70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ giấy phế liệu

(ĐTTCO)-70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ giấy phế liệu

Ngày 16/10, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Giải pháp chính sách hướng tới phát triển bền vững ngành sản xuất Giấy tại Việt Nam”.

Vấn đề trọng tâm mà nhiều đại biểu đề cập tới tại Hội thảo đó là tầm quan trọng của giấy tái chế bởi đây là nguyên liệu đầu vào trọng yếu trong ngành công nghiệp tái chế, một ngành có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Việc tái sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội như: giảm khai thác tài nguyên, giảm thiểu việc chặt phá rừng.

Riêng với doanh nghiệp, việc tận dụng phế liệu để sản xuất giúp giảm chi do giá thành phế liệu thấp, giảm thiểu chi phí để xử lý so với việc phát thải phế liệu ra môi trường.

Tuy nhiên có một thực tế, hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước. Theo ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40% trước khi đưa vào phân loại và xử lý.
Nhận định về thực tế này, ông Phan Chí Dũng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương chia sẻ: “70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ rất cần nguyên liệu giấy và nhập khẩu là giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất”.

Trao đổi tại Hội thảo về dự thảo sửa đổi quyết định quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, phần lớn các ý kiến ghi nhận việc siết chặt quản lý phế liệu này là cần thiết khi có một số doanh nghiệp đã lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập “rác” vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, nhiều nhóm phế liệu giấy như giấy hỗn hợp vẫn là nguyên liệu sản xuất quan trọng của các ngành công nghiệp tái chế nhưng có khả năng bị đưa ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu trong tương lai gần, dẫn đến nhiều vấn đề tồn đọng cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Đình Thưởng - chuyên gia phân tích chính sách cho rằng: “Nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu tái chế này chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp giấy lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành giấy. Mặt khác, việc Chính phủ siết chặt quản lý đột ngột khiến doanh nghiệp lâm vào thế bị động. Nhà máy cần vận hành hàng ngày nhưng nguyên liệu lại không thể đến khiến hoạt động sản xuất đình trệ. Việc này cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến một chuỗi các ngành công nghiệp khác như: ngành công nghiệp bao bì, ngành công nghiệp xuất khẩu”.

Còn theo nhận định của ông Phan Chí Dũng, bất cứ doanh nghiệp giấy nào khi sử dụng giấy phế liệu hay bất cứ nguồn nguyên liệu nào khác, nhập khẩu hay thu mua trong nước để sản xuất đều có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lý tốt.

"Việc lo ngại nhập khẩu phế liệu sẽ biến Việt Nam thành bãi rác chỉ đúng khi nguyên liệu này không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào, còn một khi đã là nguyên liệu sản xuất quan trọng, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì cần cẩn trọng xem xét", ông Dũng lưu ý.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đưa ra kiến nghị về việc sử dụng các công cụ khác như phân luồng phạm vi theo mức độ, xác suất sai phạm qua kiểm định của các doanh nghiệp chứ không đánh đồng tất cả như một. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, chỉnh sửa tiêu chuẩn giấy tái chế đang nhập khẩu vào Việt Nam để giấy tái chế được quản lý và cân nhắc như tiêu chuẩn một nguồn nguyên liệu sản xuất, cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Đồng thời thay đổi tên nguyên liệu giấy từ “phế liệu giấy” thành “giấy thu hồi sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất”.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, VCCI khuyến nghị: Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu tại Việt Nam để đưa ra được chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan Nhà nước có kiên quan tham vấn các doanh nghiệp để có quan điểm khách quan hơn để dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết.

Các tin khác