam, nhìn chung là dư thừa cho nhu cầu trong nước, một phần cũng đã được xuất khẩu.

Thành phần hóa học
Củ tỏi chứa rất nhiều hóa chất với tỷ lệ các thành phần: nước chiếm 62,8%; protein 6,3%; chất béo 0,1%; hydrat carbon 29%. Các chất chính trong củ tỏi là tinh dầu chiếm 0,06-0,1%. Tinh dầu này chứa allyl propyl disulfid 6%; diallyl disulfid 6% và một số có chứa disulfid.
Mùi của tỏi là do allicin. Trong tỏi còn nguyên, không có allicin mà là alliin (0,8% ở tỏi loại trắng, 1% ở tỏi loại đỏ). Khi tỏi bị dập (các tế bào tỏi bị phá hủy), dưới tác động của enzym alliinase (C-S-lyase), alliin sẽ cho acid pyruvic và 2 propen sulphenic; 2 propen sulphenic ngay lập tức chuyển thành allicin (diallyl disulphid-mono-S oxyd), chất này bị oxy hóa bởi không khí chuyển thành diallyl disulphid là thành phần chính của tinh dầu tỏi cùng với các chất liên quan khác như tri và oligosulphid tạo thành mùi tỏi. 
Bài thuốc trị bệnh từ tỏi ảnh 1 Tỏi được tinh chế thành tỏi đen. 
Tinh vị, tác dụng của tỏi
Tỏi có vị cay, tính ấm; có tác dụng hành khí tiêu tích, sát trùng giải độc. Allicin là chất có tác dụng nhiều nhất trong tỏi, ức chế các loại vi khuẩn, các nấm gây bệnh. Nó lại có tính lợi tiểu do các fructosan và tinh dầu. Vì vậy tỏi được dùng làm gia vị và làm thuốc, có tác dụng diệt vi khuẩn rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. 
Bài thuốc trị bệnh từ tỏi ảnh 2 So sánh hàm lượng acid amin tỏi so với các loại rau quả khác. 
Đối với lỵ trực trùng (do vi khuẩn lỵ Shigella gây ra), tỏi cũng có tác dụng tương tụ như được nêu ở trên. Đối với trực trùng lỵ amip (do ký sinh trùng amíp gây ra), nước tỏi 5% ức chế rất nhanh sự hoạt động của trực trùng lỵ amip làm chúng co lại thành khối tròn. Trong phân của người bị lỵ amip, sau khi dùng tỏi thì trùng lỵ amip mất hết khả năng sinh sản.
Tỏi làm giảm cholesterol và lipid huyết tương; chống tăng cholesterol máu và lipid máu có thể liên quan đến sự ức chế và sửa đổi lipoprotein huyết tương và màng tế bào. Tỏi chống tăng huyết áp đã được chứng minh in vivo. Adenosin được coi là có liên quan đến tác dụng hạ huyết áp của tỏi. Adenosin làm giãn các mạch máu ngoại biên, làm giảm huyết áp, và tham gia điều hòa tuần hoàn trong động mạch vành. Tỏi có thể làm tăng sản sinh oxyd nitric, dẫn đến làm giảm huyết áp. 
Tỏi là loài củ thông dụng dùng hàng ngày đồng thời là thuốc trị bệnh hữu hiệu để chống oxy hóa, bảo vệ gan chống các chất độc, bảo vệ màng da, màng nhầy của bao tử, đè nén sự phát triển của nhiều bướu và chống ung thư phổi và ruột già.
Công dụng của tỏi đen
Hiện nay trên thị trường bày bán nhiều loại tỏi đen, được cho là dùng rất hữu hiệu để hỗ trợ điều trị bệnh, phòng ngừa các chứng bệnh nguy hiểm, giúp cải thiện sức thanh xuân… Vậy loại củ này từ đâu, có tác dụng gì?
Tỏi đen được làm từ tỏi tươi bằng việc lên men chậm trong điều kiện khắt khe về độ ẩm và nhiệt độ. Sau 1-2 tháng, hoạt chất có trong các tép tỏi tăng lên rõ rệt hàng chục lần so với tỏi tươi nên có nhiều tính năng hữu ích. Tỏi đen qua xử lý vẫn giữ nguyên hình dạng củ tỏi nhưng bên ngoài lớp vỏ khô, bên trong là những tép tỏi mềm dẻo, có màu đen. Tỏi đen có mùi vị khác tỏi tươi: có hương thơm, ngọt chua dịu, không còn hăng cay; có giá trị dinh dưỡng và sinh học cao, chứa 18 loại acid amin hữu ích, dễ hấp thụ.
Tỏi đen có công dụng như tỏi thường nhưng tác dụng cao hơn do được tinh chế bằng phương pháp lên men, có thể dùng hàng ngày bảo vệ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, chống vi khuẩn và nhiễm trùng. Tỏi đen giúp chống oxy hóa (sự lão hóa) và ngăn ngừa bệnh tật; hỗ trợ điều trị ung thư, tăng huyết áp, giải độc và bảo vệ gan.
Tỏi đen còn giúp giảm các biến chứng bệnh tiểu đường và làm đẹp da, đen tóc; tăng cường trí nhớ, cải thiện chức năng não…
Q. Huy (sưu tầm)

Các tin khác