Vụ Big C ngưng nhập hàng Việt: Do chúng ta tự tạo thế yếu

(ĐTTCO)-Việc siêu thị Big C đột ngột ngưng nhập hàng may mặc của 200 nhà cung cấp, ngay sau đó Bộ Công Thương đã vào cuộc và Big C cam kết mở lại đơn hàng cho 50 nhà cung cấp, trong 2 tuần tới mở thêm cho 100 đơn vị. Xung quanh sự việc này, ĐTTC đã trao đổi với chuyên gia kinh tế ĐINH THẾ HIỂN, để nhìn nhận rõ hơn một số vấn đề. 
Nhiều nhà cung cấp phản đối ngay sau khi Big C ngưng nhập hàng may mặc thương hiệu Việt.
Nhiều nhà cung cấp phản đối ngay sau khi Big C ngưng nhập hàng may mặc thương hiệu Việt.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc Big C đột ngột ngưng nhập hàng của 200 nhà cung cấp Việt cho thấy sự yếu thế của DN nội khi làm việc với đối tác nước ngoài?  
Ông ĐINH THẾ HIỂN: - Tôi không cho là như vậy. Hiện nay quan điểm của nhiều DN trong nước vẫn còn theo kiểu “sống lâu trong cơ chế nửa thị trường”. Tại nhiều hội thảo tôi tham dự, DN thường nghĩ mình là đối tượng Nhà nước phải ưu tiên lo về vốn, tìm thị trường và bảo vệ thị trường cho DN, vì họ tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra hàng Việt.
Nếu bóc tách từng vấn đề có thể đúng, nhưng nhìn tổng quan nó không còn thích hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng. Điều này có nghĩa sự cạnh tranh lành mạnh phải dựa trên luật lệ quốc gia và cao hơn là luật lệ quốc tế. 
Từ thời điểm năm 2007 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta đã từng bước mở cửa cho nhà bán lẻ nước ngoài tham gia. Đến nay đã rất nhiều nhà bán lẻ ngoại có mặt ở thị trường Việt Nam, trong khi chúng ta vẫn chưa có quy định về tỷ lệ hàng Việt ở hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ nước ngoài.
Trước thực tế này, các nhà sản xuất Việt Nam cần đi theo quy tắc “tiến hóa” của hội nhập. Lộ trình của hội nhập đang giúp nền kinh tế, DN, người lao động phát triển hơn, có thu nhập tốt hơn, nên chúng ta phải đi theo con đường đó. DN nào cảm thấy chưa đủ sức có thể chọn mô hình phù hợp hơn để làm, như vào hợp tác xã kiểu mới, không nên đụng chuyện lại nói phải bảo vệ DN. 
- Thực tế hiện nay nhiều DN, nhất là DN nhỏ vẫn chưa có bộ phận pháp lý riêng. Vậy họ cần làm như thế nào, thưa ông? 
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, DN không thể nói tôi yếu, không nắm rõ luật nhưng vẫn ký hợp đồng kinh tế. Nếu DN không rõ có thể nhờ sự tham vấn của các hiệp hội nơi họ là thành viên. Còn chuyện có bộ phận pháp lý riêng không phải DN nào cũng có thể làm được.
Trên thế giới chỉ công ty lớn mới có các văn phòng chuyên nghiệp, còn lại họ đều sử dụng các dịch vụ bên ngoài. Vì khi tham vấn về luật kinh tế phải cần đến những người có cả chục năm kinh nghiệm nên chi phí không hề nhỏ. 
Với DN trong nước, khi làm ăn cần lưu ý. Thứ nhất, có sẵn các địa chỉ tư vấn pháp lý để khi đụng chuyện có thể nhờ tham vấn hoặc thuê họ giải quyết ngay.
Thứ hai, bám sát các hiệp hội - nơi hỗ trợ DN trong đó có hỗ trợ về pháp lý.
Thứ ba, cần có mạng lưới chuyên gia bạn bè quen biết, vì có những vấn đề chỉ cần điện thoại để hỏi ý kiến, chưa cần tới văn phòng luật hay văn phòng hiệp hội. Những việc này đều không quá tốn chi phí và rất hợp lý trong kinh doanh. Vấn đề, nhiều DN chưa có ý thức trong việc này, khi xảy ra chuyện lại cho rằng do mình không có luật sư tư vấn. 
- DN nội có thể chưa thành thạo trong việc tư vấn luật, nhưng với tập đoàn lớn như Big C tại sao lại có việc đột ngột ngưng nhập hàng, gây ảnh hưởng tới các nhà cung cấp? 
 Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng, sự cạnh tranh lành mạnh phải dựa trên luật pháp quốc gia và cao hơn là luật lệ quốc tế.
- Sự “đột ngột” đó có trong pháp luật (hợp đồng kinh tế) hay không cần xem lại. Nếu sự đột ngột trong pháp luật, không có vấn đề gì. Chỉ cần giữa pháp luật, kinh doanh và phản ứng của người tiêu dùng, nếu họ cân nhắc hết mà vẫn dừng, đó là bài toán của họ. Vấn đề là quyền của Big C trong chuyện được - mất.
Được cho chiến lược kinh doanh của họ; mất là sau đó bị truyền thông, người tiêu dùng phản ứng và họ có thể mất một phần khách hàng, hoặc bị các đối tác mới đặt điều kiện chặt chẽ hơn để tránh bị “đột ngột” như vậy. Đây là quyết định kinh doanh của DN, chúng ta không nên đẩy nó đi quá xa.
Đi vào thực chất của vụ việc này, nếu trong hợp đồng kinh tế không cho phép, các nhà cung cấp được quyền đàm phán và nếu không giải quyết được có thể khởi kiện. Nhưng tất cả phải dựa trên góc độ pháp luật trong đàm phán và giải quyết. 
- Ngay sau khi các nhà cung ứng phản đối mạnh mẽ, Bộ Công Thương đã vào cuộc và tình hình đã theo hướng tích cực hơn. Có vẻ Nhà nước vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ DN? 
- Thông thường vụ việc này phải đi qua trình tự 4 cấp. Thứ nhất, DN đàm phán trực tiếp với đối tác. Trong cấp này các bên sẽ thông qua chuyên gia hoặc luật sư làm việc, thay vì các ông chủ gặp nhau trực tiếp.
Thứ hai, dùng tiếng nói của hiệp hội ngành nghề và hiệp hội DN (cấp quận huyện, TP, Trung ương) nơi mình đang là thành viên. Bởi lẽ, hiệp hội được thành lập ra để bảo vệ hội viên, nên họ không thể không có tiếng nói. Hiệp hội bằng tiếng nói chung sẽ gặp các DN để đàm phán. Nếu phát hiện luật pháp đúng nhưng có những điều khoản phải chỉnh sửa, hiệp hội kiến nghị Chính phủ yêu cầu sửa, bổ sung. 
Thứ ba, đến Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cơ quan bảo vệ DN. Nếu nhận thấy có sai sót nào trong luật cần đề xuất lên Chính phủ thay đổi cho phù hợp nhằm bảo vệ DN. Cuối cùng mới tới vai trò của các bộ ngành. Nếu việc gì cũng trình ngay lên Chính phủ, một mặt không thể giải quyết hết, mặt khác không hợp lý khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác