Sản xuất trong nước yếu thế

(ĐTTCO)-Ngày 10-4, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1-2017.

(ĐTTCO)-Ngày 10-4, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1-2017.

 

Dù có những khác biệt nhất định về số liệu dự báo cho quý 2 và cả năm 2017, nhưng về cơ bản, những nhận định thể hiện trong báo cáo này có sự tương đồng với hàng loạt báo cáo của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng như các viện nghiên cứu trong nước.

Nổi bật trong các báo cáo này là 2 nghịch lý: tăng trưởng GDP thấp đáng ngạc nhiên, chỉ đạt 5,1% - thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây; trong khi chỉ số giá tiêu dùng, vốn gắn bó hữu cơ với tăng trưởng, tuy đạt mục tiêu đề ra, nhưng được coi là tiềm ẩn nguy cơ tăng giá, khiến cho giới quan sát chưa thể yên tâm.

Bên cạnh đó, trong khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị Tổng thống Mỹ tuyên bố hủy bỏ, thì tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã trở nên rõ nét, song lại theo hướng bất lợi.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho hay, quý 1 vừa qua, hầu hết các ngành công nghiệp đều suy giảm. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP không đạt như kỳ vọng. Sự phục hồi trong khu vực nông lâm ngư nghiệp cùng với sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực dịch vụ không bù đắp được mức tăng trưởng thấp bất thường của ngành công nghiệp, kể cả công nghiệp chế biến chế tạo.

Đáng lưu ý, giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là một số công ty lớn, như Samsung. Thương mại tăng trưởng cao, nhưng xuất khẩu vẫn chưa phục hồi thực sự về lượng. Tương tự, trong cơ cấu thương mại, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng áp đảo, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục giảm, chỉ còn 28%.

“Điều này cho thấy khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế”, TS Nguyễn Đức Thành lo lắng.

Nhóm nghiên cứu của VEPR dự báo, tăng trưởng kinh tế quý 2 ở mức 5,7% và cả năm khoảng 6,1%; thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi quý trước. Đồng thời, với chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng như quý 1 vừa qua, nhiều khả năng lạm phát cả năm được kiềm chế dưới 5%, mặc dù vẫn có nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn mức dự báo, do hiệu ứng điều chỉnh giá dịch vụ công trên toàn quốc và sự bất định của thị trường hàng hóa thế giới.

Bình luận về vấn đề này, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nguy cơ tăng giá đáng kể trong những tháng còn lại của năm là có thực, trong đó không thể không lưu ý đến giá điện - vốn đã bị “nén” lại 2 năm so với lộ trình tăng giá…

Liên quan đến những yếu tố “ngoại” trong nền kinh tế, TS Võ Trí Thành phân tích, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm mạnh so với quý trước và chủ yếu là vốn bổ sung, ít đăng ký mới. Với việc TPP dừng lại, FDI vào Việt Nam cũng khó có thể gia tăng mạnh mẽ như kỳ vọng. Trong khi đó, dòng đầu tư có dấu hiệu dịch chuyển sang các nước khác trong khu vực có môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn Việt Nam.

Đưa ra giải pháp, các ý kiến đều thống nhất cho rằng chính sách điều hành vẫn cần theo hướng thận trọng. Trong nước, việc điều chỉnh giá các dịch vụ công và kể cả giá điện, vẫn cần thực hiện theo đúng lộ trình đã đặt ra để ổn định mặt bằng giá chung trên thị trường, tạo tiền đề ổn định hơn trong dài hạn.

Bên cạnh đó, việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế trong nước, là nhu cầu cấp thiết thực sự. Muốn vậy, một trong những ưu tiên là tiếp tục công cuộc cải cách hành chính, giảm thiểu chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhìn nhận: “Vẫn còn xin - cho là còn chưa đủ tốt. Cải cách thể chế để loại bỏ xin - cho là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.

Có thể thấy, chỉ khi đảm bảo tốc độ tăng trưởng hợp lý, kiềm chế lạm phát dưới trần; cân bằng hai yếu tố “nội” - “ngoại”, kinh tế Việt Nam mới có thể có đôi chân khỏe, dẻo dai để tiến đều về phía trước, tạo ra đủ nguồn lực cần thiết đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Các tin khác