10 công ty Việt Nam tham dự Hội chợ dệt may quốc tế tại Pháp

(ĐTTCO)-Từ ngày 18-21/9, 10 công ty thuộc Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) đã tham gia Hội chợ dệt may quốc tế ApparelSourcing tại thủ đô Paris của Pháp.
Khu vực các gian hàng Việt Nam tại hội chợ. (Ảnh: Linh Hương/TTXVN)
Khu vực các gian hàng Việt Nam tại hội chợ. (Ảnh: Linh Hương/TTXVN)
Từ ngày 18-21/9, 10 công ty thuộc Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) đã tham gia Hội chợ dệt may quốc tế ApparelSourcing tại thủ đô Paris của Pháp.

Đây là một dịp để các công ty dệt may trong nước trao đổi và tìm kiếm các đối tác đến từ nhiều nước trên thế giới.

Được tổ chức vào tháng Hai và tháng Chín hằng năm, ApparelSourcing là hội chợ quốc tế chuyên về quần áo may đo sẵn và phụ kiện thời trang.

Thông qua các gian trưng bày và các cuộc hội thảo chuyên đề, khách hàng có thể tìm thấy thông tin chi tiết và toàn diện về những xu hướng phát triển sản phẩm và dịch vụ mới nhất trong lĩnh vực này.

Trong khuôn khổ Hội chợ, một cuộc hội thảo giới thiệu về cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam đã được Hiệp hội Evalliance tổ chức.

Đến dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn và Chủ tịch Hiệp hội Evalliance, Jean-François Limantour.

Theo đại diện của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, trong Liên minh châu Âu (EU), Pháp là thị trường lớn thứ 5 của ngành dệt may Việt Nam. Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Pháp tới tìm hiểu các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, thông qua nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, tiền thuê đất...

Đại diện Hiệp hội Evalliance đã bày tỏ ấn tượng với sự tăng trưởng nhanh chóng của công nghiệp dệt may Việt Nam, cũng như với các chiến lược thu hút đầu tư nhằm phát triển các giá trị gia tăng trong lĩnh vực này như thiết kế mẫu, xây dựng thương hiệu.

Ra đời năm 2014, Hiệp hội phi lợi nhuận này đóng vai trò làm cầu nối giữa EU và các nước Đông Dương trong các lĩnh vực dệt may và da giày.

Nhân dịp này, một cuộc trình diễn thời trang giới thiệu bộ sưu tập thu đông mới của công ty May 10 đã được tổ chức.
Bà Phạm Thị Bích Thủy, Giám đốc Điều hành Công ty May 10, cho biết: "Công ty May 10 chuyên về thời trang công sở. Chúng tôi luôn chú trọng đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm. Tại Hội chợ này chúng tôi đã ký kết được hợp đồng với một số khách hàng lớn."

Với kim ngạch xuất khẩu trung bình 3 tỷ euro/năm, Việt Nam là nhà cung cấp hàng dệt may lớn thứ 6 ở EU. Các công ty Việt Nam được hưởng lợi từ chi phí tiền lương cạnh tranh, luôn thể hiện sự năng động, tôn trọng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU sẽ cho phép Việt Nam củng cố vị thế dẫn đầu trên thị trường may mặc châu Âu. Sau khi có hiệu lực dự kiến vào năm 2018, 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế, các dòng thuế còn lại sẽ được tiếp tục xóa bỏ trong 7 năm sau đó.

Dự kiến đến năm 2025 khi FTA Việt Nam-EU có hiệu lực đầy đủ, 99% hàng hóa của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế. Hiện mức thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU dao động từ 8-12%.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế, theo quy định của  FTA Việt Nam-EU, hàng hóa nhập khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, EU và Hàn Quốc.

Các tin khác