Chọn mô hình xử lý nợ xấu

Theo Phó Thống đốc NHNN việt nam Đặng Thanh Bình, NHNN đã tiến hành soạn thảo đề án thành lập Công ty quản lý tài sản (AMC) để xử lý nợ xấu. Hiện tại, đề án đã được hoàn thành và trong quá trình xin tham vấn của các cơ quan hữu quan trước khi chính thức trình Chính phủ. Theo các chuyên gia kinh tế, việc sớm tìm được mô hình AMC phù hợp sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3% vào năm 2015.

Theo Phó Thống đốc NHNN việt nam Đặng Thanh Bình, NHNN đã tiến hành soạn thảo đề án thành lập Công ty quản lý tài sản (AMC) để xử lý nợ xấu. Hiện tại, đề án đã được hoàn thành và trong quá trình xin tham vấn của các cơ quan hữu quan trước khi chính thức trình Chính phủ. Theo các chuyên gia kinh tế, việc sớm tìm được mô hình AMC phù hợp sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3% vào năm 2015.

Chọn mô hình tập trung

Hiện nay, việc thành lập các AMC trên thế giới được tổ chức theo 2 hình thức: tập trung hoặc phân tán. Với hình thức tập trung, các khoản nợ xấu sẽ được tách khỏi bảng cân đối của NH, chuyển sang AMC hoặc một cơ quan quản lý về thanh khoản NH để các đơn vị này phụ trách việc thu hồi các khoản nợ xấu.

AMC được thành lập dưới hình thức này trong giai đoạn đầu, hoạt động chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Với hình thức phân tán, các khoản nợ xấu vẫn được giữ trên bảng cân đối của NH, sau đó được xử lý bởi những đơn vị được thành lập trong chính NH.

Nợ xấu của hệ thống NHTM qua các năm (nguồn: NHNN).

Nợ xấu của hệ thống NHTM qua các năm (nguồn: NHNN). 

Một số nước thành lập AMC theo hình thức tập trung gồm có: Hàn Quốc, CH Czech, Hoa Kỳ… Đại diện các quốc gia áp dụng hình thức phân tán là Trung Quốc và Ba Lan. Trong khi đó, Hungary và Thái Lan là 2 nước sử dụng kết hợp cả 2 hình thức.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn tái cơ cấu khu vực NH bắt đầu vào những năm 2000, hệ thống các NHTM Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tài chính không lành mạnh, tỷ lệ nợ xấu cao. Để khắc phục vấn đề này, Việt Nam đã áp dụng các giải pháp truyền thống trong tiến trình xử lý nợ xấu theo mô hình phân tán.

Tuy nhiên, đến nay tình hình cũng như số nợ xấu đã khác so với thời kỳ trước. Chính vì vậy, hầu hết ý kiến chuyên gia đều đồng thuận nên lập một AMC tầm cỡ quốc gia theo hình thức tập trung.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa được tổ chức ở Hà Nội, Nhóm Công tác NH của VBF cũng nhận định, việc thành lập một AMC và một quy trình tái cấp vốn sẽ là giải pháp tốt để giải quyết nợ xấu.

Với giải pháp này, nợ xấu từ bảng cân đối tài sản của các NH sẽ được chuyển sang AMC (trên cơ sở xác định theo giá trị thị trường) và AMC sẽ có nhiệm vụ xử lý các khoản nợ xấu này, còn về phía các NH sẽ được cơ cấu lại vốn để tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính của mình.

Cần cơ chế đặc biệt để xử lý

Đồng tình về sự cần thiết phải thành lập AMC làm công cụ chính để xử lý nợ xấu, nhưng theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước đó cần phải phân loại nợ xấu, nguyên nhân và trách nhiệm xử lý để xác định phạm vi và quy mô của AMC.

Trong khi đó, ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam cho rằng việc thành lập AMC cần có các thông số rõ ràng về mục tiêu, cách thức vận hành, nguồn lực, khung pháp lý và khung thời gian hoạt động.

Một khuyến nghị cụ thể được ông Brett Krause đưa ra là “sứ mệnh” của AMC chỉ nên từ 5-7 năm: “Nếu tồn tại ngắn hơn sẽ làm chúng ta không đảm bảo được thanh khoản cũng như gây ra những chi phí quá lớn cho toàn bộ hệ thống. Nhưng nếu quá dài sẽ làm những vấn đề chậm được giải quyết và tài sản trở nên kém chất lượng hơn”.

Cần có cơ chế đặc biệt xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến xử lý nợ xấu, bởi nếu áp dụng pháp luật thông thường sẽ không giải quyết được. Vấn đề không chỉ là “kéo” số nợ xấu ra khỏi các NHTM, mà còn phải xử lý chuyển số tài sản này thành vốn, quay trở lại quá trình sản xuất, kinh doanh.

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Để ACM hoạt động thực sự hiệu quả, vấn đề đang được đặt ra là xác định địa vị pháp lý và cơ chế quản lý của mô hình này.

TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất, cần coi đây là quỹ quốc gia. Do đó, ít nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chuẩn bị và ban hành ngay (vào tháng 1-2013) pháp lệnh về thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của quỹ quốc gia về quản lý nợ. Quỹ phải có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Vì vậy, hội đồng quản lý quỹ phải gồm một số nhà lãnh đạo cao cấp và các chuyên gia độc lập, báo cáo trực tiếp và chịu trách nhiệm với Chính phủ, Quốc hội về xử lý nợ xấu.

Về quy mô và nguồn vốn, nhiều ý kiến cho rằng điều này phụ thuộc vào số nợ xấu cần xử lý. Tuy vậy, nên xác định nguồn vốn khoảng từ 1/3-1/2 tổng số nợ xấu thuộc phạm vi và đối tượng quản lý của AMC, được lấy từ các nguồn như ngân sách nhà nước, phát hành trái phiếu của NHNN, vốn ODA…

Số vốn cần thiết không nhất thiết phải cấp cùng một lúc, mà dần dần theo tiến độ xử lý nợ xấu. Một vấn đề quan trọng khác là việc xử lý không chỉ giới hạn trong xử lý nợ xấu, mà phải làm đồng thời cùng tái cơ cấu NH, xử lý tình trạng sở hữu chéo và quản trị yếu kém, xử lý các tội phạm NH, tái cơ cấu các khoản chi và đổi mới quản lý chi tiêu ngân sách và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Phải làm đồng bộ như vậy mới triệt tiêu được các nguyên nhân căn bản làm phát sinh nợ xấu hiện nay và phòng ngừa cho tương lai.

Các tin khác