Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa: Linh hoạt định chuẩn hàng Việt

(ĐTTCO)-Hiện nay, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), phần quy định về các quy tắc xuất xứ có độ tùy biến, không quá khắt khe như nhiều người vẫn đang lầm tưởng. Vì thế, việc quy định dán nhãn “made in Vietnam” cần linh hoạt để phù hợp với thực tế. ĐTTC ghi nhận ý kiến một số chuyên gia, nhà kinh tế về vấn đề này.
Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa: Linh hoạt định chuẩn hàng Việt
BÙI KIM THÙY, chuyên gia về đàm phán các FTA của Việt Nam:
Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa: Linh hoạt định chuẩn hàng Việt ảnh 1
Hiện nay, mọi người vẫn nói “made in - làm tại” ở đâu đó, nhưng thực tế chuỗi cung ứng khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu đã rất hoàn hảo, cho phép người ta sản xuất đạt đến trình độ “made in the world” (sản xuất trên toàn thế giới), không phải bó hẹp trong từng khu vực, lãnh thổ.
Với bất kỳ loại quản trị xuất xứ nào khi đã tồn tại đều có quy tắc cơ bản là công đoạn gia công trên lãnh thổ của một quốc gia (hay một vùng lãnh thổ) đều có thể được gắn “made in…”, “assembled - lắp ráp…” tại nơi đó.
Thực tế, trong các FTA, phần quy định về các quy tắc xuất xứ  gần như cho phép nhập nguyên liệu từ bên ngoài, từ bất kỳ đâu. Nguyên tắc này cho phép linh kiện để tạo ra sản phẩm được nhập khẩu, nên đừng nghĩ rằng một sản phẩm “made in Vietnam” phải có xuất xứ 100% nội địa.
Thí dụ, Tập đoàn Nestle có 4 nhà máy đặt tại Việt Nam, trong đó có 2 nhà máy nằm trong top 5 của 500 nhà máy tốt nhất toàn cầu. Vậy tại sao ta không yêu cầu họ sử dụng nhãn mác ghi trên sản phẩm phải là “made in Vietnam”, bởi sản phẩm của họ không chỉ bán tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu trên toàn cầu.
Và thực tế, tuy là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng họ sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam, sử dụng 100% nguyên liệu tại Việt Nam (cà phê hạt). Nghĩa là, nếu áp quy tắc xuất xứ như chúng ta lâu nay vẫn nghĩ, sản phẩm đó phải là “made in Vietnam”.
Hay một doanh nghiệp Việt Nam chế biến xuất khẩu hạt điều. Chủ doanh nghiệp này tìm giống điều tốt nhất ở Bình Phước (Việt Nam) và Phuket (Thái Lan) để lai giống. Nhưng giống điều này phải trồng ở Campuchia mới cho hạt điều chất lượng tốt nhất, vì đó là vùng trồng trọt hiệu quả nhất với cây điều do hợp khí hậu, thổ nhưỡng.
Theo đó, hạt điều ở Campuchia được thu hoạch, đưa về nhà máy sản xuất hạt điều ở Bình Phước để chế biến, từ khâu bóc vỏ lụa, rồi tẩm sấy… Vậy nếu áp một cách cứng nhắc quy tắc xuất xứ và buộc phải là “made in Vietnam”, chúng ta sẽ xem sản phẩm này như thế nào? 
Đối chiếu với các quy định về quy tắc xuất xứ không thể nói đó là sản phẩm của Việt Nam (vì nguyên liệu nhập 100% từ Campuchia), nhưng hàm lượng chất xám người Việt tạo nên sản phẩm đó rất nhiều, từ nghiên cứu, lai tạo giống, tạo nên giá trị gia tăng.
Do đó không nên quá đặt nặng vấn đề sản phẩm đó phải có nguồn gốc hoàn toàn ở Việt Nam, quan trọng là giá trị thu lại được từ sản phẩm đó và chất xám người Việt tạo nên sản phẩm chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm.
LS. TRẦN NGỌC TRUNG, cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie, văn phòng đại diện tại Việt Nam
Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa: Linh hoạt định chuẩn hàng Việt ảnh 2
Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu quy định về xuất xứ hàng hóa quá chặt sẽ bất lợi cho chính doanh nghiệp. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là Nhà nước tập trung quản lý về chất lượng, thay vì chỉ về vấn đề xuất xứ.
Hiện nay đang tồn tại 2 bộ quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa, là quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi, chủ yếu là ưu đãi thuế. Nếu không dùng quy tắc ưu đãi thuế, có thể áp dụng nguyên tắc xuất xứ ưu đãi. Đối với việc dán nhãn “made in” ở đâu, quy tắc này Nhà nước dành quyền cho doanh nghiệp tự xác định. 
Thông thường, với mỗi sản phẩm, doanh nghiệp sẽ chỉ chọn áp dụng một nguyên tắc trong nước, hoặc quốc tế để xác định mặt hàng đó “made in” ở đâu. Nhưng khi các quy định trong nước và quốc tế có xung đột, doanh nghiệp sẽ chọn áp dụng nguyên tắc quốc tế.
Thực tế cho thấy, việc ghi xuất xứ ở đâu muôn hình vạn trạng và có độ tùy biến rất cao. Khi xác định xuất xứ, điều quan trọng phải xác định hàm lượng giá trị tạo ra ở Việt Nam có đạt được các quy định về xuất xứ theo các FTA, cũng như các quy định trong nước hay không.
TRẦN THỊ THU HƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (VCCI)
Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa: Linh hoạt định chuẩn hàng Việt ảnh 3
Muốn xác định doanh nghiệp có hành vi gian dối về xuất xứ hay không, phải phân biệt rạch ròi quy trình gia công của doanh nghiệp.
Thí dụ, hành vi xé, cắt mác của nước khác rồi dán nhãn của mình lên sản phẩm, là hành vi gian dối, lừa dối người dùng. Còn trong quy trình sản xuất, lắp ráp gia công của doanh nghiệp cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh, vấn đề cần xác định là linh kiện nào nhập khẩu, chi tiết nào sản xuất ở Việt Nam; toàn bộ quy trình gia công ở Việt Nam có vượt quá trình gia công đơn giản, hay chỉ dùng công đoạn đơn giản.
Toàn bộ quy trình sản xuất một sản phẩm, trước khi cấp chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu, cơ quan nhà nước phải đi kiểm tra dây chuyền, máy móc của từng doanh nghiệp để xác định.
Hiện nay khái niệm “made in” gắn kết chặt chẽ với quy tắc xuất xứ của sản phẩm được áp dụng khá linh hoạt. Mỗi quốc gia đều có quy định riêng về từng mặt hàng cụ thể bắt buộc phải dán nhãn.
Đơn cử, thị trường Mỹ quy định tất cả hàng hóa (hoặc bao bì đóng gói hàng hóa) có xuất xứ ngoài Mỹ (ngoại trừ một số trường hợp như hàng hóa không có khả năng được đánh dấu như trái cây) có thể áp dụng đánh dấu trên bao bì đóng gói hàng hóa này. 
Thị trường Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu dán nhãn xuất xứ lên thực phẩm và mỹ phẩm nhập khẩu. Hiện tại cũng không có bất kỳ quy định nào của EU liên quan đến dán nhãn “made in” cho hàng hóa không phải thực phẩm nhập khẩu vào EU.
Do đó, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu có quyền tự do dán nhãn thông tin xuất xứ lên hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, EU quy định bắt buộc phải khai báo nước xuất xứ của hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu, đây là quy định doanh nghiệp phải tuân thủ. 
Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản yêu cầu bắt buộc phải dán nhãn lên thực phẩm nhập khẩu. Nga cũng có quy định riêng khi yêu cầu dán nhãn xuất xứ lên tất cả hàng hóa tiêu dùng.
Quy định xuất xứ tại các nước cũng có nhiều điểm riêng biệt, nhiều lúc không tránh khỏi những xung đột, nên việc áp dụng các quy tắc xuất xứ đôi khi cũng được sử dụng để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước. 

Các tin khác