Xuất vào Trung Quốc ngày khắt khe

(ĐTTCO) - Những ngày đầu tháng 4, hàng chục tấn dứa ở Lào Cai rớt giá thảm hại, người trồng dứa loay hoay tìm cách tiêu thụ trong nước nhưng không xong, đành đổ bỏ cho gia súc ăn, thậm chí phải mất tiền để thuê người đổ bỏ. Nguyên nhân do phía Trung Quốc không nhập nữa. 
Xuất vào Trung Quốc ngày khắt khe
Vài năm trở lại đây, dứa được trồng nhiều ở Lào Cai, chủ yếu xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Song kể từ giữa năm 2018, phía Trung Quốc đã thông tin cho Việt Nam là họ bắt đầu thay đổi chính sách nhập khẩu theo hướng khắt khe hơn, giảm dần tiểu ngạch chuyển qua chính ngạch. 
Sự việc của dứa lần này theo nhiều phân tích không phải là chuyện “cắt cầu”, mà là một minh chứng cho thấy Trung Quốc đang thực thi thông báo giảm dần việc xuất khẩu qua đường biên mậu. Thực tế ngoài dứa, Việt Nam còn rất nhiều sản phẩm trái cây khác bao năm qua vẫn xuất bằng đường tiểu ngạch với tiêu chuẩn dễ dãi. Liệu sau dứa chúng ta sẽ có thêm những xe sầu riêng, khoai lang, khoai môn… 
Xuất khẩu tiểu ngạch không được, vậy chuyển qua xuất khẩu chính ngạch thì sao. Không dễ, vì đến nay Trung Quốc chỉ mới chấp nhận cho 8 loại trái cây của Việt Nam là xoài, nhãn, chuối, mít, vải, thanh long, dưa hấu, chôm chôm được vào theo con đường chính ngạch. Sản phẩm đã ít mà đường chính ngạch vào thị trường này ngày một gian nan vì những tiêu chuẩn nhập khẩu đang khó dần lên. 
Cụ thể, từ ngày 1-5-2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không thông quan dưa hấu lót rơm, yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có vi sinh vật gây hại để bọc trái; đối với mít tươi phải dùng giấy dai Kraft hoặc bao bì là thùng giấy; chuối cũng phải được bọc bằng thùng giấy hoặc túi nhựa... và bao bì phải in thông tin truy xuất nguồn gốc. Trung Quốc đã thay đổi, thì từ cơ quan quản lý Việt Nam đến doanh nghiệp và người nông dân của chúng ta cũng phải thay đổi cách thức làm ăn dễ dãi lâu nay, nếu không muốn mất thị trường lớn này. 
Phải coi Trung Quốc cũng giống như những thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… và phải chuyển hướng trồng những loại trái cây theo nhu cầu, theo quy định nhập khẩu. Sẽ không còn những giới hạn của thị trường khó tính hay dễ tính, mà đã trồng, đã xuất khẩu thì dù đi đâu cũng phải đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Đó cũng là cách thức khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm trái cây của Việt Nam. 
Sự khắt khe của Trung Quốc và sự lúng túng trong chuyển hướng của người nông dân, thương lái Việt Nam lập tức khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả sang nước này trong quý I năm nay giảm hơn 17% so với cùng kỳ. 

Các tin khác