“Nút cổ chai” nông nghiệp công nghệ cao

(ĐTTCO) - Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đặt mục tiêu đến năm 2050 tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) chiếm trên 80%. Tuy nhiên, việc ứng dụng NNCNC ở ĐBSCL đang gặp “nút cổ chai” cần được nhận diện để khơi thông, kết nối với thị trường.
Thiếu phối hợp, thừa chồng chéo
Thời gian qua, các viện, trường ở ĐBSCL đã có nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Nhiều doanh nghiệp và nông dân đã tiếp nhận, ứng dụng hiệu quả các công nghệ hiện đại vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiếp cận với tiêu chuẩn, chất lượng cao.
 Nông dân ứng dụng NNCNC rất cần sự dẫn dắt của nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà khoa học và kiến tạo của Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không gian phát triển NNCNC tại ĐBSCL chưa đủ lớn. Đất đai manh mún, hiện trạng sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, mạnh ai nấy làm hoặc mô phỏng lẫn nhau, đã dẫn đến cạnh tranh cục bộ, triệt tiêu nguồn lực. Thiếu liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu giống, dịch vụ đầu vào, sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản, cũng là điểm nghẽn lớn cho việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp.  
Cụ thể, không gian phát triển ĐBSCL đang bị chia cắt bởi hơn 2.500 bản quy hoạch với nhiều bất cập, mang tính chủ quan, duy ý chí, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Hầu hết quy hoạch chưa được tích hợp, chỉ chú trọng giải quyết vấn đề riêng lẻ, cục bộ của ngành, địa phương; bố trí không gian chưa phù hợp với đặc điểm tự nhiên từng tiểu vùng sinh thái. Nhiều quy hoạch thiếu nguồn lực thực hiện, kể cả nguồn đầu tư công lẫn huy động ngoài ngân sách, đặc biệt công tác quản lý nhà nước “thiếu phối hợp, thừa chồng chéo”.  
“Nút cổ chai” nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1 Rất đông bà con nông dân  háo hức đến xem "Hai Lúa" làm nông nghiệp 4.0 - dùng máy bay điều khiển để phun thuốc trừ sâu. Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, vùng ĐBSCL đến năm 2020 có 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC ở Hậu Giang và Cần Thơ, nay bổ sung thêm khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, đến 2030 có thêm Tiền Giang. Nhưng hầu như tỉnh nào cũng có khu NNCNC trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, bị chia cắt bởi ranh giới hành chính tỉnh, không phát huy tính dùng chung. Quy hoạch không gian và yêu cầu tích hợp trong quy hoạch còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Bên cạnh đó, không gian phát triển cho NNCNC vùng ĐBSCL không chỉ là không gian địa lý, còn là không gian đổi mới, sáng tạo với tư duy mới. Trong khi đó, nhận thức về NNCNC nói chung còn nhiều bất cập. Các khái niệm về NNCNC, nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch... được đề cập nhiều, nhưng nội hàm của nó, nhận thức về nó khác nhau. Nhiều nơi làm theo phong trào, địa phương nào cũng quy hoạch để có khu, vùng NNCNC, nhưng không được đầu tư bài bản, thiếu giải pháp khả thi, không có lộ trình cụ thể để thực hiện.

Sản phẩm chưa tiếp cận được thị trường
Thị trường vẫn là khâu quyết định sản phẩm. Phát triển và ứng dụng NNCNC chịu sự tác động, chi phối mạnh mẽ của thị trường nông sản và thị trường khoa học - công nghệ (KH-CN). Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp và nông dân ĐBSCL có khả năng ứng dụng nhanh NNCNC. Đã xuất hiện các mô hình doanh nghiệp và nông dân ứng dụng CNC trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đáng ghi nhận. Nhiều ứng dụng cách nay vài năm được xem như chuyện xa vời, nay đã trở thành hiện thực. 
Việc ứng dụng NNCNC không chỉ là vấn đề kỹ thuật công nghệ thuần túy. Nó như “chiếc bình thông nhau” kết nối thông suốt giữa CNC với nhận thức, thể chế, chất lượng quy hoạch và thị trường.
Đó là, những chủ nông trại miền Tây có thể ngồi ở quán cà phê miệt vườn theo dõi công nhân làm việc qua màn hình smartphone. Một số doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời ở An Giang, Rynan Holdings ở Trà Vinh đã ứng dụng công nghệ thông tin, điện toán đám mây, thương mại điện tử, công nghệ viễn thám vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, chuyện nông dân "làm nông bằng điện thoại", giám sát đồng ruộng, điều khiển từ xa hệ thống bơm, thoát nước tự động cho nuôi tôm hay trồng lúa, trồng hoa màu với nhiều tiện ích và hiệu quả kinh tế vượt trội, đã không còn là cá biệt. 
Nhưng thị trường thường xuyên xảy ra những bất cập cung-cầu, đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp và nông dân, tác động mạnh vào việc đầu tư phát triển NNCNC. Theo đó, cây trồng, vật nuôi trong các nhà kính hiện đại hay các dịch vụ nông nghiệp kỹ thuật, CNC đòi hỏi mức đầu tư cao, trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân rất hạn chế, rất cần một thị trường vốn tín dụng cởi mở hơn. Hoặc việc cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản được hình thành từ các dự án đầu tư ứng dụng NNCNC như nhà kính, nhà lưới, trang thiết bị, hệ thống tưới, kiểm soát chất lượng sản phẩm hiện đại, vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện. 
Bên cạnh đó, thị trường KH-CN vẫn đang ở trình độ thấp, các yếu tố cấu thành thị trường chưa phát triển đồng bộ. Năng lực của nhiều chủ thể chưa đáp ứng được các yêu cầu, giá trị thương hiệu nông sản chưa được phát huy. Quyền sở hữu trí tuệ, phát sinh, sáng chế chưa được bảo vệ và phát huy tốt. Giá trị và lượng hàng hóa KH-CN được giao dịch chưa nhiều.
Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho nông sản CNC chưa rõ ràng. Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC bị đánh đồng với các loại sản xuất theo phương thức, quy trình không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống pháp lý chưa đảm bảo chế tài đủ mạnh bảo vệ nhà đầu tư, nhà sản xuất, ràng buộc trách nhiệm nhà thương mại về truy xuất nguồn gốc nông sản để bảo chứng lòng tin cho người tiêu dùng đối với nông sản CNC. Thực trạng này tác động tiêu cực trở lại, ảnh hưởng xấu đến đầu tư phát triển NNCNC.    

Tăng cường các mối liên kết 
Từ thực tiễn của ĐBSCL, cần hướng đến những giải pháp thiết thực và hiệu quả. Theo đó, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến NNCNC, đất đai. Khuyến khích, ưu đãi đầu tư, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư cho NNCNC. 
Xây dựng không gian phát triển thích hợp cho NNCNC vượt ra ngoài ranh giới, rào cản hành chính tỉnh, mang tính liên kết vùng. Cần môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn. Tránh tình trạng mỗi địa phương tự làm, địa phương nào cũng có khu NNCNC, trong khi nguồn lực đầu tư hạn hẹp, đầu tư dàn trải. 
 Xây dựng và thí điểm các khu NNCNC phải dựa vào những tiến bộ KH-CN, nhất là công nghệ sinh học, các mô hình liên kết, quản lý theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới. Cần ứng dụng CNC trong cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học, đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. 
Giải pháp quan trọng nữa, là đẩy mạnh phát triển thị trường và nguồn nhân lực cho NNCNC, bao gồm thị trường trong nước và xuất khẩu, thị trường nông sản và thị trường KH-CN. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và tăng cường đầu tư các cơ sở khoa học, viện, trường có tiềm lực đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, ứng dụng NNCNC, chú trọng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp và nông dân.  

Các tin khác