Vietjet bứt phá phát triển ngoạn mục

(ĐTTCO)  - Vietjet là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận hành theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí thấp và cung cấp đa dạng các dịch vụ cho khách hàng lựa chọn. Không chỉ vận chuyển hàng không, Vietjet còn cung cấp các nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng thông qua các ứng dụng công nghệ thương mại điện tử tiên tiến.

(ĐTTCO)  - Vietjet là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận hành theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí thấp và cung cấp đa dạng các dịch vụ cho khách hàng lựa chọn. Không chỉ vận chuyển hàng không, Vietjet còn cung cấp các nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng thông qua các ứng dụng công nghệ thương mại điện tử tiên tiến.

2.496 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

CTCP Hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC - HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG, đáp ứng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Theo báo cáo kiểm toán, năm 2016 Vietjet tiếp tục thành công, đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ khi đi vào vận hành thương mại năm 2011.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt lần lượt 27.499 tỷ đồng và 2.496 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 39% và 113% so với năm 2015. Lợi nhuận sau kiểm toán năm 2016 tăng thêm 206 tỷ đồng do chi phí giá vốn hàng bán được điều chỉnh giảm mạnh tới 435 tỷ đồng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 9.586 đồng, nằm trong top dẫn đầu về chỉ số này trong 20 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên 2 sàn chứng khoán.

Ông Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM (thứ 3, trái) trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án “Học viện Công nghệ Hàng không Vietjet”.

Ông Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM (thứ 3, trái)
trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án “Học viện Công nghệ Hàng không Vietjet”.

Đạt được những kết quả tích cực trên là nhờ Vietjet liên tục mở thêm các đường bay mới cũng như tăng cường khai thác các đường bay có sẵn, quản lý tốt chi phí vận hành nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến. Hãng duy trì chính sách quản lý chất lượng vận hành và các tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn mực quốc tế và đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong khi hầu hết các hãng hàng không hoạt động theo mô hình chi phí thấp đều chưa đạt các tiêu chuẩn khắt khe của tổ chức này.

Độ tin cậy kỹ thuật cho đội máy bay A320/321 đạt 99,57% cao nhất trong các hãng hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đạt 83,6%. Tính tới hết năm 2016, thị phần vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa của Vietjet đạt 41%.

Mới đây nhất, ngày 30-3-2017, Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Siêm Riệp. Trong năm 2017, hãng dự kiến khai thác thêm 4 đường bay nội địa và 22 đường bay quốc tế, nâng tổng số đường bay khai thác lên 86 đường bay. Đây là mức phát triển nổi bật, kết quả khó đạt được của 1 doanh nghiệp chỉ sau 6 năm khởi nghiệp, đi vào hoạt động

Tính tới 31-12-2016, tổng tài sản của Vietjet đạt 20.063 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với năm 2015; vốn chủ sở hữu đạt 4.734 tỷ đồng, tăng trưởng 120%; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 1.703 tỷ đồng, chưa bao gồm cổ tức năm 2016 đã tạm ứng cho cổ đông 1.478,5 tỷ đồng.

Mới đây, Vietjet cũng chào bán riêng lẻ thành công 22,3 triệu cổ phiếu, thu về hơn 1.660 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần nói trên, HĐQT Vietjet dự kiến sẽ trình cổ đông phương án trả cổ tức và thưởng với tỷ lệ cao (không bao gồm cổ tức đã tạm ứng) cho năm 2016 trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 4 tới.

Cổ phiếu được săn đón

Ngày 28-2-2017, Vietjet đã thực hiện niêm yết 300 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM với giá chào sàn 90.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa ngày 31-3-2017, sau tròn 1 tháng thực hiện niêm yết, cổ phiếu VJC đạt mức giá 128.100 đồng, tương ứng mức tăng trưởng 42%. Cổ phiếu VJC được nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt yêu thích và đã có chuỗi mua ròng 10 phiên liên tiếp gần đây.

Điều đáng nói, Vietjet là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên giới thiệu cổ phiếu ra công chúng theo chuẩn mực và quy trình quốc tế (Reg S). Các tổ chức tư vấn nước ngoài là JP Morgan, BNP Paribas, Deutsche Bank. 24 tổ chức quốc tế đã tham gia đặt mua cổ phiếu Vietjet, trong đó có nhiều quỹ đầu tư lớn như GIC, Wellington, Morgan Stanley, Dragon Capital, Vina Capital…

Sự quan tâm lớn của các tổ chức đầu tư là do thị trường vận tải hàng không tăng trưởng mạnh, đạt 29% và tỷ lệ hành khách sử dụng đường hàng không tăng từ 0,5% năm 2012 lên 0,8% năm 2016. Mặt khác, Vietjet luôn thể hiện bước bứt phá phát triển ngoạn mục, là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam và nằm trong số ít các hãng trên thế giới có lãi ngay từ năm thứ 2 hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, phát biểu: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. Vietjet hướng tới trở thành hãng hàng không có chất lượng và hiệu quả quản trị công ty niêm yết theo những chuẩn mực tốt nhất tại Việt Nam. Ngoài việc mang lại những giá trị mới mẻ cho hành khách, chúng tôi luôn hướng đến hiệu quả đối với nhà đầu tư và thị trường vốn Việt Nam và quốc tế”.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 45 tàu bay A320 và A321, thực hiện khoảng 350 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển gần 35 triệu lượt hành khách, với 63 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Hãng có kế hoạch phát triển mạng bay rộng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng các đường bay trong khu vực và đã ký kết hợp đồng mua sắm tàu bay thế hệ mới. Đến nay Vietjet đã ký kết đặt hàng 119 máy bay Airbus dòng A320/321 và 100 máy bay Boeing 737 MAX.

Nhằm tiếp tục tiến bước vững chắc trên lĩnh vực vận tải hàng không, Vietjet đang xây dựng Trung tâm Công nghệ hàng không (thuộc dự án Học viện hàng không Vietjet) trở thành cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hàng không tiêu chuẩn quốc tế để chủ động về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành hàng không.

Trung tâm Công nghệ hàng không Vietjet được triển khai trên khu vực có diện tích 5,54ha thuộc Khu nghiên cứu phát triển và đào tạo, Vườn ươm - trái tim của Khu công nghệ cao TPHCM. Với kế hoạch cụ thể, được tổ chức bài bản, Vietjet đặt mục tiêu phát triển Trung tâm Công nghệ hàng không trở thành cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hàng không tiêu chuẩn quốc tế.

Thư chúc mừng của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA)

Tôi rất vinh dự chào mừng Vietjet trở thành thành viên IATA. Nhiệm vụ của IATA là phục vụ ngành công nghiệp hàng không, là tiếng nói tập thể của khoảng 260 hãng hàng không đến từ hơn 117 quốc gia trên toàn thế giới. Tầm nhìn của chúng ta là tạo ra giá trị sáng tạo, đổi mới ngành công nghiệp vận tải hàng không an toàn và hiệu quả, liên kết bền vững và làm giàu thế giới của chúng ta. Tôi tin tưởng vào Vietjet. Hy vọng các bạn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả từ những quyền lợi tối đa cho các thành viên chính thức của IATA.

Các tin khác