Xây dựng hợp tác xã kiểu mới

(ĐTTCO) - Một trong những hạn chế của nông nghiệp lâu nay là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm nên khó ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ… dẫn đến chi phí sản xuất cao, thiếu tính cạnh tranh; đồng thời khó liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, xuất khẩu.

Để khắc phục điểm yếu này cần quy tụ nông dân vào hợp tác xã (HTX). Và thời gian qua các địa phương ở ĐBSCL đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, vừa chuyển đổi, củng cố cũng như thành lập các HTX kiểu mới.  

Đến nay, chỉ riêng ở Đồng Tháp có 153 HTX nông nghiệp đang hoạt động theo Luật HTX 2012. Đa phần các HTX kinh doanh đa dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho xã viên. Trong đó, nổi bật là mô hình HTX cho nông dân tạm trữ lúa tại kho sau khi thu hoạch vào thời điểm giá lúa thấp, như HTX nông nghiệp Tân Bình và HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường.
Hay như mô hình ứng dụng CNC để canh tác lúa thông minh do HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II (huyện Tháp Mười), phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers (Trà Vinh) thực hiện. Rồi mô hình ứng dụng công nghệ nhà màng và tưới nhỏ giọt để sản xuất giống ớt sạch bệnh của HTX Tân Bình.
Mô hình ứng dụng công nghệ Blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử đối với Cây xoài nhà tôi của HTX Mỹ Xương. Mô hình Ruộng nhà mình của HTX Thuận Tiến kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất và kinh doanh sản phẩm gạo chất lượng cao, bán được giá tốt… 
Có thể nói, giải pháp để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là tổ chức lại không gian sản xuất, quy mô sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Đồng thời,  đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.
Trong điều kiện đó, HTX phải trở thành chỗ dựa, đại diện cho các hộ nhỏ lẻ nhằm giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp. Như vậy, nếu không có HTX đủ mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ không thể thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản, cũng như lịch thời vụ phù hợp với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước như trong thời gian qua.
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, nông sản Việt Nam kém sức cạnh tranh do “chi phí cao và chất lượng kém”. Vì vậy, để nông sản phát triển bền vững, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa thích ứng với thị trường, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi "lời nguyền chi phí cao, chất lượng kém".
Để vượt qua "lời nguyền" đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể, "mạnh ai nấy làm", mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy HTX là giải pháp duy nhất có tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, ứng dụng CNC.
Triết lý của HTX là lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung; tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung. Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản. HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn của chuỗi ngành hàng.
HTX không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên. Như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng và quan trọng hơn là lợi ích nhận được từ giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản.
HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng tốt CNC vào thực tiễn. Do đó, để HTX nông nghiệp đủ mạnh và phát triển xứng tầm, nên nghiên cứu tách HTX nông nghiệp thành một Nghị định riêng, tiến dần đến ban hành Luật về HTX nông nghiệp. Không nên đặt mục tiêu huy động tăng trưởng của khu vực kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào GDP của nền kinh tế ít nhất trong 5 - 10 năm tới. 
Con đường xây dựng thương hiệu nông sản phải mất nhiều năm và đang phụ thuộc vào một chiến lược được định hình từ quy hoạch ngành hàng hợp lý. Một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi "tư duy mùa vụ" của nông dân, và "tư duy thương vụ" của doanh nghiệp còn tồn tại. Thương hiệu nông sản không thể xây dựng với hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ, mà phải là HTX. 

Các tin khác