Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển “Xanh”

(ĐTTCO) - Ngày 26-8, tại Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Phát triển bền vững: Hợp tác cùng hành động do Chính phủ Thái Lan tổ chức.

Tại đây, hơn 44 đối tác gồm các chính phủ, khu vực tư nhân, khu vực công của Thái Lan và quốc tế đã cam kết cùng hành động nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chu trình sản xuất, tiêu thụ và tái chế. Đồng thời, khuyến khích tối ưu hóa tài nguyên, phân loại và xử lý chất thải đúng cách để giải quyết vấn đề khan hiếm tài nguyên và quá tải chất thải.

Các doanh nghiệp dệt may ngày càng hướng đến việc phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp dệt may ngày càng hướng đến việc phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia môi trường tham dự hội nghị cho rằng, Chính phủ các nước cần xây dựng dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các quy định cứng rắn cũng như quản lý chất thải nghiêm ngặt. Đặc biệt, có những biện pháp chế tài kinh tế mạnh với các trường hợp không áp dụng giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất. 

Tại hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án đầu tư bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc với số tiền hơn 2.600 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang sản xuất xanh của doanh nghiệp, bộ đã tham mưu và được Chính phủ duyệt nâng nguồn vốn đầu tư cho Quỹ Bảo vệ môi trường.

Theo đó, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải, chuyển đổi công nghệ sản xuất để thân thiện với môi trường, các dự án cải thiện chất lượng môi trường… sẽ được hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư dự án (không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một chủ đầu tư). Lãi suất vay ưu đãi từ 2,6% - 3,6%/năm, cố định trong suốt thời gian vay tối đa là 10 năm. 

Hiện Việt Nam đã gia nhập rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này đã mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho hàng Việt. Mặt khác, sức cạnh tranh của hàng Việt tăng mạnh nhờ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, trước khi có thể tận dụng được các ưu đãi trên thì doanh nghiệp Việt phải vượt rào cản kỹ thuật về môi trường.

Các tin khác