Thách thức với doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ

(ĐTTCO)-Câu chuyện khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ (hay còn gọi là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) không hề mới ở Việt Nam, nhưng để thành công thì không hề dễ dàng. 
Các nhà sáng lập khởi nghiệp công nghệ ELSA tự tin trước những thành công của mình
Các nhà sáng lập khởi nghiệp công nghệ ELSA tự tin trước những thành công của mình

Hàng loạt câu hỏi đặt ra

Điểm qua có thể thấy, những trường hợp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tạo nên danh tiếng lẫn thực lực như VNG, Tiki hay Foody không phải là nhiều trong giới khởi nghiệp. Cũng có một số startup mới nổi đang rất thành công, như ELSA - ứng dụng học nói tiếng Anh duy nhất hiện nay sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói bằng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp phát hiện lỗi sai trong phát âm, hướng dẫn sửa từng âm tiết.

AI này do những người sáng lập ELSA tự phát triển và được ươm mầm từ Đại học Stanford. Ứng dụng hiện có hơn 4 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 1,6 triệu người dùng Việt Nam. Kết quả đã được chứng minh, sau thời gian học tập bài bản cùng với lộ trình học của ELSA, 85% người dùng phát âm rõ hơn, 68% nói chuyện dễ hiểu hơn và 94% tự tin hơn…

Ở thị trường, các số liệu nghiên cứu luôn làm đau đầu startup. Số liệu cũ, số liệu không chính xác, không biết lấy số liệu thị trường ở đâu để làm các chiến lược kinh doanh… đã trở thành vấn đề đa số startup gặp phải. Vì vậy, họ phải “bơi” theo tầm nhìn và định hướng của họ, chưa chắc thị trường sẽ đón nhận. Các startup thường rơi vào trạng thái “ảo tưởng” giải pháp của mình sẽ thành công.
Ông Hồ Minh Đức, 
CEO Vbee

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cho startup, như giải pháp marketing bằng voice (giọng nói) cho các tổng đài tự động trên nền tảng giọng nói trí tuệ nhân tạo Vbee là một điển hình. Ông Hồ Minh Đức, CEO của Vbee, cho hay: Startup khó thành công, vì công nghệ thay đổi đòi hỏi luật phải thay đổi theo để phù hợp nhưng luật vẫn “đi phía sau”.

Như với Vbee, chỉ cần thu âm 4 giờ đồng hồ của một giọng bất kỳ, Vbee sẽ học được giọng người đó. Vậy bản quyền và các vấn đề pháp lý liên quan sẽ thuộc về ai, thuộc về đơn vị thuê thu âm hay về người có giọng nói đó… Cho nên, với startup, việc nắm rõ luật đã khó, nhưng với những cái chưa có trong luật hoặc đón đầu xu hướng, dự báo mức độ thành công, thì khó hơn nhiều lần.

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng mới đây, các thí sinh tham dự chương trình Khởi nghiệp công nghệ đã đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến những thách thức trong khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam hiện nay. Đại diện của các nhóm khởi nghiệp trẻ như mạng xã hội hẹn hò Hotit, ứng dụng đặt và bắt xe khách dọc đường Vihago, chợ tour trực tuyến Triptour, hệ sinh thái chung cư thông minh Cyhome hay ứng dụng tích điểm Utop... đều cho rằng, một trong những trở ngại lớn nhất là vấn đề cơ chế chính sách.

Khi tích hợp một công nghệ mới vào mô hình kinh doanh truyền thống, làm thế nào để nó được pháp luật thừa nhận? Mô hình này sẽ đứng ở đâu giữa cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ và cơ quan quản lý theo mô hình kinh doanh truyền thống? 

Thách thức ứng xử với các mô hình kinh doanh mới

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới đang ở trong giai đoạn chuyển đổi số. Lần đầu tiên trong lịch sử, loài người chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Lúc này, thách thức lớn nhất đặt ra cho các nhà quản lý là việc ứng xử thế nào đối với các mối quan hệ mới, các mô hình kinh doanh mới.

Đó là khi một ứng dụng về du lịch nhưng lại không phải là sản phẩm du lịch, cũng giống như dịch vụ Grab, tuy giải quyết câu chuyện vận tải nhưng lại không phải là taxi. Vì vậy, đối với vấn đề này, phải sử dụng cách quản lý mới theo cơ chế sandbox. 

Đây là cơ chế cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các mô hình mới, trong khoảng thời gian và không gian xác định, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Sandbox hiện là cách tiếp cận khả thi nhất để quản lý các mô hình kinh doanh mới ứng dụng khoa học công nghệ. Trong năm nay, Bộ TT-TT sẽ tạo ra khung cơ chế sandbox để trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Theo các chuyên gia, với sự phát triển vô cùng nhanh của các công nghệ hiện nay, không gian dành cho các ý tưởng khởi nghiệp công nghệ rất rộng lớn. Đây chính là thời gian để các cá nhân, nhóm khởi nghiệp trẻ có khả năng nên nắm bắt cơ hội sáng tạo, đột phá bằng những ý tưởng của riêng mình.

Thêm vào đó, người Việt Nam có văn hóa thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Giới trẻ với những ý tưởng đổi mới, sáng tạo có thể tạo nên đột phá về công nghệ, mô hình kinh doanh, có thể cùng các doanh nghiệp công nghệ phát huy vai trò hạt nhân trong quá trình chuyển đổi số của đất nước. Nhưng, để giải những bài toán khó khăn, thách thức như cơ chế chính sách nói trên, các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Cơ chế sandbox, hay là gì đi nữa, thì cũng phải sớm hình thành, được công bố để các nhóm khởi nghiệp trẻ, các công ty công nghệ có thể định vị được mình đang ở đâu, sẽ làm được những gì, có trách nhiệm như thế nào… để họ không phải sớm lụi tàn, mà phát triển đúng hướng, đem lại những giá trị đích thực cho xã hội, đất nước.

Các tin khác