Nông nghiệp hữu cơ-Tham vọng thiếu cơ sở

(ĐTTCO) - Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”. Mục tiêu của đề án đến năm 2030, Việt Nam đứng trong top 15 thế giới về nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Đây là mục tiêu khá tham vọng và để hoàn thành cần nhiều chính sách cho NNHC và những chính sách ấy phải đến được doanh nghiệp (DN) và nông dân. 

DN chưa nghe Nghị định 109
Tháng 9-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về NNHC, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ DN nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Cụ thể, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ.
 Hành lang pháp lý cho NNHC phát triển gần như chưa có, việc xin được giấy chứng nhận cho vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ cũng phải trải qua “rừng” thủ tục, nên dễ khiến DN nản.
Ông Nguyễn Văn Chữ,
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thành
Chính phủ cũng hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC do tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ. 
Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình... 
Thời điểm nghị định ra đời, nhiều ý kiến đã cho rằng đây là động lực cho NNHC Việt Nam phát triển, nhưng đến nay sau 1 năm nhiều DN thậm chí còn chưa nghe đến tên nghị định này. Trao đổi với ĐTTC, chị Trần Ngọc Diệp, quản lý thương hiệu Happy Vegi (thương hiệu rau hữu cơ của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hương Đất), cho biết chưa nghe gì về Nghị định 109.
Nông nghiệp hữu cơ-Tham vọng thiếu cơ sở ảnh 1 NNHC Organica của Việt Nam hiện nay đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU.
Suốt 7 năm trồng rau hữu cơ công ty phải tự mày mò, khi gặp khó khăn không biết nhờ cậy hỗ trợ ở đâu. Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ Trang trại NNHC Tiên Tiến, cho biết làm NNHC vì đam mê và đến nay chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào của Nhà nước cũng như địa phương cho dự án của mình. 
Trong khi thông tin về Nghị định 109 chưa đến với nhiều DN, chuẩn hữu cơ Việt Nam lại chưa lấy được lòng tin của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Nói về điều này, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc CTCP Organica, đơn vị có trang trại rau hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và EU Organic farming, cho biết: “Từ khi đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU năm 2015, hàng năm chúng tôi đều phải đánh giá và luôn giữ được chứng nhận từ đó đến nay. Organica kiên định với mục tiêu ban đầu của mình là nỗ lực cung ứng các sản phẩm thực phẩm hữu cơ chứng nhận quốc tế cho người tiêu dùng. Do đó chúng tôi vẫn tiếp tục lấy các tiêu chuẩn này trong thời gian tới, chưa có ý định chuyển sang chứng nhận hữu cơ của Việt Nam. Bởi đến nay các hướng dẫn về tiêu chuẩn hữu cơ này vẫn chưa rõ ràng, nhất là vấn đề giám sát cấp và quản lý chứng nhận”. 

Mục tiêu top 15 không khả thi
Tổng diện tích đất NNHC trên toàn thế giới vào khoảng 100 triệu ha (bao gồm cả các khu bảo tồn có khai thác), trong đó châu Úc chiếm 50%, châu Âu 21%, Nam Mỹ 11%, châu Á 9%, Bắc Mỹ 5% và châu Phi 3%. Tính trên toàn bộ đất canh tác trên trái đất, diện tích đất NNHC chỉ chiếm 1,4%, một tỷ lệ rất nhỏ.
Xếp theo quốc gia Australia có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất thế giới với trên 35 triệu ha, tiếp đến là Argentina 3,4 triệu ha, Trung Quốc 3 triệu ha, Tây Ban Nha 2,1 triệu ha, Mỹ 2 triệu ha... Diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam ước đạt 60.000-70.000ha, đứng thứ 58 trên thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, diện tích đất NNHC của Việt Nam cũng xếp sau Thái Lan, Indonesia, Philippines. 
“Ngay cả việc 15 quốc gia đứng đầu thế giới không tăng diện tích trong 11 năm tới, thì để lọt vào top 15 quốc gia có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất thế giới, chúng ta sẽ phải tăng diện tích lên gấp 10 lần từ nay đến năm 2030. Xu hướng sản xuất NNHC phát triển trên toàn cầu, các quốc gia đều chú trọng phát triển sản phẩm này.
Đây là thách thức rất lớn cho mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam vào năm 2030. Liệu Việt Nam có đảm bảo sản xuất các sản phẩm hữu cơ thế giới cần với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh” - bà Phạm Phương Thảo nhận định. 
Khi đặt ra mục tiêu trong đề án, hẳn Bộ NN-PTNT cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách để NNHC rộng đường phát triển, trình Thủ tướng Chính phủ. Song nền NNHC ở Việt Nam hiện nay vẫn còn phát triển manh mún, thiếu bài bản. Phần lớn người đi vào con đường này đều vì đam mê, tự mày mò, học hỏi. Nhiều DN cho biết mô hình NNHC nếu để nông dân tự bơi không thể làm nổi. Riêng việc đầu tư vốn nhưng chưa thu được lợi nhuận ngay đã khó thuyết phục người nông dân, chưa nói đến các quy trình cải tạo đất, canh tác khắt khe. 
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, người đã chọn con đường hữu cơ để đi vài năm nay, chia sẻ: “ĐBSCL với phù sa của sông Mekong, nếu canh tác hữu cơ Việt Nam sẽ dư sản phẩm hữu cơ để dùng, có thể xuất sang ASEAN và nhiều nước trên thế giới.
Tôi vẫn mơ ước như vậy và nói với lãnh đạo các tỉnh khu vực Mekong ABCD. Nhưng có làm được hay không còn phải xem xét đến rào cản từ nhóm lợi ích. Xu hướng thay đổi từ nông pháp hóa học sang nông pháp sinh học là đi đúng đắn và Việt Nam nhất thiết phải đi trên con đường này”. 

Các tin khác