Quy định Made in Vietnam: Vẫn còn nhiều bất cập

(ĐTTCO)- Theo các chuyên gia kinh tế, không phải cứ đạt 30% trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam thì hàng hóa đó được xác nhận là hàng Việt.
Sau nghi vấn Asanzo dùng hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam, Bộ Công Thương đẩy mạnh việc xây dựng thông tư về quy định thế nào là hàng Việt Nam.
Sau nghi vấn Asanzo dùng hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam, Bộ Công Thương đẩy mạnh việc xây dựng thông tư về quy định thế nào là hàng Việt Nam.

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo thông tư về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, một trong những nội dung đang nhận được nhiều tranh cãi là việc hàng hoá được gia công, chế biến đơn giản như thay đổi bao bì đóng gói, dán nhãn lên sản phẩm, lắp ráp đơn giản để tạo sản phẩm hoàn chỉnh… sẽ không được ghi là hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam hoặc có xuất xứ Việt Nam.

Trong bản dự thảo, công thức tính do Bộ Công Thương đưa ra còn có nội dung “hàng hóa được xác định là có xuất xứ Việt Nam khi có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cách quy định này còn có nhiều bất cập.

Tiến sĩ – chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành – nguyên thành viên Ban cố vấn kinh tế Chính phủ cho rằng, quy định 30% sản phẩm được nội địa hóa chưa thể gọi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam.

Theo chuyên gia, nhiều mặt hàng hiện nay dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Nếu chỉ quy định 30% giá trị hàng hóa có xuất xứ nội địa, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ dàng “qua mặt” các cơ quan chức năng trong việc dán nhãn Việt Nam.

“Không phải cứ đạt trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam đạt 30% là hàng hóa đó được xác nhận hàng Việt. Đặc biệt, với hàng hóa có công đoạn gia công, chế biến đơn giản hoặc chỉ trải qua một số công đoạn như bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho; lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại, lau chùi, sơn …. thì không được coi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, TS Bùi Kiến Thành cho biết.

Chuyên gia kinh tế viện dẫn về quy định của Chính phủ Mỹ về các mặt hàng xuất xứ từ đất nước này. Ông nhấn mạnh, trong khi Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng “Made in Vietnam” thì các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đưa ra những bộ tiêu chí rất chi tiết về việc gắn nhãn “Made in…”.

Tại Mỹ, theo quy định của Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), một loại hàng hóa có thể được dán nhãn “Made in USA” phải đáp ứng các tiêu chí rất nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tuy nhiên trong trường hợp mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn “Made in USA” sẽ được nới lỏng. Theo đó, chỉ cần 50% linh kiện trở lên được làm tại Mỹ là đủ để đáp ứng yêu cầu.

TS Bùi Kiến Thành cũng thẳng thẳn cho rằng Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để đưa ra bộ tiêu chí về các sản phẩm made in Vietnam. “Vì vậy, Bộ Công Thương cần tham khảo tài liệu từ các nước đã đi trước. Việc xây dựng bộ tiêu chí Made in Vietnam cũng cần có sự trợ giúp từ hội đồng tư vấn uy tín”, ông nói.

Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lại cho rằng, để một sản phẩm gọi là hàng Việt phải xuất phát từ ý tưởng, thiết kế những bộ phận cơ bản nhất của sản phẩm. Ví dụ một chiếc xe máy thì động cơ phải do doanh nghiệp trong nước sáng chế, có bản quyền mới nên gọi là hàng Việt.

Theo ông Phú, thông thường, để gọi một sản phẩm là hàng của quốc gia đó như hàng Việt, hàng Mỹ, hàng Nhật hay hàng Trung Quốc thì tối thiểu ý tưởng sản phẩm, thiết kế sản phẩm và thương hiệu sản phẩm phải được dựng lên từ quốc gia đó. Trong khi chiếc điện thoại Samsung cho dù sản xuất tại Bắc Ninh hay Thái Nguyên với tỷ lệ nội địa hóa VN lên cao hơn 30% thì cũng không ai gọi đó là hàng Việt mà chỉ gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam.

"Một chiếc xe máy Honda hoàn toàn sản xuất ở VN thì bất kỳ người nào cũng biết đó là hàng Nhật. Bởi vì bản quyền là của người Nhật và cho dù nhà sản xuất có tăng tỷ lệ nội địa hóa tại VN thì thương hiệu đó cũng là của họ", ông Phú nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, chính vì tiêu chí quy định về hàng Việt Nam vẫn còn mù mờ nên thời gian qua việc thống kê báo cáo sản phẩm tại các siêu thị đều có sự nhầm lẫn và cao hơn quá nhiều so với thực tế. Bởi siêu thị có nhiều hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia đang sản xuất tại VN nhưng không thể gọi đó là hàng Việt.

Các tin khác