Nông nghiệp chủ lực thiếu… lực

(ĐTTCO) - Tháng 10-2018, UBND TPHCM ban hành danh mục nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP thuộc 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Hiệu quả ra sao, ĐTTC đã trao đổi với ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở đô thị như TPHCM rất khó khăn do đất phân tán, manh mún? 
Ông TỪ MINH THIỆN: - Trước hết phải hiểu đặc điểm của nền nông nghiệp đô thị qua các biểu hiện, như quy mô canh tác nhỏ và phân tán, đất sản xuất nông nghiệp xen cài với khu dân cư, áp lực duy trì và bảo vệ môi trường cao, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm đặc biệt, các vấn đề bao bì, nhãn mác… Chính vì thế việc lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng phải quan tâm đến đặc điểm này.  
Tuy nhiên để nhóm sản phẩm này thực sự phát huy tiềm năng, cần chú ý các giải pháp như điều tra khảo sát nhu cầu thực sự của từng thị trường cho từng sản phẩm cụ thể; tập trung vào những sản phẩm chính trong những sản phẩm chủ lực của TP. Bên cạnh đó phải có hệ thống thông tin thị trường nông sản.
Nông nghiệp chủ lực thiếu… lực ảnh 1 Lãnh đạo TP và các sở, ban ngành tham quan khu nuôi trồng thủy sản theo nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp.
Hệ thống này rất quan trọng, giúp người sản xuất có thông tin đầy đủ, quyết định thời điểm bán - mua phù hợp. Yếu tố nữa cũng cần được quan tâm là công nghệ sau thu hoạch. Việc này giúp kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, nông nghiệp tại TP nên kết hợp với du lịch, từ đó tăng thêm sức cạnh tranh. 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp rất quan trọng, không chỉ nhắm đến mục tiêu tăng năng suất, còn hướng đến đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với nông nghiệp quy mô nhỏ. Một số quan điểm cho rằng quy mô nhỏ không ứng dụng được CNC.
Nhưng nhìn sang Hà Lan, nhiều cơ sở nông nghiệp có quy mô nhỏ vẫn ứng dụng được CNC. Vấn đề là chúng ta tìm những công nghệ phù hợp giúp nông dân có thêm lựa chọn. Những đơn vị lo xúc tiến thương mại đầu tư hoặc lo hỗ trợ phải thâm nhập thực tế nhiều hơn, hiểu hơn hoạt động sản xuất kinh doanh, còn đưa ra giải pháp chung chung sẽ rất khó. 
- Về nông nghiệp kết hợp du lịch, ông có thể nói rõ hơn? 
- Chẳng hạn, với những mô hình trồng rau, hoa, cây kiểng… theo NNCNC có thể mở thêm hướng du lịch. Vì người dân hiện nay rất thích tham quan mô hình này, ở đó họ có thể tham gia làm nông nghiệp như một cách thư giãn. Ngoài ra, nếu chúng ta đẩy mạnh các sản phẩm chế biến sau thu hoạch, cũng sẽ là cơ hội tốt để kết hợp cùng du lịch.
Hiện nay TP có chương trình phát triển các loại cây dược liệu, nếu kết hợp những tour dẫn khách tới tư vấn sức khỏe, hướng dẫn ăn uống thực dưỡng, giới thiệu những loại dược liệu, đó cũng là sự kết hợp tuyệt vời. 
- Để ứng dụng CNC trong nông nghiệp cần có vốn nhiều, nhưng việc tiếp cận vốn liệu có dễ dàng, thưa ông? 
- Chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Trung ương và TP đã có, nhưng vẫn còn một số hạn chế trong tiếp cận vốn. Chẳng hạn, đối tượng được hưởng ưu đãi về lãi suất hầu như chỉ áp dụng với các dự án đầu tư đổi mới CNC và quy mô lớn, trong khi tiềm lực của DNNVV chỉ dừng lại ở đầu tư từng phần nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức tín dụng như quỹ bảo lãnh DNNVV, quỹ hỗ trợ vốn cho HTX… chưa thực sự nổi bật; chương trình khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp so với nhu cầu thực tế chưa đủ và thời gian hoàn tất thủ tục tương đối dài; thủ tục thế chấp ngân hàng vẫn còn là trở ngại; kỹ năng soạn thảo phương án hoặc kế hoạch kinh doanh của người sản xuất để đáp ứng nhu cầu hồ sơ vay còn hạn chế, một số người phải thông qua dịch vụ, gây tâm lý ngán ngại khi làm hồ sơ vay...
Theo tôi, ngân hàng nên căn cứ vào các hợp đồng cung cấp sản phẩm của DN ươm tạo với các nhà bán lẻ, bán sỉ hay DN chế biến, để cung cấp tín dụng tương ứng 70-80% hợp đồng, tạo điều kiện cho DN có đủ năng lực tài chính sản xuất sản phẩm đều đặn. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác