Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, TGĐ VWS: Luôn muốn nhiều lợi ích cho xã hội

(ĐTTCO) -Không chỉ nỗ lực trong việc cải tiến công nghệ xử lý rác thải đáp ứng theo yêu cầu của TPHCM, ông DAVID DƯƠNG (ảnh), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) luôn mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé để môi trường TP ngày sạch đẹp hơn.

PHÓNG VIÊN: - Việc VWS trao tặng 6 trong 8 chiếc xe vận chuyển thu gom rác thải chuyên dụng cho TPHCM, Long An và Kiên Giang đã thu hút được nhiều sự quan tâm. Điều gì đã khiến ông quyết định làm việc này?
Ông DAVID DƯƠNG: - Ý tưởng trao tặng xe vận chuyển, thu gom rác theo công nghệ Mỹ cho TPHCM cũng như 2 tỉnh Long An, Kiên Giang có từ năm 2003. Khi đó một số đoàn lãnh đạo của TP qua làm việc tại California có ghé thăm công ty. Khi chúng tôi giới thiệu về nhà máy cũng như các phương tiện vận chuyển, thu gom rác có ý kiến cho rằng nếu TP có những chiếc xe như này sẽ rất thuận lợi.
Tôi đã suy nghĩ về điều này và thấy mình phải góp phần cùng TP cũng như một số tỉnh cải thiện môi trường chung. Đến 2016 chúng tôi đã đưa đoàn chuyên gia của công ty sản xuất xe vận chuyển rác của Mỹ qua Việt Nam để nghiên cứu sản xuất xe cho phù hợp với các tuyến đường của TP cũng như môi trường, loại rác… Đầu tháng 11-2018, 6 trong 8 chiếc xe đã được trao tặng cho TPHCM, Long An, Kiên Giang mỗi nơi 2 chiếc. 
Khi trao tặng xe chúng tôi nghĩ rằng nếu TP cũng như các tỉnh nhận xe sau khi chạy thử thấy có hiệu quả có thể đặt các công ty trong nước sản xuất, hoặc có thể đặt mua thêm từ công ty sản xuất xe của Mỹ. Cũng có ý kiến hỏi tôi rằng xe chạy bằng khí CNG không phải xăng thì liệu các tỉnh/thành có duy trì được lâu dài.
Tôi xin nói rõ, khi chúng tôi tặng xe các tỉnh/thành đã đồng ý sẽ cung cấp đủ khí CNG cho xe chạy chứ không phải tặng xong rồi trùm mền để đó.  Việc bảo hành các xe này cũng được nhà sản xuất làm việc khá kỹ nên các tỉnh/thành phố hoàn toàn yên tâm trong quá trình vận hành.
Cụ thể, nhà sản xuất đã liên hệ và ký hợp đồng với công ty cung cấp máy xe hiện đang có mặt tại Việt Nam. Công ty này sẽ chịu trách nhiệm bảo hành, sửa chữa khi xe còn trong thời hạn bảo hành đồng thời cung cấp thiết bị, cần thiết cho xe khi mình muốn cải thiện sau này. 
- Được biết, ngoài việc trao tặng xe ông còn nhiều mong muốn khác trong việc chung tay cải thiện môi trường của TPHCM? 
- Hiện nay mỗi lần chạy xe trên đường TP tôi thấy rất nhiều rác thải bị vứt bừa bãi nhất là nơi miệng cống thoát nước. TP đã kêu gọi người dân hạn chế xả thải, nhưng muốn làm được phải có nhiều hơn  thùng thu gom rác. Ít nhất  ở mỗi ngã tư phải có các thùng rác sẽ hình thành thói quen cho người dân bỏ rác đúng chỗ.
Vì thế, tôi đang nghiên cứu xem loại thùng rác nào thân thiện, phù hợp để đặt sản xuất tại Mỹ sau đó trao tặng cho TPHCM. Ngoài ra. hiện nay theo quan sát của tôi các xe thu gom rác trong các con hẻm, các khu dân cư vẫn còn gây khó chịu cho người dân do mùi, ảnh hưởng mỹ quan. Tôi cũng muốn nghiên cứu thêm điều này để có thể đóng góp với TP giải pháp xử lý. 
- TPHCM đang đưa ra lộ trình giảm dần việc chôn lấp rác và kêu gọi các nhà đầu tư đấu thầu các dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt. Là người có nhiều năm kinh nghiệm xử lý rác, đánh giá của ông về việc sử dụng công nghệ đốt rác? 
- Với kinh nghiệm xử lý rác thải mấy chục năm qua tại Mỹ, tôi nhận thấy TP thay đổi công nghệ là việc tốt. Tuy nhiên khi chuyển đổi và chọn lựa doanh nghiệp đầu tư công nghệ đốt phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng công nghệ đó đã thực hiện được bao lâu, quan trọng hơn giá thành có phù hợp.
Hiện trên thế giới có hàng trăm công ty sử dụng công nghệ đốt, nhưng công nghệ nào phù hợp với loại rác nào và có thể giải quyết được số lượng rác lớn trong tương lai, là vấn đề quan trọng. Những lò đốt 200 tấn hiện nay rất nhiều nhưng khi số lượng rác lên tới hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn đòi hỏi công nghệ xử lý phải cao hơn.
Theo đánh giá của tôi việc hạn chế chôn lấp là tất yếu vì quỹ đất của TP ngày một ít đi nhưng không nhất thiết phải chạy theo công nghệ đốt 100%. Chúng ta có thể nghiên cứu thêm những công nghệ khác có thể mang lại nhiều sản phẩm đầu ra có giá trị từ đó giúp làm giảm chi phí xử lý rác ban đầu.
Cụ thể, rác tại TPHCM hiện nay độ ẩm lên tới 50-60% và có tới 70-80% hữu cơ, nếu đốt hết chi phí rất cao và rất phí vì đốt chỉ tạo ra điện. Trong khi rác hữu cơ có thể phân hủy nhanh có thể sản xuất thành phân hữu cơ theo phương pháp ủ kỵ khí (AD).
Hiện theo yêu cầu của TP, VWS đang trình phương án thay đổi công nghệ để hạn chế chôn lấp và hướng đến việc  biến rác thành điện, khí nén lỏng, phân hữu cơ làm nguyên liệu cho sản xuất sạch… Chúng tôi đang nỗ lực để trong khoảng 10 năm tới sẽ đi theo hướng làm sao chỉ còn khoảng 15% rác dùng công nghệ chôn lấp.
- TP cũng đang phát động hộ dân phân loại rác tại nguồn. Việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích trong xử lý sau này, thưa ông?
- Việc phân loại rác tại nguồn nếu được thực hiện sẽ tạo thuận lợi trong xử lý rác thải. Tuy nhiên để thực hiện được không chỉ kêu gọi người dân thay đổi mà ngay cả việc thu gom rác cũng phải thay đổi, xe thu gom cũng phải có hai thùng khác nhau.
Tất cả phải được vào cuộc một cách quyết liệt. Những năm qua, do chưa phân loại rác từ nguồn, chúng tôi phải nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thích ứng với từng công đoạn phân loại, xử lý rác. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng cần phải có sự đồng bộ trong thu gom và xử lý rác.
Ở Mỹ chúng tôi thực hiện luôn việc thu gom rác từ dân cư, nên ngoài việc vận động phân loại rác từ nguồn, doanh nghiệp có quyền đề nghị xử phạt những người bỏ rác hoặc phân loại rác không đúng quy định.
- Dự án ở Long An của VWS đang chậm so với tiến độ hơn 2 năm, đã ảnh hưởng đến việc giải ngân của nhà tài trợ ra sao, thưa ông?
- Dự án khu công nghiệp môi trường xanh ở Long An hiện nay chúng tôi đang hoàn thiện hạ tầng phía ngoài, còn những phần khác phải chờ điều chỉnh quy hoạch của tỉnh. Hiện cũng đang khá chậm so với mong muốn ban đầu của chúng tôi.
Vì lẽ đó đến thời điểm này vốn đầu tư cũng chỉ là vốn của VWS, còn phần vốn của các nhà tài trợ do dự án bị lùi lâu nên tạm thời đã hết thời hạn. Tuy nhiên khi dự án bắt đầu vào guồng trở lại chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, và tôi tin rằng không quá khó để thuyết phục các nhà đầu tư do chúng tôi cũng là doanh nghiệp làm ăn uy tín nhiều năm. 
- Xin cảm ơn ông.
 Hầu như năm nào tôi cũng về Việt Nam vào dịp Tết, nhưng tùy tính chất công việc có thể về trước hoặc sau Tết. Năm nay có thể tôi sẽ về để được cảm nhận giây phút giao thừa ở Việt Nam. Đó thực sự là giây phút những người con xa xứ như chúng tôi rất trân trọng, thời điểm lắng lại nhìn những việc đã qua trong năm cũ và hoạch định những kế hoạch trong năm mới.

Các tin khác