Thu hút FDI: Sức bền "cuộc đua marathon"

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) sẽ là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). ĐTTC trích đăng ý kiến của TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment INC., xung quanh vấn đề này.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) sẽ là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). ĐTTC trích đăng ý kiến của TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment INC., xung quanh vấn đề này. 

Chính sách lâu dài

Tất cả các nước đang phát triển cần rất nhiều đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài để duy trì tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế nói chung. Thực tế nguồn vốn FDI có vai trò rất quan trọng cho một quốc gia, bởi nó liên kết các nguồn lực của đất nước với nguồn lực của một bên khác - các nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở lâu dài.

Bản chất FDI là một cam kết lâu dài giữa 2 bên (nước chủ nhà và nhà đầu tư) để duy trì tình hình ổn định, qua đó mỗi bên có thể phát triển với sự đồng hành của bên kia. Rõ ràng các nước đều cạnh tranh khốc liệt trong thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài.

Trong giai đoạn kinh tế đang bất ổn hiện nay, các nước phải tự thay đổi mình để mong thu hút được đầu tư nước ngoài. Điều này có nghĩa mọi quốc gia phải có luật và quy định có lợi cho thu hút vốn FDI. Bởi nếu đợi đến khi hết khủng hoảng kinh tế, sẽ ít cơ hội hơn để thu hút dòng vốn cần thiết này.

Dù Luật Đầu tư của Việt Nam được yêu cầu phải sửa để đáp ứng môi trường đầu tư hiện tại, song vấn đề lớn hơn là phải tham gia hiệu quả vào AEC và TPP. Do Việt Nam đang thực hiện quá trình tham gia này, nên tăng trưởng cân bằng trong FDI sẽ trở thành hiện thực trong ngắn và trung hạn.

TS. Christian Kamm

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nước nào có chính sách lâu dài để thu hút FDI là những nước hưởng lợi lớn từ FDI. Đây có lẽ do nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm kiếm nơi để đầu tư dựa trên cơ sở quan hệ đối tác lâu dài. Vì vậy, dễ thấy rằng những nước không xem thu hút FDI là ưu tiên hàng đầu thông qua chính sách và luật lệ hấp dẫn sẽ không thu hút nhiều FDI.

Trong trường hợp Việt Nam, Chính phủ đã rất thận trọng trong thay đổi luật và các quy định trong luật đầu tư, bởi điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài không hài lòng. Trong một số trường hợp, đặc biệt liên quan đến FDI, nhiều nhà đầu tư đã loại bỏ nhanh chóng Việt Nam ra khỏi lựa chọn của họ. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải thay đổi luật đầu tư hiện hành có lợi cho họ nhưng cũng cân nhắc lợi ích quốc gia.

Một điều quan trọng nữa là bất kỳ nước nào cũng phải có cách tiếp cận cân bằng với FDI. Trong các nền kinh tế đang phát triển, FDI thường là một thành phần quan trọng trong tổng số vốn đầu tư vào nền kinh tế. Tất nhiên, mục tiêu của Chính phủ không chỉ xây dựng luật lệ thu hút FDI mà còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng FDI ổn định.

Thu hút được nhiều FDI trong nhiều năm có thể làm mất cân bằng nền kinh tế, gây bất ổn về tiền tệ, GDP, thương mại, lạm phát và tình trạng thâm hụt. Đó là những cái có thể nhanh chóng đưa một nước vào tình trạng khó khăn, nên cần thận trọng. Việt Nam biết rõ điều này, vì vậy việc chậm thay đổi luật và các quy định về đầu tư có thể được hiểu như các “biện pháp mềm” để đối phó với những cái gai khó kiểm soát từ FDI.

Linh hoạt điều chỉnh chiến lược

Theo nhiều chuyên gia, chìa khóa để thành công trong thu hút FDI là cần tham gia các FTA, các hiệp ước khu vực và toàn cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Việt Nam đã ký FTA với Hoa Kỳ năm 2000 và được hưởng quy chế tối huệ quốc, sau đó gia nhập WTO nên FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh. Cần phải nhận thức rằng nhà đầu tư dài hạn (chính là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài) trong quá trình ra quyết định, luôn tìm kiếm ổn định về kinh tế và chính trị.

Hầu hết các nước đang phát triển đều giống nhau về chi phí lao động. Chi phí lao động thường được coi là một yếu tố quyết định quan trọng trong quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Gần đây, Samsung tuyên bố chuyển phần lớn cơ sở sản xuất thiết bị cầm tay từ Trung Quốc sang Việt Nam để duy trì lợi nhuận của Samsung. Việc đầu tư nhiều tỷ đô này của Samsung phải chăng chỉ để tận dụng giá nhân công rẻ ở Việt Nam?

Về mặt địa lý, Việt Nam là một đất nước được ưa thích do có lợi thế gần thị trường tiêu thụ trong khu vực với tầng lớp trung lưu tới 1,9 tỷ người - lớn nhất và hấp dẫn nhất thế giới trong tương lai. Việt Nam cũng đang đàm phán gia nhập Hiệp định TPP. Về cơ bản, TPP sẽ đảm bảo thương mại tự do cho các nước thành viên (đại diện hơn 70% người tiêu dùng toàn thế giới).

Hơn nữa Việt Nam cũng tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Có lẽ Samsung đã xem xét hết các yếu tố thương mại trên nên từ bỏ Trung Quốc để tận dụng cơ hội đang nổi lên ở Việt Nam, nơi lượng công nhân thấp hơn so với Trung Quốc. Đó chính là mong muốn của Việt Nam để thu hút nhiều FDI hơn và cam kết ổn định (chính trị, kinh tế và xã hội) để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tăng trưởng FDI.

Khi một chính phủ có quyết định để ảnh hưởng đến FDI thường phải chịu chỉ trích. Tuy nhiên cần phải nhìn dài hạn và tiếp cận vấn đề FDI một cách cân bằng. Vẫn có người cho rằng cách tiếp cận ấy là không cần thiết. Song theo tôi cách tiếp cận cân bằng ấy là cần thiết để thu hút và duy trì dòng vốn FDI cho bất cứ nước nào, phát triển hay đang phát triển.

Thu hút FDI là một cuộc đua marathon, không phải đua vài trăm mét, vì các nước luôn điều chỉnh chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng FDI. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất là cần tham gia các FTA và đối tác trong khu vực và trên thế giới. Chỉ như vậy, các nước như Việt Nam vốn được coi là ổn định về chính trị và kinh tế mới có thể cạnh tranh. 

Các tin khác