Sân cỏ nhân tạo - Mảng đầu tư hấp dẫn

Vài năm gần đây, tại TPHCM có nhiều người đầu tư sân cỏ nhân tạo, dù vậy nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đông đảo giới trẻ thích chơi bóng đá. Dịch vụ kinh doanh này nhanh thu hồi vốn, có mức sinh lời cao so với các kênh đầu tư khác.

Vài năm gần đây, tại TPHCM có nhiều người đầu tư sân cỏ nhân tạo, dù vậy nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đông đảo giới trẻ thích chơi bóng đá. Dịch vụ kinh doanh này nhanh thu hồi vốn, có mức sinh lời cao so với các kênh đầu tư khác.

Dịch vụ mới mẻ, lành mạnh

Bóng đá là môn thể thao giúp nâng cao thể lực và giảm stress nhanh sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Song có một thời gian dài TPHCM thiếu sân chơi bóng đá, các bạn trẻ phải tận dụng cả vỉa hè, lòng đường, công viên… để đá bóng, gây mất an toàn giao thông và trật tự công cộng. Nhận ra nhu cầu sân chơi bóng đá, một số tư nhân đã mạnh dạn mua hoặc thuê mặt bằng làm sân cỏ nhân tạo để cho thuê theo giờ.

Anh Hiệu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bóng đá Huỳnh Tấn, người đầu tiên đầu tư sân cỏ nhân tạo ở quận Tân Bình, kể: “Năm 2008, nhận thấy cho thuê sân cỏ nhân tạo là lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng rất lớn nên tôi đã thuyết phục một số cổ đông góp hơn 5 tỷ đồng mở 8 sân bóng.

Với công suất khai thác 5-6 giờ bóng lăn trên sân/ngày, mỗi giờ cho thuê giá từ 300.000-350.000 đồng/sân, chỉ trong vòng 2 năm công ty đã thu hồi được vốn. Năm 2010, tôi tiếp tục đầu tư thêm 9 sân nữa”. Được biết, hiện nay chỉ riêng tại quận Tân Bình đã có đến trên 50 sân cỏ nhân tạo, song vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu.

Dù được đầu tư phát triển mạnh, sân cỏ nhân tạo vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đông đảo giới trẻ thích chơi bóng đá. Ảnh: VÂN KHANH

Dù được đầu tư phát triển mạnh, sân cỏ nhân tạo vẫn chưa đáp ứng
đủ nhu cầu của đông đảo giới trẻ thích chơi bóng đá. Ảnh: VÂN KHANH

Từ khi có phong trào phát triển sân cỏ nhân tạo, nhiều khu đất hoang, sình lầy đã được đầu tư trở thành sân chơi thể thao lành mạnh cho thanh niên, đem lại doanh thu ổn định cho nhà đầu tư. Một trong những sân cỏ nhân tạo đang được khai thác có hiệu quả là sân D3 của Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) quận Bình Thạnh (tại 44 đường D3, phường 25, quận Bình Thạnh).

Từ giữa năm 2010 trung tâm này đã có 15 sân cỏ nhân tạo đưa vào khai thác đi kèm với các dịch vụ tập thể hình, bóng bàn, bóng chuyền… Sau hơn một năm hoạt động, trung tâm này đã thu hút gần chục nhà đầu tư, kinh doanh có hiệu quả.

Anh Trần Viên Chính Trực, chủ nhân của 10 sân cỏ nhân tạo tại đây, cho biết: “Khi chưa có Trung tâm TDTT, nơi đây là bãi đất lầy lội cho DN vận tải thuê đậu xe. Do thiếu quản lý nên đã trở thành tụ điểm ma túy, mại dâm. Việc đầu tư Trung tâm TDTT đã góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất và tạo nguồn thu ổn định cho địa phương. Với diện tích thuê làm 10 sân bóng, mỗi tháng chúng tôi nộp cho quận Bình Thạnh 110 triệu đồng.

Do vị trí các sân bóng nằm gần 5 trường đại học nên lượng khách thuê sân khá dồi dào. Trung bình doanh thu trên mỗi sân khoảng 50 triệu đồng/tháng, trừ hết chi phí, lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/sân/tháng, lợi nhuận trên 10 sân là 250 triệu đồng/tháng”.

Hoạt động kinh doanh sân cỏ nhân tạo rầm rộ tại TPHCM đã hấp dẫn cả các nhà đầu tư đến từ các tỉnh phía Bắc. Thấy nhiều người đầu tư sân cỏ nhân tạo tại TPHCM trong thời gian ngắn đã thu hồi vốn, mua nhà, sắm xe đời mới, năm 2008 anh Nguyễn Hợp quyết định rời Hải Phòng vào TPHCM kinh doanh dịch vụ này, trở thành chủ nhân Câu lạc bộ bóng đá Thiên Trường (quận Bình Thạnh).

Anh không đầu tư ở Hải Phòng do phong trào TDTT ở đấy không mạnh, các sân bóng chỉ hoạt động đến 5 giờ chiều là đóng cửa. Trong khi đó ở TPHCM, ban ngày có thể thu hút khách là học sinh, sinh viên. Từ 17-22 giờ còn có khách là CBCNV, nhiều khi khuya hơn nữa cũng còn khách.

Dễ làm, lời to nhưng chưa bền vững

Kinh doanh sân cỏ nhân tạo đang mở ra nhiều cơ hội cho các công ty kinh doanh dịch vụ đi kèm như tư vấn, thi công, cung cấp thiết bị cho sân bóng... Anh Nguyễn Khắc Ân, Giám đốc Công ty V.E.C (chuyên thi công sân cỏ nhân tạo), cho hay, cách nay vài năm TPHCM chỉ có vài chục sân cỏ nhân tạo, đến nay đã có trên 500 sân.

Chỉ trong 8 tháng năm 2011 V.E.C đã nhận thi công gần 100 sân cỏ nhân tạo trên khắp cả nước, riêng tại TPHCM 10 sân. Do việc thiết kế và thi công sân khá đơn giản nên một vài tuần thi công là có thể đưa vào khai thác ngay. 1-2 người đã có thể điều hành cùng lúc khoảng 10 sân bóng, nên chi phí cho việc quản lý khai thác khá nhỏ, 12-24 tháng là có thể thu hồi vốn. Do vậy các hộ gia đình dễ dàng tham gia đầu tư khai thác.

Sân cỏ nhân tạo chỉ đầu tư một lần, không cần chuyên môn cao, không mất công chăm sóc, có thể khai thác thường xuyên 24/24 giờ mà không phải chờ hồi phục như sân cỏ tự nhiên. Tuy nhiên, giá trị đầu tư cỏ nhân tạo chiếm gần 70% tổng giá trị đầu tư, vì vậy nếu các nhà đầu tư ham rẻ sử dụng cỏ nhân tạo của Trung Quốc thay của Anh, Tây Ban Nha sẽ có nguy cơ nhanh xuống cấp, không kịp thu hồi vốn.

Do đây là mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận cao nên có nhiều nhà đầu tư nhắm tới, kéo theo việc bùng phát hàng loạt sân cỏ nhân tạo trong phạm vi hẹp do không có quy hoạch phân bổ, cũng đang tạo ra một sức cạnh tranh khốc liệt. Yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại khi đầu tư sân cỏ nhân tạo là vị trí sân.

Thông thường, người đầu tư nhắm đến các khu dân cư đông đúc, trung tâm quận, huyện. Tuy nhiên, sân bóng chiếm diện tích mặt bằng khá lớn từ vài ngàn mét vuông trở lên, nên việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp cũng là vấn đề nan giải, nhất là các khu vực trung tâm nội thành.

Anh Hiệu than: “Khu đất tôi thuê làm sân bóng tại đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) thuộc đất quốc phòng, giá thuê 20.000 đồng/m2, đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước. Mỗi lần ký lại hợp đồng, giá thuê đất lại tăng nhưng vẫn phải chấp nhận, và phải chấp nhận cả rủi ro sẽ bị thu hồi khi có dự án phục vụ quốc phòng”.

Các tin khác