74,5% số hộ ở làng nghề gỗ không đăng ký kinh doanh

(ĐTTCO)- Khảo sát thực địa tại 5 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy, có tới 74,5% số hộ được khảo sát không đăng ký kinh doanh.
74,5% số hộ ở làng nghề gỗ không đăng ký kinh doanh

Chia sẻ tại Hội thảo về làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập tổ chức tại Hà Nội hôm nay (19/1), ông Đặng Việt Quang, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Forest Trends cho biết, hoạt động của các hộ tại làng nghề là hoạt động phi chính thức, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ tại làng nghề chưa được công nhận một cách chính thống bởi hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo ông Quang, điều này thể hiện ở con số 74,5% số hộ được khảo sát tại 5 làng nghề không đăng ký kinh doanh, 64% số hộ không có mặt bằng sản xuất, phải sử dụng không gian sống của gia đình, 100% lao động thuê bởi các hộ là "hợp đồng miệng". Khoảng 90% các giao dịch giữa các hộ sản xuất và hộ cung cấp gỗ nguyên liệu, giữa hộ bán sản phẩm sau chế biến và người mua thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ… 

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, đến nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề còn mang đậm tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Hiểu biết và mối quan tâm của các hộ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, các quy định về sử dụng lao động, vệ sinh an toàn lao động, các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ.... liên quan trực tiếp đến các hoạt động của hộ còn hạn chế, ông Quyền nêu thực tế.

Trong bối cảnh hội nhập, theo chuyên gia của Forest Trends, lựa chọn chính sách tốt nhất cho các hộ tại các làng nghề gỗ hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập là hỗ trợ chính thức hóa các hộ này. Chính thức hóa là cơ sở giúp các hộ đáp ứng được với các yêu cầu của hiệp định, bao gồm tuân thủ các quy định hiện hành về các khía cạnh như sử dụng nguyên liệu đầu vào, sử dụng lao động, các biện pháp bảo vệ môi trường. 

Theo ông Đặng Việt Quang, để làm được điều này, nhà nước cần có sự nhìn nhận công bằng và xác đáng về tầm quan trọng của làng nghề đối với kinh tế hộ, vai trò trong việc tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo. Định vị chính xác về vai trò của làng nghề là điều quan trọng, giúp cho các cơ quan quản lý xác định các cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh của các hộ tại làng nghề hiện nay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, còn tới 74,5% hộ sản xuất ở các làng nghề này chưa đăng ký kinh doanh. Do vậy, để đảm bảo nguồn gốc gỗ hơp pháp, sau này cần kiểm soát theo đối tượng kinh doanh, chế biến, vận chuyển, bán sản phẩm… đi từ đối tượng là sản phẩm sang kiểm tra kiểm soát người sản xuất ra sản phẩm đó.

Xu thế chung của toàn thế giới là truy xuất được nguồn gốc. Nhờ các đàm phán về lâm nghiệp nên Việt Nam chưa bị thẻ vàng, ông Hà nêu rõ.

Đồng quan điểm với ông Hà, Phó chủ tịch Viforest Nguyễn Tôn Quyền khẳng định: Không đăng kí kinh doanh, không kí hợp đồng lao động, ô nhiễm môi trường… là vấn đề chung của các hộ làng nghề.

Các tin khác