Nhất quyết không sửa sai?

(ĐTTCO) - Đầu tuần qua, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận (GTVT) đăng đàn trả lời chất vấn. Người dân rất mong người đứng đầu ngành giao thông giải trình rõ ràng về thực trạng các trạm thu phí BOT, mà điểm nóng hiện nay là trạm T2 trên địa bàn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Tuy nhiên, chúng tôi đã thất vọng khi nhận được câu trả lời rất chung chung. 
Nhất quyết không sửa sai?
Thật ra, việc trạm BOT đặt sai vị trí không còn là chuyện hiếm. Từ năm ngoái Bộ GTVT đã thừa nhận có 17 trạm BOT “bất cập” về vị trí, thực chất là đặt sai vị trí. Điều đáng nói, dù thừa nhận nhưng lãnh đạo bộ này vẫn kiến nghị giữ lại các trạm BOT sai vị trí này.
Việc đầu tư làm đường một nơi, thu giá một nẻo, điển hình như trạm thu phí Cai Lậy ở Tiền Giang đã khiến dư luận bức xúc suốt mấy năm qua. Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trạm này dừng hoạt động để Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ dự án, đề xuất những phương án giải quyết.
Thế nhưng trong 2 phương án Bộ GTVT đưa ra vẫn không hề có việc di dời trạm BOT Cai Lậy sang vị trí khác phù hợp hơn. Việc dây dưa này khiến trạm BOT Cai Lậy đến nay vẫn chưa thể tiến hành thu phí lại.
Về trạm BOT T2, trước sức ép của dư luận, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có cuộc họp kín với các sở GTVT tỉnh, thành Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp liên quan đến trạm thu phí BOT T2. Ý kiến tại cuộc họp này sau đó được báo chí thông tin, là “tất cả thành phần dự họp đều thấy việc dời trạm tốn kém và không cần thiết vì có nhiều phương án để xử lý.
Thời gian qua, liên tục gặp phản ứng của tài xế về trạm thu phí, nên giải pháp hợp lý để tạo sự đồng thuận là cần thiết". Và giải pháp được xem là “hợp lý” vẫn là miễm giảm phí. Lý do, dời trạm T2 sẽ khiến ngân sách nhà nước phải đền bù số tiền lớn, đồng thời lợi ích chủ đầu tư bị thiệt thòi.
Cần nhắc lại rằng, từ khi trạm T2 chuẩn bị xây dựng cho đến nay, Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang đã có 15 lần kiến nghị những vấn đề bất hợp lý có liên quan, nhưng các bộ, ngành vẫn chưa giải quyết thỏa đáng. Thậm chí 1 vị thứ trưởng Bộ GTVT còn cho rằng vị trí đặt trạm T2 đã được nhà đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ và các cơ quan của địa phương như Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ thống nhất.
Đề cập tới phương án xử lý bất cập tại trạm T2, vị này cho biết các phương án đang được nghiên cứu, trong đó có cả phương án di dời trạm thu phí T2. Phương án cụ thể được đưa ra sẽ căn cứ trên cơ sở phương án tài chính dự án, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Nói thì hay, nhưng rồi trạm T2 vẫn nằm chình ình tại vị trí cũ. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tìm ra đề án đặt trạm T2 phù hợp nhất, trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. Đến nay, cầu Vàm Cống đã thông xe, nhưng trạm T2 vẫn nằm ở vị trí cũ. Và bất ngờ hơn, ngày 4-6, Bộ GTVT cho biết đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung tuyến tránh TP Long Xuyên, tức bộ này vẫn nhất quyết không dời trạm T2 đã đặt sai vị trí. 
Theo chúng tôi, đã sai phải sửa, những yêu cầu chính đáng của người dân cần được giải quyết thấu tình, đạt lý. Đừng lấy lý do “việc đã rồi” để trốn tránh trách nhiệm. Bởi chỉ khi lấy lợi ích của người dân đặt lên hàng đầu, việc đầu tư các dự án BOT mới có thể mang đến lợi ích to lớn.
Ngược lại, nếu chỉ chú trọng thỏa mãn và nghiêng hẳn về lợi ích kinh tế của chủ đầu tư, sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, gây bất ổn trong cộng đồng, xã hội. Theo đó, người đứng đầu ngành GTVT nên thể hiện sự quyết liệt trong thiết lập kỷ cương, thay vì cứ loay hoay với việc đổi tên các trạm thu phí BOT thành trạm thu giá, thu tiền… 

Các tin khác